Kết nối và phát huy giá trị lịch sử trong đời sống đương đại

Minh Anh |

Cam Lộ - mảnh đất quy tụ nhân sĩ, trí thức yêu nước - hai lần được lịch sử lựa chọn đặt “kinh đô kháng chiến”. Đây cũng là địa phương trong nhiều năm qua có cách làm sáng tạo để thông điệp từ câu chuyện lịch sử lan tỏa trong lòng người dân, tạo nên sự đồng thuận của Nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển huyện Cam Lộ. Tạp chí Cửa Việt có cuộc trò chuyện với Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn về việc kết nối và phát huy giá trị lịch sử trong đời sống hôm nay.

- PV: Nhiều ý kiến cho rằng Cam Lộ là vùng đất sử thi. Theo đồng chí, chất sử thi của vùng đất này thể hiện như thế nào?

Sự hình thành và phát triển của mỗi vùng đất đều gắn liền với quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ. Công cuộc đấu tranh sinh tồn ấy đã gây ra và để lại những đau thương, mất mát cho người và đất Cam Lộ nhưng nó cùng nảy sinh ở mảnh đất này những giá trị nhân văn sâu sắc và hàng loạt sự tích anh hùng, làm xuất hiện nhiều địa danh lẫy lừng chiến công biểu trưng cho chí khí quật cường, lòng quả cảm và niềm tự hào lớn lao không chỉ của huyện hay tỉnh Quảng Trị. Đó còn là câu chuyện của dân tộc Việt.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thành Tân Sở - nơi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên phò vua đánh đuổi giặc Pháp, cứu giống nòi. Từ những ngày bình minh có Đảng, Cam Lộ là căn cứ cách mạng tin cậy với Nhà Tằm Tân Tường - nơi thành lập một trong ba chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, cũng là nơi thành lập Tỉnh ủy Quảng Trị, đã lãnh đạo phong trào cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bên cạnh đó, những địa danh trên đường 9 gắn với các cứ điểm, tập đoàn cứ điểm hỏa lực mạnh của Mỹ - nguỵ như: Tân Lâm, Đầu Mầu, Phu Lơ (544)... sau những cuộc đụng độ giữa quân viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn với lực lượng quân giải phóng trong các năm 1967, 1968, 1971, 1972 đã trở thành nỗi kinh ngạc bất ngờ của Nhà trắng, thành nỗi ám ảnh về sự tuyệt vọng của lính Mỹ và thành “Hội chứng Việt Nam” của nước Mỹ những năm sau chiến tranh.

Học sinh tham quan thực tế tại di tích cách mạng Nhà Tằm Tân Tường - Ảnh: Bảo Linh.
Học sinh tham quan thực tế tại di tích cách mạng Nhà Tằm Tân Tường - Ảnh: Bảo Linh.
Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ ra đời năm 1973 do yêu cầu của cách mạng miền Nam, trở thành nơi hội tụ tình cảm, khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Đây là trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam để đón tiếp sứ bộ ngoại giao của nhiều nước và nhiều đoàn đại biểu của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới đến trình quốc thư và đặt quan hệ ngoại giao.

Ngược dòng lịch sử, mảnh đất này còn là chứng nhân quan trọng quá trình mở mang bờ cõi của người Việt với dấu ấn là các làng xã đồng loạt hình thành trên vùng đất hai bên bờ sông Hiếu về phía hạ nguồn và những lần thay đổi tên gọi. Trải qua nhiều thời đại, con người trên mảnh đất này - với tư cách là chủ thể sáng tạo đã vượt qua mọi thử thách gian nan để làm nên những kì tích hào hùng trong đấu tranh và xây dựng, để lại nhiều di tích lịch sử và di sản văn hóa truyền thống vô cùng quý báu mà ngày nay đang được phát huy hoặc vẫn còn vọng mãi trong tâm thức và đời sống của người dân nơi này.

Mảnh đất và con người Cam Lộ trở thành nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo với những thiên tự sự kể về quá khứ anh hùng, với những anh hùng, dũng sĩ tiêu biểu và thông qua đó, cho ta thấy bức tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống Nhân dân Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung qua các thời kỳ.

