Để các di tích lịch sử,văn hóa hòa mình vào cuộc sống

Thanh Hải |

Tỉnh Quảng Trị có hệ thống di tích lịch sử văn hóa đồ sộ với 501 di tích, danh thắng đã được xếp hạng. Hệ thống di tích của Quảng Trị phản ánh một cách đầy đủ, phong phú về vùng đất anh hùng trong quá trình mở mang bờ cõi, dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.


Chú trọng trùng tu, tôn tạo di tích

Bằng nguồn vốn đầu tư của trung ương, của tỉnh và nguồn huy động xã hội hóa, hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo. Đặc biệt là đối với các di tích quốc gia đặc biệt đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo, hiện đang phát huy giá trị, trở thành những điểm du lịch, tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo du khách.

Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Trị Lê Đình Hào cho biết, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2013/HĐND ngày 31/7/2013 về việc đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2013- 2020. Sau 7 năm triển khai thực hiện, từ nguồn vốn của trung ương và xã hội hóa đã tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia hệ thống giếng cổ Gio An với tổng kinh phí đầu tư 2.500 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí chủ yếu được huy động xã hội hóa cùng với ngân sách địa phương, các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành đầu tư tu bổ, tôn tạo được 55 di tích với tổng kinh phí gần 68.128 triệu đồng. Công tác nghiên cứu, kiểm kê lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh; nâng hạng các di tích cấp tỉnh có đủ tiêu chí lên di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt đã hoàn thành 18 hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh; hoàn thành 5 hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia, trong đó di tích Dinh chúa Nguyễn đã được xếp hạng quốc gia; có 4 hồ sơ di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Việc lập hồ sơ nâng hạng lên di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn đang trong quá trình xây dựng dự án đầu tư bảo tồn tôn tạo.

Du khách tham quan di tích địa đạo Vịnh Mốc -Ảnh: T.H
Du khách tham quan di tích địa đạo Vịnh Mốc -Ảnh: T.H

Không ngừng phát huy giá trị di tích

Di sản văn hóa, lịch sử là tài nguyên, sản phẩm quan trọng của du lịch. Quảng Trị có lợi thế là điểm kết nối của các tuor, tuyến du lịch lớn trên Hành lang kinh tế Đông-Tây và Con đường di sản miền Trung. Những di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu ghi dấu ấn chặng đường cả dân tộc ra trận bảo vệ Tổ quốc, thống nhất nước nhà là sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của tỉnh Quảng Trị trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Trên nền tảng di sản văn hóa, lịch sử cha ông để lại, tỉnh Quảng Trị đã đưa vào khai thác các tuor du lịch có thương hiệu nổi tiếng như: khám phá vùng phi quân sự DMZ, du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, du lịch tâm linh, tri ân liệt sĩ…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng được các lễ hội có quy mô lớn như “Nhịp cầu Xuyên Á” kết nối với các nước trên Hành lang kinh tế Đông-Tây; Lễ hội “Thống nhất non sông” ở Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải vào dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4; các chương trình truyền hình trực tiếp “Huyền thoại Trường Sơn”, “Dòng sông hoa lửa”… đã gây xúc động mạnh đối với đồng bào cả nước, qua đó giới thiệu quảng bá về mảnh đất và con người Quảng Trị, thúc đẩy phát triển du lịch. Để nâng tầm giá trị di tích, hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang xây dựng lễ hội mới mang tên Vì Hòa bình sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2022, đưa hệ thống di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn trở thành biểu tượng của khát vọng độc lập, thống nhất đất nước, phản đối chiến tranh.

Song song với việc khai thác phát triển du lịch, hệ thống di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mặt khác, nhận thức được tầm quan trọng, giá trị to lớn của hệ thống di tích lịch sử văn hóa sẽ góp phần huy động được nguồn lực xã hội hóa đầu tư, bảo tồn, tôn tạo di tích, làm cho di sản văn hóa sống dậy, hòa vào cuộc sống đương đại.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Quảng Trị Đỗ Văn Bình, với hệ thống di tích lịch sử văn hóa đồ sộ, độc đáo, là tài nguyên quý giá để khai thác phát triển du lịch, tuy nhiên do hạ tầng phục vụ du lịch của tỉnh chưa được đầu tư tương xứng nên việc phát huy giá trị di tích còn hạn chế. Để nâng tầm giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, cùng với việc xây dựng các lễ hội cách mạng với thông điệp Vì Hòa bình, kết nối các tuor, tuyến du lịch để quảng bá, giới thiệu về mảnh đất và con người Quảng Trị, tỉnh có chủ trương mời gọi các nhà đầu tư lớn đến đầu tư khai thác các di tích nhằm phát triển du lịch theo hình thức PPP. Khi có các nhà đầu tư chiến lược hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn sẽ góp phần nâng tầm giá trị di tích, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, vừa bảo tồn, tôn tạo di tích hiệu quả hơn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bảo tồn, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Cảng Quân sự Đông Hà

Chí Kiên |

Bảo tồn, tôn tạo di tích Cảng Đông Hà (Quảng Trị), di tích thành phần trong hệ thống các Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, trở thành nơi giới thiệu và giáo dục cho các thế hệ mai sau về lịch sử đấu tranh giữ nước vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đầu tư 45 tỉ đồng bảo tồn di tích Địa đạo Vịnh Mốc

Nguyễn Trang |

Để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử di tích Địa đạo Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, HĐND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng, tôn tạo tổng thể di tích Địa đạo Vịnh Mốc (giai đoạn 2). Theo đó, dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 4 năm, từ năm 2025- 2028.

Xâm phạm di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Mũi Si: Khắc phục như thế nào?

Hưng Thơ |

UBND huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị hỗ trợ về chuyên môn để khắc phục việc thi công con đường xâm phạm di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Mũi Si.

Bảo quản, tu bổ Di tích lịch sử 'Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải'

Chí Kiên |

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt 'Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải' trở thành địa điểm nghiên cứu, tìm hiểu, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, giải phóng Tổ quốc cũng như khát vọng hòa bình của dân tộc.