Vẹn nguyên cảm xúc ngày độc lập

Nguyễn Minh Đức |

76 mùa thu đi qua, nhưng với những người tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, được sống và cảm nhận giá trị từ những ngày độc lập đầu tiên… vẫn luôn giữ trọn tinh thần Cách mạng Tháng Tám và vẹn nguyên cảm xúc ngày độc lập. Với họ, đó là những kỉ niệm không thể nào quên, là động lực, nguồn cảm hứng để phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho Nhân dân.

Nhớ mãi thời khắc lịch sử

Bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Phan Châu, sinh năm 1929, ở Khu phố 1, Phường 1, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) vẫn còn khỏe mạnh, trí nhớ minh mẫn. Ông bảo, những ngày này, trong lòng ông dâng trào nhiều cung bậc cảm xúc về mùa thu lịch sử và Quốc khánh 2/9. Ông sinh ra trong một gia đình yêu nước ở thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong. Dù chưa tham gia cách mạng, nhưng cậu học sinh Phan Châu luôn nằm trong tầm ngắm của bọn mật thám. “Tôi hay viết thư thăm hỏi ông Hoàng Xuân là chồng của cô ruột tôi, bị địch bắt giam vì tham gia hoạt động cách mạng. Bọn mật thám nhiều lần tới trường học, đến nhà tôi để kiểm tra xem tôi có tham gia cách mạng không để bắt bớ, tù đày. Khi ông Hoàng Xuân ra tù, tôi đã có dịp trò chuyện với ông. Ông hỏi tôi: “Cháu có hiểu phản đế là gì không? phản phong là gì không? Tôi trả lời rất nhanh và đúng. Từ đó, ông dẫn dắt tôi tham gia Việt Minh”, ông Phan Châu kể lại. Phan Châu được giao nhiệm vụ làm Bí thư Thanh niên cứu quốc làng Đạo Đầu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chàng thanh niên yêu nước này đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân giác ngộ cách mạng, trong đó, nổi bật là thành lập đội bóng đá nhằm tập hợp thanh niên trong làng chơi thể thao vào mỗi buổi chiều, qua đó, lồng ghép tuyên truyền cho thanh niên tham gia Việt Minh. Tiếp đó là tổ chức tuyên truyền lưu động vừa bí mật, vừa công khai đến người dân trong và ngoài làng giác ngộ cách mạng, tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ông Phan Châu trò chuyện với phóng viên về những ngày tham gia Cách mạng Tháng Tám - Ảnh: M.Đ
Ông Phan Châu trò chuyện với phóng viên về những ngày tham gia Cách mạng Tháng Tám - Ảnh: M.Đ

Đôi mắt ông Phan Châu bừng sáng khi kể về thời khắc lịch sử 76 năm về trước: Nhận lệnh của cấp trên về chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chúng tôi đã tập hợp người dân trong làng và các làng bên sẵn sàng mọi điều kiện tham gia khởi nghĩa. Đêm 22/8/1945, tôi cùng với các đồng chí đã vận động bà con trong làng tổ chức thành đoàn ra Chợ Cạn kết hợp với các đoàn biểu tình ở các xã khác đi ra Bồ Bản, rồi lên Phủ lỵ Triệu Phong với khí thế quyết tâm giành chính quyền. Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi trở về đấu tranh với bọn lý, hương và địa chủ cường hào…, buộc chúng đầu hàng, bàn giao sổ sách, giấy tờ, tiền bạc cho Việt Minh. Chiều 23/8/1945, cấp trên phối hợp với làng Đạo Đầu công bố chính quyền cách mạng mới trong làng. Đây là niềm vui chung của cả làng lúc bấy giờ, nhiều người bắt đầu mường tượng về một tương lai tươi sáng đối với làng quê dưới ánh sáng của Đảng, Bác Hồ.