- PV: Trong dịp khánh thành Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có phát biểu rằng, trong sự phát triển của huyện Cam Lộ hôm nay có phần nào đó của “hồn thiêng sông núi”, của những dấu ấn trong quá khứ và chắc chắn là vua Hàm Nghi với Tân Sở là điểm nhấn trong quá khứ và ngày hôm nay. Thưa đồng chí, đứng chân trên vùng đất giàu chất sử thi, huyện Cam Lộ đã làm gì để những di tích “cất lên tiếng nói” trong đời sống hôm nay?

Lịch sử đã để lại trên đất Cam Lộ không chỉ là những di tích tầm cỡ có tiếng vang lớn như đã nói trên mà còn để lại hàng trăm địa danh ghi dấu nhiều sự kiện oanh liệt, hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhìn lại lịch sử để chúng ta thấy rằng, dân tộc ta dựng nước và giữ nước rất gian nan.

Lịch sử để lại hôm nay rất nhiều điều thú vị và là nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ tìm hiểu. Tôi rất thú vị với câu nói của Phùng Văn Khai - nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử khi cho rằng, đừng tưởng rằng lịch sử là lửa đã cháy xong, lịch sử không bao giờ xong, bởi vì lịch sử dẫn đến hiện tại. Hiện tại của chúng ta là một sự hiện diện của lịch sử.

Đối với hai di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn là di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và di tích Thành Tân Sở đang từng bước được bảo tồn, tôn tạo trở thành điểm nhấn về quần thể kiến trúc và là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân, đồng thời khai thác du lịch góp phần phát triển kinh tế -  xã hội. Bên cạnh đó, các di tích lịch sử khác cũng được địa phương quan tâm chăm lo như: Di tích Nhà Tằm Tân Tường, Đình làng và Chợ Phiên Cam Lộ, miếu An Mỹ... Chúng tôi rất chú trọng đến việc làm thế nào để người dân hiểu và yêu câu chuyện lịch sử của dân tộc, của quê hương qua rất nhiều hình thức như: giáo dục trong nhà trường; tiếp cận với hiện vật, di tích lịch sử; tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin; sử dụng nhiều loại hình văn học nghệ thuật để chuyển tải những thông điệp/ câu chuyện lịch sử,…

- PV: Thưa đồng chí, tôi nghĩ vẫn còn thiếu khi không nhắc đến huyện Cam Lộ là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Trị gây ấn tượng mạnh khi thay đổi hình thức các bảng tên đường ở thời điểm năm 2013. Quan điểm của cá nhân tôi là, sự sáng tạo để câu chuyện lịch sử luôn hiện hữu đầy ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay là rất quan trọng.

Đứng chân trên vùng đất “sử thi”, các thế hệ lãnh đạo của huyện Cam Lộ đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của huyện Cam Lộ. Câu nói của Robert A Heinlein là điều đáng để chúng ta phải ghi nhớ: “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ - và cũng không có tương lai”.

Chúng tôi hiểu rằng, hãy để câu chuyện lịch sử được đi vào lòng quần chúng bằng những gì thân thương, gần gũi nhất. Trở lại câu chuyện mà bạn vừa đề cập thì ở thời điểm năm 2013, sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Cam Lộ là địa phương thực hiện cách đặt tên đường theo hình thức này. Điểm mới trong việc đặt tên đường tại thị trấn Cam Lộ, đó là tên đường ở đây là nhân vật, sự kiện gắn liền với địa phương, đất nước như: Lê Thế Tiết, Chế Lan Viên, Bùi Dục Tài, Cần Vương,... Dưới mỗi tấm biển còn kèm theo một số thông tin ngắn gọn, súc tích, có sức khái quát cao... nhằm làm rõ sự kiện hoặc nêu bật thân thế, sự nghiệp của danh nhân được đặt tên đường. Cách làm này đã tạo nên một xu hướng học lịch sử ngắn gọn, dễ nhớ, nhận được nhiều sự đồng tình của người dân.

Trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, huyện đã nỗ lực rất lớn để từng bước bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng quan trọng trên địa bàn. Những gì có thể làm được, chúng tôi tập trung làm trước như huyện thường xuyên tổ chức các trại sáng tác văn học nghệ thuật bao gồm các lĩnh vực: nhiếp ảnh, văn học, âm nhạc, mỹ thuật… để qua đó, giúp người dân hiểu rõ và yêu thích về lịch sử mảnh đất này. “Cách hữu hiệu nhất để hủy diệt một dân tộc là phủ nhận và phá hủy sự thấu hiểu của họ về lịch sử của chính họ” (George Orwell). Lịch sử Cam Lộ được hiển hiện bằng rất nhiều màu sắc hào hùng, tươi vui, rực rỡ của hôm nay. Cam Lộ của quá khứ là động lực phát triển cho Cam Lộ hôm nay và mai sau.

