Trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã có biết bao lớp người vĩnh viễn ra đi không ngày trở lại.
Máu xương, hồn phách của họ đã hòa chung vào lòng đất mẹ để cho hôm nay sỏi đá đổi màu, mầm xanh vươn tốt. Những bước chân vội vã chập chùng của đoàn quân ra trận ngày ấy có các chàng trai cô gái tuổi đời đang còn rất trẻ. Dẫu biết rằng “ra đi từ đó không về” nhưng tiếng gọi của non sông luôn thôi thúc người người cất bước. Có những con người “đi mãi” không lời trăn trối, chỉ để lại cho người thân những dòng thư viết vội dưới giao thông hào hay trên trận địa sát kề tay súng; để lại niềm tiếc thương vô hạn trong tiếng khóc nghẹn ngào của người mẹ chờ con lúc chiều về nơi cuối xóm. Bức thư của liệt sĩ Hồ Kã hiện trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị là một trong số những lá thư từ chiến trường mà người con, người em trai gửi về cho mẹ và chị gái ở trong hoàn cảnh như vậy.
Toàn bộ bức thư được viết trên những trang giấy kẻ ngang đã úa màu, có kích thước 16cm x 21,5cm với nguyên văn như sau:
Ngày 19.5.1972.
Mẹ anh chị kính yêu.
Lý, Luận, Tín, Huy thương nhớ!
Con đã hy sinh rồi vẫn tranh thủ biên thư về thăm mẹ, anh chị và mấy cháu đây! Mẹ nghĩ con buồn cười không nào?
Mẹ ơi! Chắc mấy bữa nay mẹ nóng ruột ngóng trông tin con lắm, điều ấy chính lòng con cũng mong mỏi tin tức gia đình và xót xa khi mẹ còn đau khổ vì con khi những dư âm không hay gieo vào lòng mẹ những đau khổ, nghe… (mất 1 chữ) ấy con càng hiểu được nỗi lòng của mẹ… (mất 5 chữ) lắm. Bây giờ con báo tin về con để mẹ rõ: Từ bữa xa mẹ ra đi đến nay con vẫn khỏe thường và như lần trước con đã biên thư cho mẹ đó, bữa nay con khỏe hơn rồi con về thăm mẹ điều đó là sự thật mẹ tin ở con! Về phần công tác và chiến đấu của con bình thường có điều vui là thực hiện được một ước mơ nhỏ của con là được vào Quảng Trị ghé thăm thị xã mà từ nhỏ mẹ nuôi con lớn khôn con chưa hề lần nào thấy. Khi mô có dịp con sẽ kể ngày ấy con về Quảng Trị - Một điều vui nữa là trong những ngày cả nước lên đường thì con có trong đoàn quân Nam tiến tuy nõ có chi nhưng được đóng góp công sức nhỏ bé của con để cùng bà con hai miền Nam Bắc cùng góp sức đánh Mỹ ngụy để kiên quyết giải phóng miền Nam ruột thịt. Một điều làm con vui hơn khi được tin gia đình an toàn, bà con ngoài ấy nõ ai can chi mà trong ni cũng rứa. Mẹ à, mẹ đừng tưởng rằng bom đạn Mỹ nhiều có thể làm cho chúng con mất mát đi nhiều, không đến nỗi gì chúng nó chẳng mần được chi chúng con đâu mà ngược lại chúng con đuổi nó chạy đó.
Mẹ ơi! Tuy hơi lâu con xa mẹ đi chiến đấu nhưng mẹ cứ nghĩ…(mất 3 chữ) còn lâu hơn chưa biết được tin tức con cái mình còn đối với con thời gian xa mẹ còn ít ỏi thôi con biết lắm nhưng lúc này mẹ trông tin con lắm nhưng điều kiện con còn bận lắm cuộc chiến đấu của chúng con mới là bước đầu chúng con còn đi, còn đánh, mẹ có biết không thằng Ních xơn nó ngoan cố quá tay nó muốn cướp nước ta con còn phải đánh đến cùng để giành lại đất nước nhất thiết mẹ đồng ý cho con làm như vậy thì mẹ phải vui và yên tâm đừng lo lắng về con nhiều. Về phần chị Điệp động viên mẹ thay em chị nghe, và kể cả chị cũng phải vững vàng - mà nhất là chị hay nghỉ lung tung nhất đó. Chị đừng lo về em chị nghe! Còn về phần chị ngoài công tác xã hội cố gắng chăm sóc các cháu cho khỏe, ngoan và phòng tránh tốt, đừng để các cháu xao nhãng về chơi mà trốn tránh không tốt.
