Làng cổ có ba di tích

Phạm Xuân Dũng |

Trên đường thiên lý Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Quảng Trị có một giao lộ rất quan trọng khi Quốc lộ (QL) 1 cắt đường xuyên Á tại địa bàn cuối huyện Cam Lộ về phía Đông, đó là địa danh mang tên gọi khá ấn tượng: Ngã Tư Sòng. 

Ngã Tư Sòng gắn bó xưa nay với những ngôi làng cổ như phía Đông là An Xuân (quê hương của nhà thơ lớn Chế Lan Viên), Cầm Thạch, Kim Đâu, trước thuộc xã Cam An; phía Tây là làng An Bình, trước thuộc xã Cam Thanh, nay đều thuộc xã Thanh An, huyện Cam Lộ.

Thực ra tên gọi Ngã Tư Sòng đã có từ lâu, không phải chờ đến khi có đường xuyên Á băng qua QL1, tức con đường cái quan về với biển Cửa Việt mới có. Ngày xưa, khi con đường Đông-Tây này còn là đường đất thì danh xưng Ngã Tư Sòng đã trở nên quen thuộc với nhiều người gần xa, vì đó là một huyết mạch giao thông trọng yếu dọc ngang địa bàn Quảng Trị, chưa kể chợ Sòng cũng là chợ lâu đời có tiếng, dù dời đi đổi lại mấy lần, cũng bao phen thăng trầm nhưng “đá trôi nhưng làng không trôi, người còn là chợ vẫn còn”. Chợ Sòng còn nổi danh với bún Sòng truyền thống làm nên một thương hiệu đặc sản địa phương.

Bàu Đá Kim Đâu -Ảnh: P.X.D
Bàu Đá Kim Đâu -Ảnh: P.X.D

Cũng cần nhắc lại rằng khởi thủy của QL9 ra đời đến nay gần 100 năm từ Đông Hà lên Lao Bảo không phải xuất phát từ mảnh đất Đông Hà. Theo nhà nghiên cứu Yến Thọ thì điểm xuất phát của con đường thượng đạo xuyên sơn, tiền thân của QL 9 chính là Ngã Tư Sòng. Theo đó: “Ngày xưa, đây là con đường công cụ, con đường muối từ Đông sang Tây, con đường hương liệu theo chiều ngược lại. Nó cũng là con đường nối miền xuôi với miền ngược, nối biển, đồng bằng với miền núi; nối Kẻ Biển, Kẻ Ruộng, Kẻ Chợ với Kẻ Mọi; nối đồng bào người Chăm, người Kinh miền xuôi với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị và nối cả với nước bạn Lào”.

Gần Ngã Tư Sòng về phía Đông Nam là ngôi chợ Sòng ngày xưa, nay còn dấu tích hàng cây ngô đồng cổ thụ sừng sững giữa thời gian và lặng lẽ hiên ngang qua bão táp chiến tranh bom đạn. Không phải ngô đồng Trung Hoa trong thơ Đường chỉ là một chiếc lá rơi mà cả thiên hạ biết mùa thu tới. Đây là ngô đồng nước Việt ở Quảng Trị trong mùa hè nắng cháy giữa vùng đất được mệnh danh là “gió Lào cát trắng”, đổ bóng xuống tháng năm.

Theo người dân địa phương, đây ngày xưa là những hiệu thuốc bắc của người Hoa mà dân mình quen gọi là người Ba Tàu, buôn bán dưới tán cây ngô đồng, nay vẫn còn nhà thờ mang họ Lữ mà hậu duệ người Hoa xây dựng để nhớ đến tổ tiên một thời lập nghiệp, buôn bán ở chợ Sòng. Khu vực đất đai bằng phẳng, giao thông thuận tiện này còn là nơi tọa lạc của đình làng Kim Đâu, một hương thôn bề thế được coi là đại xã xưa kia sánh ngang với đại xã Trường Sanh của vùng đất Kẻ Diên thuộc huyện Hải Lăng ngày nay.

Làng cổ Kim Đâu thật đặc biệt khi có đến ba di tích được Nhà nước công nhận, gồm tháp Chăm Kim Đâu, giếng đá Kim Đâu và đền thờ bà Chúa Ngọc được dân gian đồng hóa thành Huyền Trân Công Chúa, chưa kể chùa làng Kim Sơn đang được đề nghị xem xét công nhận là di tích. Có thể nói một làng quê có cả một gia sản văn hóa tinh thần là quần thể di tích như vậy thật đáng ngưỡng vọng. Ông Trần Quang Trung, trưởng ban điều hành làng Kim Đâu giọng khúc triết khi nói về bề dày truyền thống của quê hương.

Theo chân dân làng, chúng tôi đã tham quan và chiêm ngưỡng Bàu Đá Kim Đâu, một ân huệ thiên nhiên ban tặng cho cư dân không chỉ làng này mà còn những hương thôn khác như An Bình, An Xuân, Cẩm Thạch... từ bao đời nay giữa một vùng đồng bằng thường xuyên đối mặt với nắng hạn. Chính nhờ bàu nước quý giá này mà không khí dịu mát hơn và cây cối có được nguồn nước tưới quanh năm. Cạnh Bàu Đá là giếng đá Kim Đâu của người Chăm để lại từ nhiều thế kỷ trước được Nhà nước công nhận là di tích, thể hiện mối giao lưu, tiếp biến trong văn hóa Việt-Chăm. Cũng như bờ bên kia của bàu đá là ngôi đền thờ bà Chúa Ngọc của dân tộc Chăm được nhiều người Việt đồng nhất thành tín ngưỡng song trùng thờ cả Huyền Trân Công Chúa.

Hôm nay, Ngã Tư Sòng ngày càng trở thành một điểm nhấn trong hành trình ngược xuôi, ngang dọc trên quê hương đất nước, trở thành một đầu mối giao thương trọng yếu, mở ra nhiều cơ hội cho những mơ ước thiện lành, mộc mạc của mỗi tâm hồn chân quê gắn bó ruột thịt với quê nhà. Vẫn mong mỏi những chủ nhân đất này đang tích cực đêm ngày kiến tạo sẽ gặp được những vận hội như là hạnh ngộ của những đời người, trên các ngả đường đi đến tương lai.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Để các di tích lịch sử,văn hóa hòa mình vào cuộc sống

Thanh Hải |

Tỉnh Quảng Trị có hệ thống di tích lịch sử văn hóa đồ sộ với 501 di tích, danh thắng đã được xếp hạng. Hệ thống di tích của Quảng Trị phản ánh một cách đầy đủ, phong phú về vùng đất anh hùng trong quá trình mở mang bờ cõi, dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Bảo tồn, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Cảng Quân sự Đông Hà

Chí Kiên |

Bảo tồn, tôn tạo di tích Cảng Đông Hà (Quảng Trị), di tích thành phần trong hệ thống các Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, trở thành nơi giới thiệu và giáo dục cho các thế hệ mai sau về lịch sử đấu tranh giữ nước vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đầu tư 45 tỉ đồng bảo tồn di tích Địa đạo Vịnh Mốc

Nguyễn Trang |

Để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử di tích Địa đạo Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, HĐND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng, tôn tạo tổng thể di tích Địa đạo Vịnh Mốc (giai đoạn 2). Theo đó, dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 4 năm, từ năm 2025- 2028.

Bảo quản, tu bổ Di tích lịch sử 'Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải'

Chí Kiên |

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt 'Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải' trở thành địa điểm nghiên cứu, tìm hiểu, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, giải phóng Tổ quốc cũng như khát vọng hòa bình của dân tộc.