Sơn nữ hoa

Phạm Xuân Hùng |

Không có em hoa quỳ vẫn nở/ Như tháng năm không có chúng mình/ Đâu phải vô tình màu hoa lặng lẽ/ Hoa cháy ven đường như nắng lung linh…

Đó là ca từ của một ca khúc mà tôi viết trong thanh xuân cuộc đời, hình như lúc mới tốt nghiệp đại học, về làm ở một cơ quan báo chí tỉnh nhà. Lúc đó tôi viết về hoa quỳ bằng nỗi nhớ của một năm trời học ôn thi ở thành phố “có em má đỏ, môi hồng” Pleiku, bằng nỗi thao thiết những lần cuốc bộ vòng quanh Đà Lạt chập chùng với đôi bata mòn rách bật máu gót chân cùng Minh Tự, Phước Khùng, Dương Trần… Và cả những tháng năm dài tưởng chừng bất tận cùng đồng nghiệp quay phim trên nhiều nẻo đường dọc ngang Tây Nguyên, để ghi lại hình ảnh cho không dưới vài chục phim tài liệu có đề tài gắn bó với mảnh đất này.

Hoa dã quỳ vùng cao
Hoa dã quỳ vùng cao

Nhưng hoa quỳ vàng không chỉ có ở Tây Nguyên. Sau tháng Tư 1975, gia đình tôi hồi cư từ Đà Nẵng về lại cố hương Quảng Trị tôi đã lần đầu nhìn thấy màu hoa quỳ vàng thấp thoáng ven đường 9, xen lấn giữa những bờ lau lách, ngấy hương, sim tím. Rồi sau này, lên miền Tây Bắc, tôi lại gặp quỳ vàng ở những cung đường mây trắng từ Lai Châu đi vào Bản Hon, từ Điện Biên qua Mường Phăng, Mường Nhé… Mỗi lần như thế, dã quỳ lại làm sống dậy trong tôi cảm xúc khó tả, một cái gì xưa cũ nhưng thân ái, giản dị mà máu mủ.

Vàng miên man theo những cung đường miền núi, trung du hoặc mênh mông cả thảm hoa vàng giữa chập chùng thảo nguyên, hoa quỳ sống âm thầm như cỏ dại. Vậy mà tôi tin chắc rằng, ít có loài hoa nào có nhiều tên gọi như hoa quỳ. Tên cúng cơm xưa nhất có lẽ là một trong những cái tên: cúc quỳ, quỳ vàng, sơn quỳ, sau này người ta thêm chữ nghĩa vào: dã quỳ, quỳ dại, sen quỳ, hướng dương dại, hướng dương núi, hoàng quỳ, hoa báo đông...

Trong những lần lang thang làm phim, tôi nghe người Ê Đê gọi hoa quỳ là Ngà pí, người Mơ Nông gọi là Akao lingui, người K’Ho gọi Bkao Bơtăng nghĩa nôm na là loài hoa màu vàng của rừng núi. Đọc tài liệu trên mạng thì người ta bảo dã quỳ thuộc họ Cúc, gốc gác ở Mexico nên còn gọi là hướng dương Mexico. Dã quỳ từ Mexico di thực đến nhiều quốc gia và thường mang những tên gọi khác. Như ở Nhật Bản, người ta gọi dã quỳ là cúc Nitobe bởi do nhà nông học Nitobe Inazo mang giống về trồng tại quê nhà (Nitobe Inazo là tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Võ sĩ đạo - linh hồn nước Nhật”). Còn ở Việt Nam, nghe đâu dã quỳ được người Pháp mang sang trồng đầu tiên là ở các đồn điền thuộc tỉnh Lâm Đồng. Tài liệu cũng nói thêm, do thân cây chứa nhiều vi chất như phốt pho, canxi, mangan… nên dã quỳ được trồng nhiều để tạo nguồn phân xanh cho các đồn điền cao su, cà phê thuở ấy.

 

Chắc vì hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên dã quỳ sinh sôi nảy nở khắp nhiều nơi của miền trung du, vùng cao Việt Nam. Vốn thân thảo, dạng cây bụi nhưng quỳ có thể vươn cao hơn hai mét, sống nhiều năm để hóa mộc nếu chất đất tốt và con người không tàn phá. Cây quỳ ở Việt Nam chỉ có một giống loài với hoa màu vàng cam, chúng sống và phát triển mãnh liệt bởi hạt dễ phát tán và ngay cả cành cây gãy rời xuống đất cũng có thể mọc thành bụi, thành rừng.