- PV: Đồng chí nghĩ như thế nào về quan điểm: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử luôn là vấn đề thách thức với các địa phương. Với hệ thống di tích lịch sử, di tích cách mạng rất lớn có phải là khó khăn, thách thức với Cam Lộ? Huyện có chủ trương thế nào đối với việc gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử với việc xây dựng nông thôn mới?

Tôi cho rằng đó không phải là thách thức mà hệ thống di tích (bao gồm cả di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa) là niềm tự hào của huyện Cam Lộ. “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ” (Victor Hugo). Mỗi di tích có ý nghĩa to lớn làm cho người dân hiểu rõ hơn giá trị lịch sử, là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước của cha ông, đồng thời là điểm đến thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Cam Lộ với bạn bè trong nước và quốc tế.

Các quốc gia trên thế giới đã rất coi trọng môn học lịch sử và rất nhiều nước ưu tiên cho môn Sử (như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Israel...).  Bảo tồn, phát huy di tích không có nghĩa là xem di tích như một món đồ cổ cần giữ gìn để “ngắm nghía” mà phải đưa giá trị văn hóa, lịch sử vào đời sống. Bảo tồn, trùng tu, nâng cấp một di tích chỉ là bước khởi đầu, bước tiếp theo cần phải quảng bá, tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ về giá trị, ý nghĩa của di tích. Các di tích còn có thể gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thu hút khách du lịch, tạo thêm nguồn thu cho địa phương, đồng thời giới thiệu với du khách được nét đặc sắc của vùng đất và con người nơi đây. Chúng tôi muốn tái hiện đầy đủ cảm xúc của vùng đất lịch sử, vùng đất đầy chất sử thi. Đó là một Khe Gió mát xanh vẫn cứ rạo rực du khách đằng xa. Những Hiếu Giang, La La suối, Rì Rì khe… rất nên thơ và giàu âm điệu hào hùng. Những suối nước nóng Tân Lâm, Hang Dơi, Tân Kim, Bến nước Đầu Mầu… mỗi khi dừng chân thì bao giờ cũng muốn trở lại! Một sông Hiếu nhỏ nhoi mà có những bến đò xưa lặng lẽ, mỗi mùa nước dâng cũng vời vợi bên nhớ, bên thương. Có biết bao đêm những chuyến đò Quật Xá, Ba Thung, Bích Lộ, Định Xá… chở người đi đánh giặc; những sớm chiều dằng dặc chở khách sang sông, giờ vẫn sâu lắng nỗi niềm và trở thành hoài niệm. Những chiếc thuyền buôn từ Cửa Việt, Đông Hà ngược sông Hiếu cập bến Đuồi, chợ phiên mang theo âm hưởng của một thời sầm uất phố thị...

Nếu việc bảo tồn đặt hết lên vai của chính quyền thì hẳn nhiên nó là thách thức. Vấn đề của chính quyền là làm thế nào để mỗi người dân hiểu, tự hào về truyền thống lịch sử của vùng đất mình. Di tích lịch sử, cách mạng là tài sản chung của nhân dân, mọi người dân đều có quyền hưởng thụ, khai thác và phát huy giá trị di tích phục vụ cho mục đích văn hóa lành mạnh. Từ tình yêu đó, người dân sẽ cùng chăm lo, cùng gìn giữ và làm giàu thêm giá trị lịch sử của các tiền nhân để lại. Đó cũng là cách chúng tôi đang triển khai trong cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Đẩy mạnh công tác bảo tồn kết hợp với phát triển, xây dựng cơ chế và chính sách, tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia bảo tồn. Giải pháp này không chỉ nâng cao trách nhiệm cho cộng đồng người dân địa phương trong bảo vệ di tích, di sản của mình, mà còn có thể trở thành nguồn sinh kế bền vững với họ thông qua hoạt động du lịch.

Nhưng để hạn chế những trường hợp tu bổ phản cảm, cần đánh giá, nhận diện giá trị cốt lõi để xác định đối tượng ưu tiên; có biện pháp ứng xử phù hợp với hoàn cảnh của địa phương, nguyện vọng của cộng đồng và khả năng thực hiện công tác xã hội hóa với mỗi di tích, di sản.