Chị ạ, ở trong ni biên thư từ khó khăn vì ít người ra nên chị thông cảm cho em. Chị biên thư cho em theo địa chỉ cũ có dịp họ sẽ chuyển đến cho em và báo tin tình hình gia đình và bà con ngoài đó cho em biết với - Chị chuyển lời em thăm chú Giao, O Mại và bà con chị nhé.
À nghe tin anh có về anh có khỏe không? Còn ở đây em có gặp em Huyên vào làm công tác y tế ở đây (con chị Huyền) và em đã nhận được thư chị và thư em Vân chuyển vào cho em rồi - nghe em Vân nói chị vẫn chưa tin thư đó là thư em và chị hỏi em khi đi em trồng cây gì nữa, quê quá! Chiều chị… (mất 1 chữ) thu lời và để mẹ và chị yên tâm em nói chị nghe “Hồi em đi em trồng hàng cây mít sau nhà … (mất 8 chữ) ” em không nào? Thế thôi chị nghe.
Nghe nói chị lên hỏi ở Bộ Chỉ huy chị đừng làm phiền các đồng chí, bởi vì các đồng chí còn để tâm nhiều việc đừng vì cá nhân mình làm trở ngại tổ chức. Chị nghe em mọi sự đều phải bình tĩnh và sáng suốt mới thành công nôn nóng không được gì đâu chị ạ.Em Hiệp nay đã vào chưa? Chị biên thư cho em kẻo em không biên được chị nghe.
Xin phép mẹ, chị con dừng bút.
Thư sau con kể tiếp.
Con trai mẹ
Hồ Kã
Địa chỉ: 270.451JB02
Từng dòng chữ trong bức thư của anh viết lên là cả nỗi niềm tâm tư tình cảm của một chàng trai trẻ đang làm nhiệm vụ nơi trận tuyến. Trước hết, đó là những lời thăm hỏi ân cần và sự quan tâm lo lắng dành cho những người thân yêu. Là nỗi lòng của người con trên đường hành quân đi chiến đấu gửi về mẹ già và chị gái ở quê nhà. Đó còn là sự thông báo tình hình của bản thân cùng đồng đội nơi chiến trường cho hậu phương vững lòng chờ mong ngày trở về trong nhung nhớ...
Tuy nhiên, hơn trên hết, nội dung bức thư chính là tinh thần vì nghĩa lớn. Sẵn sàng bỏ lại sau lưng tất cả để được có mặt “trong đoàn quân Nam tiến” sẵn sàng đấu tranh “kiên quyết giải phóng miền Nam ruột thịt”. Điều đó một lần nữa cho thấy ý chí, nghị lực, sự quả cảm và lòng nhiệt huyết của lứa tuổi hai mươi một thời hoa lửa. Họ nguyện sống và chiến đấu đến cùng với niềm tin ở phía trước rằng “cuộc chiến đấu của chúng con mới là bước đầu chúng con còn đi, còn đánh”, “phải đánh đến cùng để giành lại đất nước” và sẽ chưa về khi Tổ quốc chưa yên!
Trở lại với làng quê nơi sản sinh và nuôi dưỡng người anh hùng Hồ Kã. Được biết, liệt sĩ sinh năm 1950, quê ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Anh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, gồm có 8 anh chị em và anh là con trai duy nhất. Khi mới tròn 15 tuổi đã tham gia quân ngũ, thuộc Tiểu đoàn 4 độc lập. Ngay khi mới thành lập, đơn vị của anh được cử vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu. Hơn 1 năm sau anh được cử đi học và huấn luyện tại Trường sĩ quan lục quân ở Sơn Tây. Năm 1968, anh được điều về đơn vị Đại đội 7, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 (C7.D4.E270), tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Lúc này anh đang ở cấp bậc Thiếu úy, chức vụ Đại đội trưởng.