Đã từng có những ngày đầu mùa khô Tây Nguyên, tôi lang thang theo những triền đồi, thả hồn mê man giữa thảm quỳ vàng bất tận. Đâu đó những vạt đồi thắp nắng vàng cam rực rỡ dưới chân đèo Prenn, hun hút vàng tươi dưới chân thác ầm ào trắng xóa của Dray Nur, Dray Sap hay vàng ngợp lao xao như sóng từ dưới chân lên đến đỉnh đồi miệng núi lửa cổ xưa Chư Đăng Ya. Ở đâu quỳ vàng cũng mang vẻ đẹp hoang dại, phô hiến. Lạ lùng ở chỗ khi mọc thành đồi, thành núi đẹp đã đành, ngay khi chỉ một lùm quỳ nhỏ gắng gỏi mọc lên ở góc rẫy còn rẻo đất sót lại, hoa quỳ cũng bung bẩy, chung chiêng như những ân tình gắng gượng gửi trao cho người.

Tôi nghĩ, về phẩm chất dã quỳ hơn hẳn những loài hoa “công tằng, tôn nữ” khác. Khác bởi sự an nhiên, tự tại, không tranh đua, không bon chen, giành giật. Chúng bám vào đất mẹ thiên nhiên, khước từ mọi sự chăm bẳm của người yêu hoa. Chỉ những cô gái trên đường về buôn, chỉ lũ trẻ con hồn nhiên chạy nhảy mới bứt vài bông cài lên tóc làm duyên hoặc dùng cánh hoa làm tiền chơi trò mua bán đồ hàng. Còn lại, đố ai ngắt, bẻ hoa quỳ về cắm lọ, trang trí nhà cửa. Bởi ngay khi rời bỏ núi đồi thung sâu, hoa quỳ lập tức buồn bã, héo rũ.

Nhưng có một điều tôi cảm nhận sau nhiều năm tháng biết và yêu mến loài hoa dại này. Đó là sự tương đồng giữa quỳ vàng với những cô gái miền sơn nguyên. Mộc mạc, chân tình, hồn nhiên xao xuyến, hồn nhiên phô bày, đó là vẻ đẹp của những cô gái chân trần đeo gùi lên rẫy vang tiếng cười trong veo, là khuôn ngực căng tròn nhựa sống mỗi chiều về giữa dòng suối vui đùa cùng nhau. Và tôi cũng không quên có những buổi chiều, giữa đường xa mông quạnh, mùa khô Tây Nguyên phủ đầy bụi đỏ lên những cánh hoa quỳ mỏng manh, tôi đã nhìn ra trong đó dáng những sơn nữ ẩn nhẫn, miệt mài bên khung cửi, những cô gái có đôi mắt đẹp và u buồn. Buồn vì đâu tôi không biết, có thể vì những cánh rừng đang dần mất đi, vì những ngôi nhà dài như tiếng chiêng đã không còn, vì lũ bạn trai đã quên bẵng những làn điệu dân ca ngọt ngào của ei rêi, kư’ưt…

Nhiều nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ bạn tôi đã từng thổn thức với quỳ vàng và họ đã viết hàng trăm bài báo về loài hoa dại này. Có người còn ví màu vàng của hoa quỳ như “Ánh đạo vàng”, màu của thoát tục, dẫn đạo, màu thiền. Tôi không nghĩ hoa quỳ phải gánh trên mình thiên chức cao siêu đến thế. Nếu phải làm biểu tượng thì hoa quỳ chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp vươn lên từ đất cứng đá chai, từ gió bụi vô thường. Nó không phục vụ con người bằng sự hữu ích cụ thể mà dâng hiến bằng chính bản thân như một minh triết về tồn tại, về vô ngôn và hằng cửu. Tồn tại không đợi con người gieo trồng, im lặng níu vào đất đai và trường tồn dù chỉ còn lại một nhánh cây, mẩu rễ.

...