- PV: Được biết đồng chí là người rất yêu thích và đam mê nghiên cứu lĩnh vực lịch sử. Với góc nhìn cá nhân, theo đồng chí làm thế nào để lịch sử - câu chuyện của quá khứ - luôn có sức hấp dẫn với thế hệ trẻ?

Chúng ta cần phải học lịch sử để biết được cội nguồn dân tộc, biết được loài người chúng ta đã đấu tranh để sinh tồn và phát triển như thế nào. Chúng ta biết được những gì đã xảy ra trong quá khứ của tổ tiên, của cha ông và cả nhân loại để bản thân mình vừa kế thừa, phát huy những gì đã có, góp phần nhỏ bé của mình trong việc bảo vệ phát triển vì sự tiến bộ của đất nước, của nhân loại.

So với những gì để lại của tiền nhân thì hậu thế hiểu và xưng tôn vẫn chưa xứng tầm. Ví dụ như câu chuyện về di tích Thành Tân Sở. Ngoài việc xây dựng Đền thờ, chúng tôi còn mong muốn tiếp tục tái hiện Lễ hội Cần Vương, xây dựng nơi trưng bày hiện vật về vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương nhằm tái hiện được không khí lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp của vua Hàm Nghi và các tướng sĩ. Sự khám phá trải nghiệm để hiểu được bài học lịch sử là rất quan trọng.

Lịch sử không phải là những con số hay sự kiện khô khan mà quan trọng hơn, nó cho thế hệ hôm nay những sự chiêm nghiệm và học được bài học kinh nghiệm rất quý báu mà không phải trả giá. Lịch sử dạy cho trẻ em những câu chuyện từ khắp nơi trên thế giới, kể từ thời khai thiên lập địa đến nay có thể là nguồn cảm hứng bất tận cho sự ham hiểu biết của trẻ. Biết được ký ức của tổ tiên, nắm bắt những nền văn hóa đã được định hình, chính là cơ sở để chúng ta hiểu rõ bản thân bởi những tập quán, tín ngưỡng, thói quen và nhiều vấn đề khác đều đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đi tới tận cội nguồn chính là để tìm lại các giá trị đạo đức và văn hóa cho chúng ta hôm nay.

Mỗi giai đoạn sẽ có những cách tiếp cận khác nhau nên cần có cách chuyển tải thông điệp khác nhau. Việc bảo tồn, gắn với khai thác phát triển du lịch sẽ giúp thế hệ trẻ tiếp thu câu chuyện lịch sử một cách chủ động và hứng thú hơn.

Tuy nhiên, dù có sáng tạo như thế nào thì vẫn phải giữ được cái căn bản, tính chất của sự kiện/ câu chuyện lịch sử đó. Không thể bóp méo, bẻ cong hay thổi phồng nhân vật, sự kiện đã qua được. Chúng ta tin khi thế hệ trẻ của bất cứ quốc gia nào biết gìn giữ và trân trọng lịch sử, họ sẽ là những người đắp xây lên một tương lai dân tộc bền vững.

- PV: Xin cám ơn đồng chí về cuộc trò chuyện thú vị này!

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Cần quan tâm hơn đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa

Minh Đức |

Xác định tầm quan trọng của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thời gian qua, từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích… Nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được phát huy giá trị, nhất là trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau; trở thành những điểm du lịch, tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước, quốc tế.

Đông Hà quan tâm bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa

Thanh Tuyền |

Xác định tầm quan trọng của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã có nhiều chủ trương, giải pháp đầu tư bảo tồn, tôn tạo cũng như phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tin bão mới nhất: Bão số 9 tăng cấp, mạnh nhất lịch sử gần 200 năm

Phương Linh |


Theo tin bão mới nhất, bão số 9 dự báo nhanh chóng mạnh lên cấp 4 trước khi đổ bộ Louisiana vào 29.8, mạnh nhất kể từ năm 1850.

Ông Võ Nguyên Giáp: Vị tướng tài làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử

Thu Phương |

Cố nhà báo người Mỹ S.Karnow viết: “Tướng Giáp là một người đặc biệt. Ông vừa là một nhà hoạch định chính sách, vừa là một sỹ quan trên chiến trường. Người Pháp đã từng gọi ông là “núi lửa phủ băng.”