Chuyện nghề quanh những đôi giày cũ

Võ Khánh Linh |

Không biết từ bao giờ, giữa dòng người ngược xuôi, người ta vẫn thường thấy nơi góc phố có những người thợ cặm cụi với những đôi giày, dép cũ. Dù nắng, dù mưa, họ vẫn ngồi đó, lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình. Qua bàn tay khéo léo của họ, những đôi giày, dép cũ bị hư hỏng đều được sửa chữa, làm mới theo ý của khách hàng...

Mưu sinh nơi vỉa hè

Một cái tủ gỗ nhỏ, vài cái ghế nhựa, những dụng cụ cần thiết như miếng cao su để dán đế, dao, kéo, keo, kìm, kim chỉ, máy mài… là “gia tài” của anh Nguyễn Hoàng (44 tuổi), làm nghề sửa giày dép đã ngót nghét hơn 30 năm. Tôi trong vai một khách hàng đi sửa đôi giày đã mòn vẹt đế đến địa điểm sửa giày dép của anh Hoàng ở vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi (Phường 1, thành phố Đông Hà) để tìm hiểu kỹ hơn về công việc này.

Chị Lê Thị Trang tỉ mẩn với việc sửa giày, dép cũ nơi góc phố -Ảnh: KHÁNH LINH
Chị Lê Thị Trang tỉ mẩn với việc sửa giày, dép cũ nơi góc phố -Ảnh: KHÁNH LINH

“Anh sửa cho em đôi giày này được không?”, tôi mở lời. Đang cặm cụi ấn mạnh chiếc kim khâu xuống lớp đế đôi giày da màu đen đã cũ, anh Hoàng đưa mắt nhìn tôi rồi nở một nụ cười tươi, giọng niềm nở: “Em ngồi xuống đây đợi chút xíu, anh sửa nhanh cho”. Tôi kéo chiếc ghế nhỏ, ngồi xuống quan sát từng thao tác của người thợ đã hơn bốn mươi tuổi này.

Thoạt nhìn, nghề sửa giày dép có vẻ đơn giản, nhưng để thành thạo, phục vụ các loại khách hàng khác nhau cũng không phải dễ chút nào. Đôi bàn tay của anh tiếp xúc với keo, kìm, đục lâu năm trở nên thô ráp, sần sùi nhưng thao tác lại cực kỳ nhanh nhẹn và khéo léo, khi thì khâu vá, lúc lại dán đế, lúc lại quét xi đánh bóng…Cứ như thế, hết đôi này đến đôi khác, dù hư cỡ nào anh Hoàng cũng sửa lại một cách đẹp và mới hơn.

Tranh thủ thời gian chờ sửa đôi giày của mình, tôi hỏi anh đủ thứ chuyện về công việc sửa giày dép cũ này. “Cuộc đời làm nghề của tôi cũng lắm gian nan. Năm lên 10 tuổi, để cố gắng thoát khỏi cái nghèo đeo bám dai dẳng cả gia đình, tôi đã theo học nghề khoảng 3 tháng ở một ông thầy sửa giày dép lâu năm. Hơn 30 năm theo nghề, trước khi ngồi cố định ở góc đường Nguyễn Trãi này, tôi đã từng có nhiều năm lăn lộn ở TP. Hồ Chí Minh. Ở thành phố lớn, theo thời gian, những khu cao ốc, trung tâm thương mại mọc lên ngày một nhiều, nên đất sống của những người mưu sinh vỉa hè như tôi ngày càng bị thu hẹp lại. Làm nghề sửa giày vỉa hè, chuyện một ngày nào đó chỗ ngồi bị giải tỏa, thợ giày phải vác tủ đi tìm nơi khác là chuyện bình thường. Nhưng vì miếng cơm manh áo, tôi vẫn cố gắng để trụ lại với nghề”, anh Hoàng tâm sự.

Công việc của anh Hoàng bắt đầu từ 7 giờ sáng đến tận chiều tối và chủ yếu làm các công đoạn như may giày dép, dán đế, độn gót, đánh xi…Mỗi đôi mất từ 5 phút đến 30 phút để sửa tùy vào mức độ hư hỏng của nó. Tiền công sửa mỗi đôi giày từ 20 - 50.000 đồng.

