“Thổi hồn” vào nông sản

Trương Quang Hiệp |

Nguyễn Quốc Vương (sinh năm 1995), trú tại Khu phố 2, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà nổi tiếng chỉ sau một đêm khi nhiều bức ảnh những “tác phẩm nghệ thuật” mà cậu làm ra từ nông sản xuất hiện trên mạng xã hội. Niềm vui nho nhỏ ấy khởi nguồn từ niềm đam mê của chàng đầu bếp trẻ tuổi.

Để “thổi hồn” cho nông sản, Nguyễn Quốc Vương đã đổ rất nhiều mồ hôi trong học tập, rèn luyện. Ảnh: Q.H
Để “thổi hồn” cho nông sản, Nguyễn Quốc Vương đã đổ rất nhiều mồ hôi trong học tập, rèn luyện. Ảnh: Q.H

Chọn lối đam mê

Nguyễn Quốc Vương đến điểm hẹn với túi nông sản bên tay. Anh đề nghị được phép vừa nói chuyện với chúng tôi, vừa cắt tỉa các loại củ, quả để kịp hoàn thành đơn hàng giao khách. “Không sao! Chỉ sợ ảnh hưởng đến công việc của Vương mà thôi”, tôi ái ngại nói. Vương chia sẻ: “Em quen rồi. Giờ nhắm mắt cũng có thể cắt tỉa được”. Chỉ tầm 10 phút sau đó, tôi đi từ ngại ngần đến ngạc nhiên khi thấy dưới bàn tay khéo léo của Vương một chú chim đã nên hình hài, rất cầu kỳ, đẹp mắt.

Từ nhỏ, những thử thách trong cuộc sống đã đặt ra trước mắt Nguyễn Quốc Vương. Ba Vương làm nghề thợ mộc, còn mẹ bươn bả với gánh cháo nên việc nuôi 7 người con ăn học đôi khi trở nên quá sức đối với hai vợ chồng. Mỗi mùa tựu trường, nghe tiếng thở dài nặng trĩu của ba mẹ, Vương ước sao lớn thật nhanh, tìm được một công việc phụ giúp gia đình. Thương ba mẹ, ngoài chăm chỉ học tập, cậu bé con nhà khó sớm biết lo chuyện bếp núc. Không rõ từ bao giờ, ước mơ trở thành đầu bếp đã hình thành trong suy nghĩ của Vương. Đó cũng chính là lý do mà khi đăng ký học nghề, cậu học sinh lớp 8 lại chọn môn nấu ăn, thay vì tin học, điện dân dụng như những bạn nam khác. Quyết định ấy khiến Vương từng bị trêu chọc một thời gian dài nhưng cậu chẳng ngượng ngùng. “Phần lớn đầu bếp nổi tiếng đều là nam giới đấy thôi”, cậu đáp trả câu đùa của bạn bè.

Theo năm tháng, ước mơ trở thành đầu bếp lớn dần trong lòng Nguyễn Quốc Vương. Tốt nghiệp THPT, cậu quyết định chọn Trường Cao đẳng Nghề - Du lịch Huế để gửi gắm niềm tin. Điều Vương không ngờ là buổi đầu, niềm tin ấy bị lung lay ít nhiều. Được học bài bản, cậu nhận ra, không dễ để có một món ăn đúng chuẩn. Rất nhiều yêu cầu đặt ra từ việc chọn thực phẩm, gia vị, nấu nướng, trình bày… khiến một chàng trai quanh năm chỉ quen với mâm cơm gia đình phải học hỏi, tìm hiểu. Có lúc Vương hoang mang nghĩ: “Hay mình đã chọn nhầm nghề?”. Thế nhưng, những phút chông chênh ấy sớm qua khi cậu đọc nhiều sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô, các đầu bếp nổi tiếng, bạn bè… Những món ăn ra đời dưới bàn tay Vương dần khiến nhiều người trầm trồ. Cậu từng đạt được giải cao trong các cuộc thi nấu ăn do nhà trường tổ chức.

