Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng…

Yên Mã Sơn |

 “Mộng dưới hoa” là một tình ca có nội dung tuyệt đẹp và rất lãng mạn của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cái đẹp và lãng mạn của bài hát này được thừa hưởng từ bài thơ thời tiền chiến của thi sĩ Đinh Hùng. Và hẳn nhiên, không ít người đã mơ được đi dạo dưới những khung trời hoa mộng như thế.

Thế nên không ngạc nhiên khi “từ khoá” của Hướng Phùng không phải là cà phê nữa mà là hoa dã quỳ - loài hoa chỉ nở vào mùa đông nhưng đã kéo khách dưới xuôi lên chụp ảnh, thưởng lãm. Sau hoa dã quỳ là hàng loạt loài hoa khác được vun xới để góp phần biến đất Hướng Hóa thành vùng đất “kỳ hoa dị thảo” từ nguồn xã hội hóa do những cá nhân mê hoa và mê… quê hương của Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị khởi xướng.

Hoa dã quỳ nở rộ nơi miền tây Quảng Trị
Hoa dã quỳ nở rộ nơi miền tây Quảng Trị

1. Bắt đầu từ chuyến “thượng sơn” của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính. Ông Chính đã đề ra ý tưởng trồng hoa từ tượng đài chiến thắng Khe Sanh vào tận cầu Sê Păng Hiêng. Và biến khí hậu mát mẻ, vùng đất bazan bắc Hướng Hoá thành một tiểu Đà Lạt với kỳ hoa dị thảo. Từ “cái tứ” đầy chất thơ này, nhà báo Lâm Chí Công đã đề xuất trồng hoa dã quỳ với 60 vạn bước đường hoa qua đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Hàng ngàn bầu hoa dã quỳ đã được ươm giống ở Trường Tiểu học Hướng Phùng, do thầy hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng chủ trì. Và rồi một ngày đẹp trời, lãnh đạo tỉnh và nhiều ban ngành đã cùng nhau kéo dài con đường hoa dựa trên những đoạn hoa có sẵn. Và Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị do nhà báo Lâm Chí Công sáng lập đã hoạt động với tôn chỉ gieo trồng và nhân lên cái đẹp từ độ ấy.

Từ những khóm hoa dã quỳ khiêm tốn e ấp nép mình hai bên đường, giữa những đám cây lớn nay thành con đường hoa rực vàng mỗi độ chớm đông. Dù ở đoạn đường vắng hay ở khu dân cư, loài hoa vàng này đã làm cho người đi đường phải đắm đuối, ngẩn ngơ giữa cái rét ngọt đầu mùa. Những cô học trò đi học hay những người lao động bình thường ngang qua cũng phải dừng lại “seo phi”, muốn giữ lại thời khắc sung mãn của thiên nhiên đã ban tặng cho xứ này.

Ảnh Đăng Tình
Ảnh Đăng Tình

Những cung đường tràn đầy hoa quỳ như đoạn qua Trung đoàn 52, đường vào thôn Doa Củ hay xuống thôn Xa Ry đã làm nên tên tuổi hoa quỳ Hướng Phùng. Người ta trầm trồ về loài hoa tượng trưng cho sức sống ở cao nguyên Lâm Viên nhưng lại nở rực rỡ và đúng hẹn với xứ Hướng Hoá vào mỗi mùa đông về. Đem chuyện hoa quỳ đi khoe với anh Lê Văn Phước, một người nông dân kiêm chủ nhà hàng ở phố núi Hướng Phùng, anh cho biết, khi có chủ trương trồng hoa quỳ dọc các con đường, người dân ở đây bảo dân đói, có người không có cơm ăn mà đi trồng hoa làm gì. Cái “cạn nghĩ” như trên cũng thường tình và xảy ra ở những người chỉ lo cho cái bụng hôm nay. Muốn “no cái bụng” hôm nay và nhiều ngày sau thì nên nghĩ khác.