“Làm nghề này thu nhập cũng thất thường lắm, nhưng nếu mình chịu khó, không quản ngại nắng mưa thì cũng không đến nỗi nào. Mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 6, 7 triệu đồng”, anh Hoàng bộc bạch.

Hàng sửa giày dép của anh dù nhỏ bé, nhưng được nhiều người tìm đến, bởi anh là người thợ có tính cách vui vẻ và xởi lởi. Được biết, khách hàng của anh đa số là giới bình dân, người lao động nghèo, giày dép của họ không phải là hàng cao cấp nên dễ bị lỗi và độ bền không cao, rất dễ bị hỏng sau một thời gian sử dụng. Anh Hoàng chia sẻ rằng nghề sửa giày không quá khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, luôn cẩn thận trong từng công đoạn để đảm bảo chất lượng nếu không sẽ mất khách.

Anh Nguyễn Hoàng hơn 30 năm mưu sinh ở vỉa hè bằng nghề sửa giày -Ảnh: KHÁNH LINH
Anh Nguyễn Hoàng hơn 30 năm mưu sinh ở vỉa hè bằng nghề sửa giày -Ảnh: KHÁNH LINH

“Để mưu sinh thì việc kiếm tiền là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải giữ chữ tín. Làm sao để khách tới sửa một lần là tin tưởng, có thể đến tiếp lần sau và giới thiệu thêm cho những khách hàng mới”, anh Hoàng nói.

Vì quan niệm làm nghề là phải giữ chữ tín nên anh có rất nhiều khách hàng ruột. Hơn 30 năm mưu sinh nơi góc phố, chưa bao giờ anh nghĩ rằng mình sẽ bỏ nghề nhưng anh cũng thật lòng chia sẻ là bản thân không mong các con sẽ nối nghiệp mình để mưu sinh trên vỉa hè. Anh chỉ mong con mình lớn lên tự hào rằng chúng đã được nuôi dạy bởi một người cha lương thiện và biết trân trọng giá trị của lao động, cho dù phải làm bất cứ công việc gì để kiếm sống.

Cần mẫn với nghề

Trưa đứng bóng, tôi tiếp tục ghé vào hàng sửa giày ở đường Tôn Thất Thuyết (ngay góc chợ Phường 5, thành phố Đông Hà). Đó là một cửa tiệm nhỏ, xập xệ, thấp hơn mặt đường cả nửa mét. Vừa tiếp chuyện tôi, chị Lê Thị Trang (34 tuổi) vừa dán keo cho đôi giày bị bong đế. Nhìn người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn với đôi bàn tay thoăn thoắt sửa giày dép một cách điêu luyện, tôi như cuốn vào công việc của chị lúc nào không hay.Thật khó tin khi được biết chị Trang trước đây từng là một kế toán. Năm 2010, chị cưới chồng là một thợ đóng giày thủ công lành nghề, nên từ đó chị cũng theo chồng làm công việc liên quan đến giày dép, rồi yêu thích cái nghề này lúc nào không hay.

Theo chị Trang, để sống được với nghề đóng giày thủ công ngày nay cũng khá chật vật. Bởi lẽ, khi thị trường tràn ngập các loại giày dép với đủ kiểu dáng, mẫu mã đẹp thì người tiêu dùng chọn cách mua giày thay vì phải đóng giày như ngày trước. Bởi thế, dần dần cửa hàng của chị Trang chuyển sang sửa chữa giày dép cũ. Chị Trang chia sẻ: “Chồng tôi bây giờ chỉ nhận đóng giày mỗi khi khách hàng có yêu cầu, thay vào đó, anh dần trở thành “thợ đụng”, tức là đụng việc gì cũng làm để có thêm thu nhập nuôi 4 đứa con nhỏ. Còn tôi, hơn 10 năm qua vẫn luôn cần mẫn với với nghề sửa chữa giày dép”.