Với những thành tích tham gia cách mạng, ông Phan Châu được tổ chức cử đi học tại thị xã Quảng Trị. Trong những lần về quê, ông được những người lớn tuổi ở địa phương nhắc nhở lúc nào lên thị xã thì nhớ nghe ngóng xem có thông tin gì hay thì về kể lại cho người dân địa phương biết. Đúng ngày 2/9/1945, ông Phan Châu hòa vào dòng người đông đúc tay cầm cờ đỏ sao vàng hiên ngang đi trên đường, lòng phơi phới niềm vui từ khắp nơi đổ về cơ quan thông tin của Việt Minh tại thị xã Quảng Trị. Tất cả im lặng lắng nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ loa phát thanh. “Tôi tập trung lắng nghe, và nhớ mãi lời của Bác. Đó thực sự là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời tôi về sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam mà mình may mắn được trực tiếp chứng kiến, cảm nhận. Hôm nay, những cảm xúc ấy lại ùa về trong tôi. Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 đã mở ra một tương lai tươi sáng, một cuộc đổi đời toàn diện cho người dân, đứng lên làm chủ đất nước, có cuộc sống độc lập, tự do và hạnh phúc”, ông Châu nói trong vui sướng.

Suốt cả cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, cho Nhân dân, ông Phan Châu vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trân trọng giá trị của độc lập, tự do

Ông Ăm Nhờ (Hồ Cu Chảnh, sinh năm 1937), thôn Kỳ Tăng, xã Lìa, huyện Hướng Hóa được nhiều người dân tôn trọng, quý mến. Ông được xem là tấm gương sáng cho nhiều người noi theo với nhiều đóng góp cho cách mạng trong chiến tranh cũng như thời bình mang lại nhiều kết quả tích cực cho địa phương, cho người dân xã Lìa.

Ông Ăm Nhờ luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ - Ảnh: M.Đ
Ông Ăm Nhờ luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ - Ảnh: M.Đ

Từ lúc lên 7, lên 8 tuổi, Ăm Nhờ được cấp trên giao nhiệm vụ làm giao liên. Ông kể, ngày ngày, Ăm Nhờ đi học, vui chơi cùng bạn bè trang lứa, hoặc đi lên rừng lấy măng, có khi xuống suối bắt cá… Sau hình ảnh “ngụy trang” đó là Ăm Nhờ thực hiện nhiệm vụ đưa thư bí mật cho cán bộ hoạt động cách mạng. Với sự thông minh, nhanh trí, Ăm Nhờ nhiều lần vượt qua sự kiểm tra gắt gao của địch, hoàn thành nhiệm vụ, được cấp trên khen ngợi, đánh giá cao về sự dũng cảm, thông minh, gan dạ. “Hoạt động cách mạng ở núi rừng, vùng sâu, vùng xa, biên giới nhưng tôi cũng có thông tin kịp thời về cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi và Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi vui mừng khôn xiết khi biết đến sự kiện lịch sử đặc biệt này, và tự hứa rằng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ”, ông Ăm Nhờ kể lại.

Khi đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Ăm Nhờ lên đường tham gia bộ đội, trực tiếp cầm súng đánh giặc, bảo vệ quê hương. Khi đất nước hòa bình, ông được bố trí công tác ở bộ máy chính quyền địa phương, có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần làm cho bản làng ngày càng khởi sắc.

Nay tuổi đã cao, nhưng ông Ăm Nhờ vẫn hăng say kể cho con cháu nghe về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Thắp sáng niềm tin tới tương lai tươi sáng