Năm 1972, đơn vị anh trực tiếp tham gia chiến dịch Trị - Thiên, giải phóng Quảng Trị. Chính quyền Mỹ - ngụy sau khi bị thất bại nặng nề trên chiến trường Quảng Trị đã điên cuồng tổ chức phản công nhằm tái chiếm lại Thành Cổ. Trong cuộc chiến đấu anh dũng mùa hè đỏ lửa năm ấy, anh đã hy sinh tại một điểm chốt trên tuyến đường quốc lộ 1A đoạn qua xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng vào ngày 2 - 7 - 1972 khi mới chưa tròn 22 tuổi. Thi hài anh sau này đã được đồng đội và gia đình đưa về quê nhà an táng. Với những cống hiến to lớn đó, liệt sĩ Hồ Kã đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Bằng Tổ quốc ghi công; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng II; Dũng sĩ diệt Mỹ… và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thư tình gửi một người, cuốn sách giải mã ca từ và soi chiếu con người Trịnh Công Sơn
Bức di chúc của người cha khiến cộng đồng mạng cảm phục
Theo lời bà Hồ Thị Điệp (chị gái của liệt sĩ Hồ Kã) cho biết thì liệt sĩ Hồ Kã tình nguyện tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam mà giấu không cho gia đình biết, đặc biệt là người mẹ già vì anh là con trai duy nhất. Ngày anh ra trận, chỉ có bà Điệp là người duy nhất được biết. Mẹ của anh vẫn tin rằng con trai mình đang học tập tại Sơn Tây. Mãi sau này mới biết rằng anh đang tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Lúc này, bà không còn giận anh mà chỉ động viên anh cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ để nhanh chóng trở về đoàn tụ.
Tuy nhiên, thật không ngờ, trong đoàn quân khải hoàn trở về sau ngày giải phóng đã không hề có bóng anh. Anh đã không về với mẹ như lời hẹn ước ở trong thư rằng “đối với con thời gian xa mẹ còn ít ỏi thôi”. Và lá thư này đã vô tình trở thành những lời nhắn gửi cuối cùng mà anh giành cho mẹ và tất cả những người thân yêu. Anh đã vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi xót thương vô bờ cho người thân và gia đình. Đặc biệt là người mẹ già chiều chiều ra đứng chờ con để rồi nức nở nghẹn ngào rơi lệ vì con không về.
Trong quá trình xa nhà để học tập và chiến đấu, liệt sĩ Hồ Kã thường xuyên viết thư về cho gia đình, cho những người thân yêu cùng bà con lối xóm. Ngoài những bức thư thì hành trang để lại của anh còn có một cuốn nhật ký dày 50 trang được viết trong thời gian từ ngày 19/1-15/3/1968. Lúc này, anh đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam mà chủ yếu là ở địa bàn các xã phía đông huyện Gio Linh như Lâm Xuân, Mai Xá, Cửa Việt, Nhĩ Trung, Nhĩ Hạ, Lại An... Nội dung cuốn nhật ký ghi lại những tâm tư tình cảm của bản thân đối với quê hương, đất nước; với bạn bè, người thân. Cho thấy tình cảm yêu thương, đùm bọc của đồng bào miền Nam đối với chiến sĩ quân giải phóng. Đặc biệt, nó còn phản ánh cả một quá trình sống và đấu tranh hết sức gian khổ của người lính trong những năm chống Mỹ cứu nước. Phải chịu đựng từng cơn giá rét buốt thấu xương của ngày đông giá lạnh mà không một lời phàn nàn kêu ca vì sợ làm lùi chí của đồng đội. Hay có những trận đánh kéo dài đến hai tháng trời, mặt mày thân thể không được tắm rửa, để cho muỗi, bọ chét hút máu làm thức ăn... Tuy nhiên, sự gian khổ đó không hề làm mất niềm tin ở phía trước. Vượt lên trên tất cả, anh và đồng đội vẫn vui vẻ lạc quan bám chặt trận địa để đánh địch. Tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng trên quê hương sạch bóng quân thù cho những gia đình ly tán được sum vầy đoàn tụ, cho những mẹ già ôm con ngày trở về đầy nước mắt vinh quang.
Trong hàng vạn lớp người ra trận ngày ấy, có những người không trở về như liệt sĩ Hồ Kã. Tuy nhiên, tên tuổi và chiến công của các anh vẫn còn đồng vọng mãi với trời đất, với non sông.
Bức thư của liệt sĩ Hồ Kã mãi là những dòng chữ thể hiện ý chí, nghị lực, niềm tin và khát vọng sống đầy trách nhiệm của tuổi trẻ với Tổ quốc trong những năm tháng đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Khẳng định tình yêu quê hương đất nước tha thiết nồng nàn, lòng quả cảm của một lớp người “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Đây thực sự là một hiện vật có giá trị cần được lưu giữ để giới thiệu rộng rãi cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về quá khứ gian khổ, hào hùng nhưng rất đổi vinh quang của dân tộc. Qua đó một lần nữa giáo dục về lẽ sống, niềm tin ở đời rằng phải biết hy sinh bản thân, bỏ qua những vị kỷ để đấu tranh vì nghĩa lớn bởi cuộc sống là để cho chứ không chỉ nhận riêng mình.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)