Vừa làm, chị Trang vừa say sưa nói về công việc của mình, về việc phải dán đế làm sao để giày dép vừa bền, vừa êm, đường may như thế nào để chắc chắn nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, rồi tùy theo chất liệu giày sẽ phải dán những loại keo nào cho phù hợp. Không phải chỉ những đôi giày cũ mới cần sửa chữa. Nhiều khách hàng mua giày mới về cần dán đế đi cho êm chân, cần chêm cho đỡ rộng đều mang đến tiệm của chị. Đối với chị Trang, làm bất cứ nghề gì đều cần phải có sự tận tụy, phải cố gắng nắm bắt tâm lý khách hàng để sửa làm sao cho khách hài lòng, với những đôi giày không sửa được chị cũng trao đổi thẳng với khách. Bởi chị quan niệm rằng sự tử tế trong nghề là quan trọng nhất, có như thế khách hàng mới quý mình.

Khách hàng đợi sửa giày tại cửa hàng của chị Lê Thị Trang -Ảnh: KHÁNH LINH
Khách hàng đợi sửa giày tại cửa hàng của chị Lê Thị Trang -Ảnh: KHÁNH LINH

Chị Trang cho biết nghề sửa giày nhìn thì đơn giản nhưng khá vất vả vì phải ngồi một chỗ trong thời gian dài, lắm lúc bị kim đâm vào tay tứa máu là chuyện bình thường. “Nhiều lúc tay tôi bị xước hết các đầu ngón tay, lỗ chỗ vì bị nhiều mũi kim đâm. Nhưng đấy là cái nghề của mình rồi, phải chấp nhận và làm lâu dần rồi cũng quen”, chị Trang chia sẻ. Dù vất vả, tay chân lúc nào cũng loang lổ bởi những vệt xi và bụi bẩn, nhưng tôi cảm nhận chị Trang luôn giữ được sự đam mê và tinh thần lạc quan với công việc. Chị tâm sự rằng: “Mỗi ngày, bên đống giày dép mới có, cũ có, tưởng chừng như nhàm chán nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người. Làm nghề gì cũng được, miễn lương thiện và đủ sống, đừng mắc nợ nần ai là sướng rồi”.

Trong quán nhỏ nơi góc phố này, dường như chị Trang không mấy bận tâm đến nhịp sống hối hả ngoài kia. Hơn chục năm qua chị vẫn cặm cụi, tỉ mẩn từ sáng đến chiều với những đôi giày sứt quai, bong tróc, mòn vẹt đế… và tự tìm kiếm niềm vui trong công việc của mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sơn nữ hoa

Phạm Xuân Hùng |

Không có em hoa quỳ vẫn nở/ Như tháng năm không có chúng mình/ Đâu phải vô tình màu hoa lặng lẽ/ Hoa cháy ven đường như nắng lung linh…

Cái chết bất tử của người nữ du kích tuổi 20

Văn Tuyên |

Đó là Lê Thị Thỏn sinh năm 1926 (cách đây 80 năm) nhưng cho tôi được gọi chị. Bởi lẽ đúng là nếu không có hoạ xâm lăng của thực dân đế quốc, thì nay Lê Thị Thỏn đã ở tuổi cố tuổi bà. Nhưng vì quê hương đất nước, chị đã anh dũng hy sinh khi mới ngoài 20 tuổi. Mà người chết thì không già. Nghĩa là chị vẫn mãi mãi tuổi 20.

Hoàng Phủ Ngọc Tường với khúc ruột miền Trung

PHẠM XUÂN DŨNG |

Là một nhà văn, nhà văn hóa đọc nhiều, đi nhiều, nghĩ nhiều nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có không ít tác phẩm viết về các vùng quê nước Việt từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Còn nói riêng với một người con của gió Lào cát trắng thì như một lẽ thường tình, khúc ruột miền Trung đã thành máu thịt trong nhiều sáng tác của ông.

Bài 3: Điểm tựa nơi đầu sóng

Trương Quang Hiệp |

Không chỉ truyền quyết tâm vươn khơi và chung tay giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhiều đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm tựa nơi đầu sóng. Họ là người tiên phong giúp ngư dân đẩy lùi những suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu và thêm tin yêu Đảng.