Xác định tầm quan trọng của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã có nhiều chủ trương, giải pháp đầu tư bảo tồn, tôn tạo cũng như phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Là vùng đất gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh và tác động của thiên tai khắc nghiệt cũng như quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nên nhiều di tích lịch sử, văn hóa (LSVH) ở thành phố Đông Hà bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực tế này, với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, mấy năm gần đây, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích LSVH trên địa bàn đã từng bước được đầu tư.
Là người quan tâm đến giá trị LSVH của địa phương, ông Nguyễn Văn Giang ở phường Đông Thanh cho biết: “Thời gian qua, tôi thấy nhiều di tích LSVH ở Đông Hà đã được đầu tư nâng cấp. Ví dụ như ngay trên địa bàn Đông Thanh, Đình làng Nghĩa An và một số di tích đã được trùng tu, tôn tạo. Theo tôi, việc này cần được thực hiện tốt hơn bởi các di tích LSVH không chỉ là nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc để cả cộng đồng phát triển về mọi mặt”.
Tháng 6/2020, UBND thành phố Đông Hà tổ chức khởi công xây dựng công trình Bia di tích Cầu sắt xóm đò và địa điểm tổ chức lễ thả hoa. Di tích Cầu sắt xóm đò là cầu tàu bắc qua sông Hiếu được thực dân Pháp xây dựng vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Đây là nơi lực lượng du kích và Nhân dân xã Cam Thanh (nay là phường Đông Thanh) rất nhiều lần tổ chức phá cầu để cản trở việc vận chuyển binh lính, vũ khí của quân Pháp. Vào tháng 4/1972, các Tiểu đoàn 1, 2 thuộc Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 vượt sông tiêu diệt lực lượng phòng thủ của Mỹ - ngụy, tạo thuận lợi cho quân ta giải phóng Đông Hà… Di tích này đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh. Có quy mô đầu tư khoảng 1.500 m2 gồm bia di tích, không gian sân khấu kết hợp sân lễ hội, bến thả hoa cùng các hạng mục phụ trợ khác có tổng mức đầu tư khoảng 3 tỉ đồng, đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đồng thời tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan đô thị đôi bờ sông Hiếu… Đây là một trong nhiều di tích LSVH được Đông Hà đầu tư bảo tồn, tôn tạo trong thời gian qua.
Để tăng cường hiệu quả quản lý, từng bước thực hiện tốt việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của hệ thống di tích LSVH của địa phương, Đông Hà đã triển khai nhiều giải pháp. Trọng tâm là lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhiều di tích; khoanh vùng diện tích khu vực bảo vệ theo quy định với tổng diện tích trên 16 ha. Phân cấp quản lý và chỉ đạo, hướng dẫn các phường quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích. Triển khai xây dựng bia, biển ở các di tích để khẳng định vị trí di tích, cấp độ di tích và giới thiệu di tích để tuyên truyền lịch sử cách mạng, văn hóa cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Huy động nhiều nguồn lực để trùng tu di tích quốc gia Đình làng Nghĩa An; hỗ trợ kinh phí cho các phường để đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp các di tích. Quy hoạch tạo dựng khuôn viên, trưng bày hiện vật chiến tranh di tích lịch sử Nhà ga - Lô cốt Đông Hà; xây dựng bia di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng xã Cam Tường tại địa điểm nhà ông Hồ Sỹ Khâm ở phường Đông Thanh; xây dựng bia di tích họ Hoàng Đức ở phường Đông Giang. Huy động nhiều tỉ đồng từ ngân sách, nguồn đóng góp của Nhân dân để trùng tu các di tích LSVH Đình làng Lập Thạch, Đình làng Trung Chỉ…
Đông Hà hiện có 21 di tích LSVH đã được công nhận, trong đó có 2 di tích được công nhận di tích LSVH quốc gia là Đình làng Nghĩa An và hệ thống giếng Chăm ở phường Đông Thanh, Cảng quân sự Đông Hà ở Phường 2 và 19 di tích LSVH cấp tỉnh. Trong 21 di tích LSVH có 16 di tích thuộc loại hình lịch sử, 5 di tích thuộc loại hình văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, tôn tạo cũng như phát huy giá trị hệ thống di tích LSVH của địa phương vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Nhiều di tích bị hư hại, xuống cấp và thậm chí bị xóa dấu vết trên thực tế. Diện tích không ít di tích bị lấn chiếm, thu hẹp; công tác lập hồ sơ khoanh vùng đất đai bảo vệ còn chưa hợp lý, tính nguyên trạng của một số di tích rất khó bảo tồn, tôn tạo do là nơi diễn ra sự kiện, tồn tại dưới dạng phế tích. Cùng với đó là kinh phí bố trí cho việc đầu tư, tôn tạo các di tích LSVH còn hạn chế.
Để phát huy giá trị hệ thống di tích LSVH trên địa bàn, Đông Hà đang triển khai nhiều giải pháp. Trọng tâm là thực hiện các kế hoạch, đề án đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích. Phân định rõ trách nhiệm của UBND thành phố, các phường, sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích LSVH. Qua đó, vừa bảo tồn được các di sản vừa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và tạo môi trường sinh thái nhân văn phục vụ cộng đồng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)