Hành trình hơn 10 năm đi tìm mẹ đẻ

Thanh Bình |

Do hoàn cảnh chiến tranh, một người phụ nữ ở thôn Trường Thọ, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng mang thai rồi sinh con ngoài ý muốn. Vì định kiến xã hội ngày đó, chị quyết định cho đi khúc ruột của mình.

Sau hơn 10 năm, người con nuôi trong câu chuyện này bắt đầu hành trình tìm mẹ đẻ và thông qua mạng xã hội facebook, chị đã tìm được những người thân ruột thịt của mình. Đó là một cuộc trùng phùng may mắn hiếm có, thấm đẫm nước mắt hạnh phúc của những người trong cuộc.

Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Kiềm (sinh năm 1941), ở làng Định Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ: Năm 1960, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Hứa, ở cùng làng, lớn hơn mình 2 tuổi. Sau hơn 10 năm lấy nhau, họ vẫn không có con. Nhưng vì tình yêu, nghĩa vợ chồng nên hai người không thể bỏ nhau. Thương chồng, những năm về sau, bà Hứa liên tục động viên ông lấy thêm vợ mới. Biết chồng vì thương mình, cứ ậm ờ cho qua chuyện, bà Hứa lặng lẽ tự mình đi tìm vợ cho ông nhưng những người bà tìm quá trình chung sống với ông Kiềm đều không có con. Vợ chồng bà Hứa vì thế coi như an phận sống cùng nhau.

Chị Thủy (thứ nhất, hàng thứ 2, từ phải sang) luôn quan tâm, chăm sóc bố mẹ nuôi của mình -Ảnh: T.B
Chị Thủy (thứ nhất, hàng thứ 2, từ phải sang) luôn quan tâm, chăm sóc bố mẹ nuôi của mình -Ảnh: T.B
Năm 1972, do chiến tranh diễn ra ác liệt, vợ chồng ông Kiềm vào TP. Huế xin ở tại chùa Diệu Đế. Tại đây, họ đã nhận nuôi một bé gái được người nhà gửi lại nhờ nhà chùa nuôi. Bà Hứa kể: “Trời năm đó nắng gắt lắm, như hắt lửa vào người. Con bé mấy hôm đầu vì thiếu hơi người mẹ, lại vì trời nóng nên khóc suốt. Tui với ông nó thay phiên nhau bế, hát ru, giặt khăn lau người cho con.

Ban ngày vợ chồng cũng thay phiên nhau đi vào những xóm nhà dân ở quanh chùa để xin sữa từ những người mẹ đang nuôi con nhỏ. Vất vả rồi cũng qua, đến một tuổi rưỡi con biết đi chập chững, nặng khoảng 13 - 14 cân. Thời gian này, 2 người tự giới thiệu là bạn của mẹ và dì ruột của con bé vẫn đều đặn lui tới một tháng một lần.

Lần nào đến, họ cũng mang theo một số thứ cho con bé. Đến năm 1974, gia đình chuyển ra làm ăn sinh sống ở thôn Câu Nhi, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Trước khi ra, vợ chồng tôi có nói với 2 người phụ nữ trên, vì thế sau đó họ vẫn đến thăm con bé, cũng một tháng một lần đều đặn như trước”.

Vợ chồng ông Kiềm đặt tên cho con là Nguyễn Thị Thủy với suy nghĩ mộc mạc rằng, chữ “Thủy” là thủy chung, mong muốn sau này con lớn lên khỏe mạnh, yêu thương, gắn bó, hiếu thảo với ba mẹ. Ông bà kể, ngày xưa do chiến tranh, hoàn cảnh kinh tế gia đình lại khó khăn nên việc học của chị Thủy chỉ ngang biết được mặt chữ. Bà Hứa vào lục tìm trong chiếc tủ gỗ cũ kỹ lấy ra một tấm hình đen trắng là ảnh chân dung của bà lúc còn trẻ.

Cách đây mấy năm, bà đăng tấm hình lên internet mong tìm ra 2 người phụ nữ trước đây đã mang chị Thủy đến cho vợ chồng bà, mong muốn tìm ra được người thân ruột thịt cho con gái nuôi của mình. Vì thời gian sau đó, do gia đình bà chuyển chỗ ở nên hai người phụ nữ đó không còn ghé thăm. Ông bà kể lại, sau khi chia sẻ thông tin, có 3 trường hợp đến tìm nhận con nhưng đều không đúng. Mãi đến tháng 5/2021, khi một người bạn của chị Thủy chia sẻ thông tin và mong muốn tìm ba mẹ ruột từ facebook của chị, thì các manh mối liên quan mới được lần tìm ra.

Trong căn nhà mái ngói nhỏ, ông Kiềm, bà Hứa ngồi bên nhau đằm thắm ôn lại chuyện đời. Ông bảo duyên phận, cuộc đời của vợ chồng ông giống như con sông nhỏ chảy ngang trước nhà. Niềm hạnh phúc nhất của ông bà là sau khi cùng nhau vượt qua bao hoạn nạn, khó khăn của đời người đã liên tiếp sinh hạ được những đứa con kháu khỉnh. Cùng với người con nuôi, họ có đủ cả nếp lẫn tẻ với tất cả 4 người con. Bao năm qua, để chăm nuôi các con khôn lớn, ông bà đã dốc hết sức lao động của mình, đến khi các con học hành đỗ đạt, ra trường, ông bà lại phụ giúp, hỗ trợ các con tìm việc làm, rồi lo cho từng đứa từng nếp nhà ổn định.