Và rồi mùa hoa đầu tiên đã chứng minh ý tưởng trồng hoa để phát triển dịch vụ du lịch rất hiệu quả. Mùa đông ấy, hàng ngàn người đã kéo lên Hướng Phùng thưởng hoa quỳ. Quán xá, các dịch vụ được hưởng lợi từ những người xa lạ ở tận dưới đồng bằng.

Giá như mùa hoa quỳ kéo dài ra, hay nói đúng hơn có thể trồng thêm loài hoa khác nữa để có bốn mùa hoa, khách đến thường xuyên và ở lâu hơn cũng là cách để thay đổi bộ mặt một xã nông thôn “gượng dậy” bằng những dịch vụ du lịch ban đầu.

 

Chỉ sau một mùa hoa quỳ đã làm thay đổi nhận thức nhiều nông dân. Một khoảnh đất có sẵn, thay vì trồng cây nông nghiệp sẽ trồng hoa làm dịch vụ chụp ảnh, thưởng ngoạn và hiệu quả sẽ gấp nhiều lần. Từ hiệu ứng hoa dã quỳ, huyện Hướng Hoá đã “mọc” lên những vựa hoa trải dài từ Khe Sanh, Tân Liên, Hướng Tân vào tận Hướng Phùng. Vào thời điểm chưa có dịch Covid-19, dịp hè hay những ngày lễ, mọi con đường đều đổ về Hướng Hoá. Họ mang theo áo quần thật lụa là và không quên trang điểm thật đẹp để hoà mình vào đất trời ở những vườn hoa trên đỉnh Trường Sơn này.

"Trên hành trình về với tổ tiên, loài người luôn hướng về cái đẹp, khao khát cái đẹp. Hoa là đại diện sáng giá và trường tồn cho cái đẹp ấy. Bởi thế nên một ai đó nói, nếu có trong tay hai đồng, tôi sẽ dành một đồng mua ổ bánh mì, còn lại sẽ mua một đoá hoa. Tâm hồn cũng cần ăn uống."

2. Hiệu ứng con đường hoa đã làm nên nhiều kỳ tích đáng nể. Một minh chứng điển hình là ở xứ núi Lao Bảo, điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Lao Bảo những năm trở lại đây khá “buồn tẻ”. Bên ngoài - phía Lào thắt chặt cửa rừng và tạo nhiều chính sách khó làm ăn hơn trước. Trong khi bên trong, chính sách ưu đãi về thuế của Chính phủ không còn, đã làm cho nơi này trở lại với… chính nó. Tất cả chỉ dựa vào nội lực. Nhưng một nền kinh tế mà thương mại dịch vụ chiếm ưu thế, chỉ phụ thuộc vào Lào và trông chờ ưu đãi về thuế khoá thì quá yếu ớt, mỗi khi hai thứ ấy không còn ở thế lý tưởng. Đất đai và bất động sản ở đây rớt thảm hại. Mười lô đất đối mặt với bờ hồ, công viên văn hoá trung tâm thị trấn có vị trí đắc địa, “viu” đẹp thế mà qua ba lần tổ chức đấu giá, sau nhiều lần “hạ giá” và kéo dài hơn ba năm mà chẳng ai ngó ngàng.

Phối cảnh vị trí số 1 thuộc Công viên Văn hoá trung tâm Lao Bảo (Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị)
Phối cảnh vị trí số 1 thuộc Công viên Văn hoá trung tâm thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Cho tới một ngày, Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị thực hiện dự án trồng cây và làm một phần công viên ngay tại hồ nước này. Phiên đấu giá vào hạ tuần tháng 8 năm 2021 vừa qua đã “đánh thức” Lao Bảo. Giá đấu đã tăng gần hai lần với giá khởi điểm. Những tay buôn đất dưới đồng bằng lên xác quyết, rằng giá đó còn rẻ so với “viu” hồ Nước Chè ở Hải Lăng hay Hồ Xá, thậm chí hồ Khe Mây ở thành phố Đông Hà.

Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết, ngoài những yếu tố của chủ trương, chính sách từ Trung ương mang lại “làn gió mới” cho Lao Bảo như Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo được lựa chọn là 1 trong 8 khu được đầu tư phát triển; các dự án như đường cao tốc Lao Bảo - Đông Hà, khu phí thuế quan, khu thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan được đánh thức, thì còn có yếu tố quan trọng làm nên sự đổi thay là việc Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị cùng với chính quyền vận động xã hội hoá xây dựng công viên Lao Bảo. Dù mới đầu tư ban đầu nhưng là động lực để người dân sở tại và các địa phương khác nhìn Lao Bảo bằng lăng kính tươi mới, năng động hơn.

Những
Những mầm xanh mới của cây Osaka vươn lên trên mảnh đất Công viên Văn hoá trung tâm thị trấn Lao Bảo.

Sáu mươi cây Osaka (cao 4 m, đường kính 20 cm) hay còn gọi là muồng hoàng yến đã được trồng trên khoảnh đất mà hơn nửa thế kỷ trước là căn cứ địa của Mỹ. Tại sao không phải loài hoa khác mà phải là muồng hoàng yến? Nhà báo Lâm Chí Công, người khởi xướng dự án này lý giải: Muồng hoàng yến được người Lào gọi là hoa Đọc Khun (Dockhoun) có nghĩa là hoa phước, tượng trưng cho phước lành. Hoa nở vào dịp tết Lào khoảng giữa tháng tư hàng năm. Mỗi dịp tết, người dân Lào hái chùm hoa Đọc Khun bỏ vào chậu nước và dùng nước ấy tưới lên các thành viên trong gia đình với lời cầu chúc sức khỏe, may mắn, giàu sang và thành đạt.

“Với kỳ vọng năm sau và nhiều năm sau nữa, hoa Đọc Khun sẽ là thương hiệu của xứ núi Lao Bảo. Du khách khi đi qua tuyến EWEC sẽ không quên dừng chân tại công viên Lao Bảo để lưu lại những khoảnh khắc nhuốm vàng đất trời biên cương của loài hoa này. Cũng với mục tiêu trồng hoa để phát triển du lịch, những con đường hoa Đọc Khun ở Lao Bảo sẽ là nơi giao lưu văn hoá ẩm thực giữa hai nước Việt - Lào. Đặc biệt, khi đến tết Lào, dưới không gian của hoa Đọc Khun ở công viên Lao Bảo, du khách thập phương có thể “ăn tết Lào” ngay trên đất Việt”, nhà báo Lâm Chí Công tâm sự.

Ảnh: Thành Công
Ảnh: Thành Công

Không dừng lại ở đó, dự án những con đường hoa sẽ tiến tới trồng Osaka - muồng hoàng yến ở tuyến đường từ khu vực cánh gà Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo lên tổ 4, bản Ka Tăng. Con đường dài hơn một kilomet vắt qua đồi đến với bản làng có nhiều ngôi nhà sàn đẹp và bình yên của người Vân Kiều. Tất cả để làm “sống dậy” câu thơ cách đây hơn nửa thế kỷ của thi sỹ Ngô Kha khi viết về Lao Bảo: Ta sẽ thấy và nhất định thấy / Một đô thị vàng qua đồi Lao Bảo…

3. Nhà văn Hoàng Hải Lâm trong những lần gặp chúng tôi vào những lần lên núi đều trầm trồ về tiềm năng của Hướng Hoá. Anh cho rằng, ở Quảng Trị muốn phát triển du lịch không đâu bằng Hướng Hoá. Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn luôn là kho tàng chưa khai phá. Nơi này sẽ có nhiều vườn hoa hơn, có nhiều con đường hoa hơn. Cứ nghĩ giản đơn, trồng hoa cho bớt… “cỏ” để quê hương này, xã hội này thêm tốt đẹp. Hoa dã quỳ, hoa Đọc Khun, hoa giấy Lao Bảo và trên non cao Sa Mù, thương hiệu hoa lily, tulip và nhiều loài nông sản ôn đới khác đã làm nên tên tuổi một Hướng Hoá phồn hoa, thịnh vượng.