Không hề đại ngôn bởi những ai yêu mến xứ hoa Đà Lạt đều biết hoa quỳ đã trở thành biểu tượng cho Festival hoa tổ chức thường kỳ ở đây. Ở Pleku vài năm trở lại có hẳn Lễ hội Hoa dã quỳ tổ chức tháng 11 dương lịch hàng năm. Vậy nhưng trong những lễ hội hoa trang trọng khác, quỳ vàng không có mặt ở những nhà lưới hay bằng những chậu hoa bóng loáng đắt tiền. Khi mọi người trầm trồ chiêm ngưỡng những loài hoa độc lạ mà giá trị tính bằng đô la, vàng… thì đâu đó ở bên ngoài, trên những núi đồi và thảo nguyên không chỉ ở Lâm Đồng mà cả Tây Nguyên, hoa quỳ vẫn lặng thầm niềm vui sống bằng sắc hoa vàng dịu dàng, khiêm nhu.

Ở Quảng Trị quê tôi đã triển khai dự án trồng 1.000 cây dã quỳ ở miền tây, dọc ven con đường từ Đồn Biên phòng Hướng Phùng đến Trường Tiểu học Hướng Phùng. Bạn tôi, nhà báo Lâm Chí Công là Trưởng ban vận động xây dựng đường hoa dã quỳ nói rằng đây chỉ là bước khởi động ban đầu để tiến tới trồng thêm ở nhiều ngã đường khác của miền cao Hướng Hóa. Chỉ hình dung thôi cũng đã ấm lòng trước hình ảnh một ngày không xa, dã quỳ ngờm ngợp vàng níu chân du khách, dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, trải khắp miền biên viễn nơi đường Xuyên Á băng ngang. Tôi cũng hình dung một đêm nào đó, sau này, cùng với bạn bè đồng hương mắc võng ở cung đường nào đó, để tưởng nhớ lúc phong trần trai trẻ ở Tây Nguyên, cùng Đình Đối, Minh Tự, Phước Khùng… đọc lại những vần thơ một thời vang bóng dã quỳ của Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Xuân Thiệp…, uống say từng giọt hoàng hoa cuối cùng để nghe lòng mình cùng phố núi chao nghiêng / nai gõ móng trên thềm đá cũ / nghe cả những mừng vui buồn tủi / dã quỳ ơi anh đã quay về… (Dã quỳ rực rỡ dấu chân thơm - Cao Thoại Châu).

Con đường hoa dã quỳ ở miền tây Quảng Trị - Ảnh: Y.M.S
Con đường hoa dã quỳ ở miền tây Quảng Trị - Ảnh: Y.M.S

Và loài hoa mà tôi gọi cho riêng mình sơn nữ hoa sẽ tỏa sáng một vùng rừng núi, cùng cất tiếng hát vô thanh về vẻ đẹp ngàn đời của những cô gái vùng cao. Để bất chợt lúc nào đó, tôi lại nhớ về ca khúc mà tôi đã viết ca từ (nhạc sĩ Võ Thế Hùng phổ nhạc) với niềm yêu quỳ vàng da diết thuở thanh xuân: Có phải màu hoa vô tình lặng lẽ. Từ trong vắng xa em hát ru đời. Em hát ru người tình yêu muôn thuở. Mỗi bước anh tìm, mỗi bước chơi vơi. Nhớ mãi em, nhớ mãi hoa quỳ ơi…

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Chìm đắm trong sắc vàng của hoa dã quỳ tại miền tây Quảng Trị

Thiên Sơn |

Trong tiết trời se lạnh, nắng nhẹ, những con đường hoa dã quỳ trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn qua xã Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị) đang nở rộ, khoe sắc tạo nên những cung đường vàng rực trải dài giữa đại ngàn.

Dẫu cho mưa bão, hoa dã quỳ vẫn trải vàng khắp miền tây Quảng Trị

Thiên Sơn |

Đến hẹn lại lên, mặc cho năm nay mưa bão triền miên, những con đường hoa dã quỳ vẫn nở rộ, khoe sắc trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn qua xã Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị).

Đắm mình trong sắc vàng hoa dã quỳ gọi đông Đà Lạt

Thùy Trang |

Vừa qua mùa mưa, Đà Lạt đã bừng sáng mọi ngõ đường với sắc vàng của hoa dã quỳ gọi mùa đông đến.

Hoa dã quỳ rực rỡ phủ vàng rực rỡ khắp núi đồi

PV |

Dã quỳ hay còn gọi là cúc quỳ, là một loài hoa dại, bông hoa tuy không lớn nhưng do mọc thành bụi lớn nên khi bung nở tạo nên một thảm vàng rực rỡ.

Một số hình ảnh dã quỳ ở Điện Biên.