Nghe bố mẹ nuôi kể chuyện, chị Thủy đứng sau nở nụ cười hạnh phúc. Trở lại câu chuyện tìm người thân, chị kể: “Lúc em hơn 10 tuổi, nghe bạn bè xì xào mình là con nuôi, em về gặng hỏi ba mẹ nhưng đều bị ba mẹ gạt đi, bảo rằng người ta nói bậy, con là do ba mẹ đẻ ra. Đến năm 1996, em lấy chồng ở cùng làng. Nhưng mãi đến năm 2008, ba mẹ em mới cho em biết mình là con nuôi đồng thời tâm nguyện tìm ra người thân ruột thịt cho em”.

Sau hơn 10 năm lặn lội ở nhiều nơi để tìm kiếm, đến đầu tháng 5/2021, bất ngờ có số máy lạ gọi đến chị Thủy. Người đầu máy bên kia cho biết mình là Vương Viết Đức, quê ở thôn Trường Thọ, xã Hải Trường, đang làm ăn sinh sống ở TP. HCM. Người này cho biết, trong gia đình thấy người đăng hình lên facebook tìm bố mẹ ruột có khuôn mặt rất giống với mẹ của mình, nên gọi điện để xin tìm hiểu thông tin. Sau khi anh Đức gọi, người dì ruột của anh tiếp tục gọi điện cho chị Thủy để xác minh. Hai ngày sau, một cuộc gặp mặt của những người chưa từng quen biết được tổ chức tại nhà chị Lưu (em gái anh Đức) ở thôn Trường Thọ.

Mọi người trong đại gia đình hết nhìn chị Thủy, lại nhìn tấm di ảnh của người mẹ đã khuất, bà Nguyễn Thị Loan, thấy giống nhau như hai giọt nước. Một cuộc trùng phùng thấm đẫm nước mắt của những người liên quan. Ngày 29/5/2021, gia đình hai bên hẹn nhau vào một trung tâm xét nghiệm ADN ở tỉnh Bình Dương để làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm giữa hai người được lấy mẫu là chị Thủy và dì ruột của anh Đức giống đến 96,5%. Người trong gia đình kể lại, sau khi cho con, mẹ chị Thủy và người em ruột mỗi tháng đều đặn sắp xếp thời gian đến thăm con một lần.

Song, sau ngày đất nước giải phóng, hai chị em bà ra thôn Câu Nhi như thường lệ để thăm con thì không gặp được gia đình ba mẹ nuôi của con nữa. Hỏi xóm làng xung quanh, họ đều đoán vợ chồng và đứa con gái ấy đã chuyển về quê sinh sống, song cũng không rõ chính xác là quê ở đâu.

Việc tìm lại được người ruột thịt sau mấy chục năm khiến chị Thủy cảm thấy hạnh phúc. Chị cũng không hề oán giận người mẹ đã khuất vì đã bỏ rơi mình, chỉ tiếc là lúc bà còn sống không được đoàn tụ với con. Về phía ba mẹ nuôi, chị ngập tràn lòng biết ơn vô hạn, bởi không chỉ đã nuôi dạy chị nên người, chính họ đã bắc một nhịp cầu để chị được đoàn tụ với các anh chị em của mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sơn nữ hoa

Phạm Xuân Hùng |

Không có em hoa quỳ vẫn nở/ Như tháng năm không có chúng mình/ Đâu phải vô tình màu hoa lặng lẽ/ Hoa cháy ven đường như nắng lung linh…

Hoa Quảng Trị

Xuân Đức |

Có thể ai đó sẽ cười mỉm khi đọc cái tên đề bài viết này. Có thể họ nghĩ rằng dạo này tôi thích “tự sướng”, hay ít ra cũng nghĩ tôi đã bị lây bệnh “nổ”. Bởi như một thói quen đến mức thâm căn cố đế khi nói đến Quảng Trị lại cứ phải xứ “Ô châu ác địa”, là “truông dài rú rậm”, “thâm sơn cùng cốc”, “cát trắng gió Lào”. Rồi thì là, đất lửa, đất thép, nghĩa địa và nghĩa trang v.v... 

Cái chết bất tử của người nữ du kích tuổi 20

Văn Tuyên |

Đó là Lê Thị Thỏn sinh năm 1926 (cách đây 80 năm) nhưng cho tôi được gọi chị. Bởi lẽ đúng là nếu không có hoạ xâm lăng của thực dân đế quốc, thì nay Lê Thị Thỏn đã ở tuổi cố tuổi bà. Nhưng vì quê hương đất nước, chị đã anh dũng hy sinh khi mới ngoài 20 tuổi. Mà người chết thì không già. Nghĩa là chị vẫn mãi mãi tuổi 20.

Hoàng Phủ Ngọc Tường với khúc ruột miền Trung

PHẠM XUÂN DŨNG |

Là một nhà văn, nhà văn hóa đọc nhiều, đi nhiều, nghĩ nhiều nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có không ít tác phẩm viết về các vùng quê nước Việt từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Còn nói riêng với một người con của gió Lào cát trắng thì như một lẽ thường tình, khúc ruột miền Trung đã thành máu thịt trong nhiều sáng tác của ông.