Xứng đáng là vùng đất có truyền thống cách mạng hào hùng

Nguyễn Vinh |

Triệu Phong là huyện đồng bằng ven biển có vị trí địa lý hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, là địa phương thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị. Sau khi tỉnh Quảng Trị sáp nhập với Quảng Bình và Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên, huyện Triệu Phong cũng sáp nhập với huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị thành huyện Triệu Hải. Đến ngày 1/5/1990, huyện Triệu Phong được lập lại.


Khi chính quyền về tay Nhân dân

Mùa thu năm 1945, trong khí thế cách mạng sôi nổi, Triệu Phong đã góp phần cùng cả nước và trong tỉnh lật đổ hoàn toàn hệ thống chính quyền phong kiến, tay sai, thành lập chính quyền cách mạng từ huyện đến cơ sở. Các tầng lớp nhân dân phấn khởi tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, yên tâm xây dựng cuộc sống mới và tham gia sinh hoạt trong đoàn thể quần chúng ngày càng đông đảo.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Triệu Phong giai đoạn 1930- 1975, vào năm 1945, Triệu Phong có gần 60% diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang; số còn lại chủ yếu trồng các loại cây hoa màu. Diện tích trồng lúa rất ít và được phân bố chủ yếu ở đồng bằng nhưng lại bị mất mùa liên tiếp trong 3 vụ liền, ruộng nhiều nơi bị bỏ hoang hóa. Các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống bị mai một, kết cấu hạ tầng hầu như không có gì. Nạn đói năm 1944 còn kéo dài chưa chấm dứt, toàn huyện có trên 50% số hộ thiếu đói, chưa kể số gia đình đứt bữa.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa, đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”, Đảng bộ phủ Triệu Phong lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể vận động toàn dân thực hiện lạc quyên các loại lương thực, mỗi gia đình đều có hũ gạo cứu đói, nhiều làng, xã, hội quần chúng thực hiện tiết kiệm gạo để cứu trợ cho dân nghèo. Với giải pháp này ít nhiều đã hạn chế được tình hình thiếu đói trong toàn huyện, song để xóa tận gốc nạn đói, vấn đề cơ bản là phải phát triển sản xuất.
Tuyến Quốc lộ 1 đi qua huyện Triệu Phong góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển - Ảnh: NV
Tuyến Quốc lộ 1 đi qua huyện Triệu Phong góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển - Ảnh: NV

Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!”, Đảng bộ Triệu Phong chỉ đạo chính quyền và vận động Nhân dân khai hoang phục hóa, ổn định sản xuất, làm công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Đồng thời, gắn nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm, Đảng bộ và chính quyền Triệu Phong thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ tịch thu ruộng đất của bọn việt gian, địa chủ để cấp lại cho nông dân.

Thực tế loại ruộng của bọn việt gian, địa chủ tại Triệu Phong chiếm một tỉ lệ không đáng kể, nhưng với chủ trương đó kết hợp với việc giảm tô 25%, xóa và hoãn nợ cho nông dân đã góp phần khuyến khích sản xuất phát triển. Từ đó, các tổ vàn công, đổi công trong sản xuất ở nông thôn dần hình thành, các nghề thủ công truyền thống như làm nón, dệt chiếu cói dần được khôi phục, đời sống của Nhân dân từng bước được ổn định.

Cuối tháng 9/1945, Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong thực hiện đợt phát động “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng” của Chính phủ. Nhiều gia đình đã tự nguyện ủng hộ kháng chiến nhiều đồ vật quý như nhẫn vàng, khuyên tai vàng, mâm đồng, nồi đồng, đặc biệt có những gia đình đưa những bộ tam sự, ngũ sự là vật thờ cúng thiêng liêng nhất để ủng hộ cách mạng. Ngoài kết quả thu được bằng hiện vật, phong trào “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng” ở Triệu Phong một lần nữa khẳng định truyền thống yêu nước và cách mạng của Nhân dân.

Song song với những thành tích trên mặt trận kinh tế, Đảng bộ và chính quyền các cấp tập trung giải quyết nạn mù chữ cho Nhân dân. Căn cứ vào điều kiện sản xuất của một địa bàn nông nghiệp, Đảng bộ Triệu Phong đề ra biện pháp sát đúng với tình hình, do đó ngay từ những ngày đầu “Bình dân học vụ” đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, thu hút mọi tầng lớp già trẻ, gái trai tham gia với tinh thần “Người biết chữ dạy cho người không biết chữ”. Các lớp học buổi trưa, buổi tối được mở ở hầu hết các thôn xóm. Con em trong độ tuổi đi học được đến trường.