Đại tá Lương Chí Hiền, (sinh năm 1928) ở Khu phố 5, Phường 2, thị xã Quảng Trị kể lại, từ nhỏ ông đã biết đến Đảng, Bác Hồ thông qua những câu chuyện của người cha hoạt động cách mạng và tự tìm hiểu qua sách vở. Ông giác ngộ cách mạng rất sớm và đến đầu năm 1945, qua nhiều lần thử thách, chứng minh được lòng yêu nước, sự dũng cảm, gan dạ mới được tham gia cách mạng. “Mùa thu Tháng Tám năm 1945, theo nhiệm vụ được giao, tôi và nhiều thanh niên trẻ chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết nhất để tổ chức đứng lên giành chính quyền. Ngày 23/8/1945, tôi hòa vào dòng người yêu nước với đầy đủ lứa tuổi ở Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng đứng lên giành chính quyền. Những lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên tay người dân, cùng với đó là âm thanh vang lên đầy khí thế, quyết tâm theo Đảng, theo Bác Hồ để có độc lập, tự do, hạnh phúc. Đến ngày 2/9/1945, tôi tiếp tục hòa vào dòng người đông đảo khắp nơi đổ về trung tâm thị xã Quảng Trị để nghe trên loa truyền thanh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác hạnh phúc vỡ òa trên khuôn mặt của những người có mặt ngày ấy. Tất cả chăm chú lắng nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập như nuốt từng lời. Đến khi lời Bác kết thúc, tất cả như bùng nổ hô vang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm, Bác Hồ muôn năm, độc lập tự do muôn năm…”, Đại tá Lương Chí Hiền kể về cảm xúc ngày độc lập.

Đại tá Lương Chí Hiền tìm kiếm thông tin về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 - Ảnh: M.Đ
Đại tá Lương Chí Hiền tìm kiếm thông tin về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 - Ảnh: M.Đ

Cách mạng Tháng Tám đã mở ra cho đất nước một trang sử mới. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nhân dân đã có một cuộc đổi đời và niềm tin tươi sáng vào tương lai. Với bản thân ông Lê Chí Hiền, thắng lợi đó đã tạo nguồn động lực tinh thần to lớn để ông quyết tâm theo Đảng, Bác Hồ, thể hiện rõ nhất là ông viết đơn xin gia nhập Trung đoàn Thiện Thuật. Suốt nhiều năm đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Lương Chí Hiền đã tham gia nhiều trận đánh vào sinh ra tử, nhiều lần bị thương; được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Đến khi hòa bình, ông tiếp tục có nhiều cống hiến và đóng góp tích cực cho quê hương, cho Nhân dân trên nhiều vị trí công tác. Đại tá Lương Chí Hiền được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý về những đóng góp trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác. Với ông hạnh phúc là được cống hiến cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Ông luôn tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và Bác Hồ từ trong kháng chiến đến hòa bình, và trong tương lai, đất nước ta ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp, đời sống Nhân dân ấm no, hạnh phúc.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Mừng tết Độc lập trên quê hương cách mạng

Tú Linh |

Tháng Tám mùa thu, trên những làng quê của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cờ Tổ quốc tung bay khắp các ngã đường trong không khí hân hoan kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Điều đặc biệt, dường như nhà nào ở vùng quê này cũng chuẩn bị mâm cơm mừng tết Độc lập và tưởng nhớ Bác Hồ.

Xứng đáng là vùng đất có truyền thống cách mạng hào hùng

Nguyễn Vinh |

Triệu Phong là huyện đồng bằng ven biển có vị trí địa lý hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, là địa phương thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị. Sau khi tỉnh Quảng Trị sáp nhập với Quảng Bình và Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên, huyện Triệu Phong cũng sáp nhập với huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị thành huyện Triệu Hải. Đến ngày 1/5/1990, huyện Triệu Phong được lập lại.

Tuổi trẻ Quảng Trị phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám

Nguyễn Loan |

Cách đây 76 năm, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Cách mạng tháng Tám đã thành công, thiết lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một trang sử mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam. Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuổi trẻ Quảng Trị ra sức thi đua học tập, lao động sáng tạo, chung sức vì cộng đồng, đoàn kết hỗ trợ nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đắc lực trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hôm nay.

Cách mạng Tháng 8: Sức mạnh của lòng dân và tinh thần đoàn kết

Minh Duyên |

Sức mạnh của lòng dân và tinh thần đoàn kết đã làm nên thắng lợi chói lọi Cách mạng tháng Tám và tiếp tục đưa Việt Nam vượt qua khó khăn, làm nên các kỳ tích mới trong công cuộc xây dựng đất nước.