Ảnh: Thiên Sơn
Ảnh: Thiên Sơn

Xin nói rộng thêm, tiềm năng không được đánh thức thì vẫn là… tiềm năng, vẫn mãi ngủ mê giữa bộn bề của cuộc sống. Mỗi lần gặp nhau trên đỉnh đèo Sa Mù, nhà báo Phan Tân Lâm luôn nhắc lại câu chuyện cũ, rằng Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá là chìa khoá để du lịch Quảng Trị phát triển. Ở đó có Voi Mẹp - Tá Linh Sơn cao 1.790 mét không thua kém Bà Nà, Bạch Mã của các tỉnh, thành bạn. “Nhưng để rộng đường cho khai thác du lịch trong khu bảo tồn, chỉ có cách nâng khu bảo tồn lên vườn Quốc gia mới tận dụng hết tiềm năng lợi thế. Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá có đủ cơ sở để thành vườn Quốc gia”, nhà báo Phan Tâm Lâm chia sẻ.

"Với tôn chỉ kêu gọi các nguồn lực xã hội để xây dựng các con đường hoa cũng như các công trình phúc lợi xã hội, Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị đã không ngừng gieo trồng và nhân lên những hạt giống tốt đẹp ở trên quê hương này. Mỗi con đường hoa làm thay đổi hình hài quê hương qua phát triển kinh tế mà cụ thể là dịch vụ du lịch. Và về một khía cạnh nào đó, hoa làm cho xã hội này đẹp hơn và nhân văn hơn."

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Sơn nữ hoa

Phạm Xuân Hùng |

Không có em hoa quỳ vẫn nở/ Như tháng năm không có chúng mình/ Đâu phải vô tình màu hoa lặng lẽ/ Hoa cháy ven đường như nắng lung linh…

Hoa Quảng Trị

Xuân Đức |

Có thể ai đó sẽ cười mỉm khi đọc cái tên đề bài viết này. Có thể họ nghĩ rằng dạo này tôi thích “tự sướng”, hay ít ra cũng nghĩ tôi đã bị lây bệnh “nổ”. Bởi như một thói quen đến mức thâm căn cố đế khi nói đến Quảng Trị lại cứ phải xứ “Ô châu ác địa”, là “truông dài rú rậm”, “thâm sơn cùng cốc”, “cát trắng gió Lào”. Rồi thì là, đất lửa, đất thép, nghĩa địa và nghĩa trang v.v... 

Chiều bên hồ Tâm Thủy

Thiên Sơn |

Với hình trái tim nhỏ giữa phố núi nơi biên cương, hồ Tâm Thủy hay còn gọi là hồ Lao Bảo, hồ ông Đổng tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) được xem là điểm “hòn ngọc” của người dân nơi đây. Vào thời điểm xế chiều, bờ hồ Tâm Thủy trở nên nhộn nhịp hơn, thu hút giới trẻ đến đây để vui chơi, câu cá thư giãn; còn những người lớn tuổi chọn nơi đây là điểm tập thể dục lý tưởng sau mỗi ngày dài làm việc.

Thôn Xa Re, chốn thanh bình nơi miền tây Quảng Trị

Thiên Sơn |

Xã hội đang hiện đại hóa từng ngày nhưng thôn Xa Re (Hướng Tân, Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn giữ được những khung cảnh thanh bình mang nét đặc trưng nơi miền tây Quảng Trị. Tại đây, những căn nhà sàn nhỏ bên chân núi cùng những thửa ruộng đang trĩu hạt, vươn mình đón ánh nắng mùa Thu tạo nên khung cảnh bình yên cho du khách ghé thăm, thưởng ngoạn.