Hoạt động văn hóa - văn nghệ đã được tổ chức rộng rãi ở nhiều nơi, nhất là diễn kịch, hát dân ca đã tạo ra cuộc sống tinh thần tươi vui, lành mạnh, động viên có hiệu quả sức dân trong việc tăng gia sản xuất và xây dựng cuộc sống mới. Nạn mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác dần được bài trừ. Cuộc sống nông thôn Triệu Phong càng ngày càng lành mạnh, yên vui.

Đi lên trong công cuộc đổi mới

Từ trong hoang tàn đổ nát của hai cuộc chiến tranh vệ quốc, sau ngày quê hương giải phóng, thực hiện chủ trương rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, ổn định dân cư, Đảng bộ, chính quyền huyện Triệu Phong ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chính sách để phát triển kinh tế.

Từ một huyện gặp nhiều khó khăn, đến nay nền kinh tế Triệu Phong luôn đạt tốc độ phát triển 11,5%/năm. Năng suất lúa không ngừng nâng lên, vụ gần đây nhất bình quân đạt 62 tạ/ha. Cuối năm 2020, huyện Triệu Phong có 12/17 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng/ năm. Tỉ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 4,02%, hộ cận nghèo còn 4,66%.

Để đạt được kết quả đó, trên cơ sở thế mạnh của từng vùng, huyện Triệu Phong tích cực chuyển đổi hình thức sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như mô hình trồng lúa theo hướng canh tác tự nhiên, sản xuất lúa hữu cơ và bán hữu cơ, mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với vùng gò đồi, diện tích rừng sản xuất kém hiệu quả, huyện chuyển đổi sang một số loại cây trồng mới như dứa nguyên liệu, cây dược liệu, na Thái Lan, sâm Bố Chính…

Ở vùng ven biển, huyện chỉ đạo mở rộng diện tích nuôi và từng bước ứng dụng khoa học - công nghệ để nuôi tôm cao triều vùng bãi ngang, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm theo hình thức ương nuôi 2 giai đoạn; chuyển đổi cây trồng phù hợp trên vùng cát như ném, kiệu, mướp đắng, đậu đen xanh lòng. Một số sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tiêu biểu như gạo sạch Triệu Phong được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ; dưa hấu Long Quang, gà sạch Triệu Thượng, xây dựng nhãn hiệu tập thể đậu đen xanh lòng Triệu Vân.

Cùng với đó, huyện Triệu Phong tăng cường thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp. Đến nay, Cụm Công nghiệp Ái Tử, Cụm Công nghiệp Đông Ái Tử và các điểm công nghiệp làng nghề trên địa bàn huyện đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập ổn định. Giá trị ngành thương mại - dịch vụ giai đoạn 2015 - 2020 đạt hơn 2.074 tỉ đồng, tăng bình quân hằng năm 14%.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; giáo dục và đào tạo, y tế có bước phát triển khá toàn diện. Đến năm 2020, toàn huyện có 29/45 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 64,4%. 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 98% trên chuẩn. Chất lượng giáo dục các cấp học không ngừng được nâng lên, trong đó tốt nghiệp THCS đạt 99,47%, tốt nghiệp THPT đạt gần 90%, học sinh vào các trường đại học, cao đẳng chiếm 70%. Công tác khám, chữa bệnh được duy trì chất lượng. 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. 100% người dân trong huyện được lập hồ sơ quản lý sức khỏe... Bằng những giải pháp và cách làm cụ thể, huyện Triệu Phong phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trên 50 tỉ đồng xây mới, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị trường học

Lê Cảnh Thu |

Để chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã đầu tư trên 50 tỉ đồng để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường học trên địa bàn huyện.

Triển khai nhiều giải pháp phòng, chống lụt bão ở Triệu Phong

Tuấn Việt |

Mùa mưa bão năm 2021 được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nên ngay từ đầu năm UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã xây dựng nhiều phương án, biện pháp ứng phó. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng, chống thiên tai, nhất là các hiện tượng thiên tai bất thường.

Tăng ni, phật tử và Nhân dân ủng hộ 20 tấn nông sản cho vùng dịch Thành phố Hồ Chí Minh

Lê Trường |

Ngày 10/7/2021, tại Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), rất đông các tăng ni, phật tử và Nhân dân trên địa bàn đến ủng hộ gạo, nông sản, thực phẩm khô để đóng gói gửi tiếp tế cho người dân ở vùng dịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Về miền nông thôn mới Triệu Phong

Linh Xuân |

Cùng với nhiều miền quê khởi sắc từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh, các vùng quê nông thôn mới huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ngày càng khang trang, đổi mới. Về Triệu Phong hôm nay, mới cảm nhận rõ hơn sức sống từ những miền nông thôn mới được dựng xây từ những nỗ lực của Đảng bộ chính quyền và Nhân dân huyện nhà.