Những kiến thức, kỹ năng được học mở đường cho chàng trai trẻ tìm thấy công việc tại các khách sạn, nhà hàng, quán ăn… ở thành phố Huế. Dẫu vất vả vừa học, vừa làm nhưng Vương luôn thầm cảm ơn công việc đã cho mình thỏa đam mê, có thêm kinh nghiệm, kỹ năng và tiền để trang trải chi phí học tập. Vì đam mê nên dù đứng ở căn bếp nào, cậu cũng đặt cả trái tim trong từng món ăn. Cậu lắng nghe thực khách nhiều hơn và không bao giờ cho phép mình cẩu thả trong công việc.

Vương ước mơ mở một lớp dạy nấu ăn cho những người có cùng đam mê. Ảnh: Q.H
Vương ước mơ mở một lớp dạy nấu ăn cho những người có cùng đam mê. Ảnh: Q.H

Nghệ sĩ trong căn bếp

Luôn nghĩ “Nấu ăn là nghệ thuật, còn người nấu ăn là nghệ sĩ” nên Nguyễn Quốc Vương luôn tìm cách để nâng tầm cho từng món ăn. Khâu trình bày dành được sự quan tâm lớn của cậu. Từ những buổi đi làm thêm, Vương nhận thấy rằng, không chỉ chú ý đến tiêu chí ngon, bổ, rẻ, các vị khách khó tính còn “ăn bằng mắt”. Đặc biệt, những nông sản được cắt tỉa cầu kỳ khiến họ rất thích thú. Vì thế, những giờ học nghệ thuật cắt tỉa củ, quả luôn được Vương quan tâm. Thế nhưng, để “thổi hồn” cho nông sản chưa bao giờ là việc dễ. Những ngày đầu, bàn tay Vương mỏi nhừ, phồng rộp, thậm chí tứa máu, vậy mà sản phẩm làm ra vẫn chưa như ý. Về sau, Vương phải mày mò tự học thông qua các video trên Youtube. “Nếu không kiên trì, không đặt toàn tâm, toàn ý thì khó có thể biến củ, quả thành phượng, thành rồng”, Vương khẳng định.

Sau khi về làm việc tại Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà, điều khiến Nguyễn Quốc Vương mừng nhất là được tạo điều kiện tham gia lớp học nghệ thuật cắt tỉa nâng cao. Không bỏ lỡ cơ hội, cậu chú ý từng lời chỉ dạy của các nghệ nhân tài năng, nổi tiếng. Vương nhận thức sâu sắc, một người cắt tỉa giỏi không thể cứ làm theo hình mẫu mà phải luôn sáng tạo, biết cách “thổi hồn” cho củ, quả. Giữa hàng trăm sản phẩm cắt tỉa cầu kỳ, đẹp mắt, nghệ nhân thành công là người tạo ra “đứa con tinh thần” không trộn lẫn. Vì thế, Vương luôn dặn lòng phải rèn luyện nhiều hơn.

Đến giờ, mỗi ngày không dành thời gian cắt tỉa củ, quả, Nguyễn Quốc Vương lại cảm thấy như thiếu thứ gì đó rất quan trọng. Tay nghề đã vững nên những sản phẩm ra đời từ bàn tay Vương thường rất nhanh chóng, tinh xảo, đẹp mắt. Cậu chỉ mất tầm 10 phút để làm nên những bông hoa, con chim, con cá… Thế nhưng, để luyện nghề, Vương bỏ nhiều thời gian cắt tỉa những “tác phẩm” mà các nghệ nhân lâu năm cũng ngại. Dồn cả tâm huyết, tình yêu, sự đam mê cho công việc “thổi hồn” cho nông sản nên những đứa con tinh thần của cậu luôn có nét riêng, tinh tế đến từng chi tiết.

Tài cắt tỉa củ quả đã giúp Nguyễn Quốc Vương có nhiều trải nghiệm thú vị ngoài căn bếp khách sạn quen thuộc. Cậu nhận được nhiều lời mời làm việc ngoài giờ. Có lần, tranh thủ ngày nghỉ, Vương ra tận Quảng Bình để trưng bày các “tác phẩm” cắt tỉa trong một tiệc cưới hoành tráng. Sau một ngày ròng rã làm việc, điều khiến cậu hạnh phúc nhất là các vị khách đến hôn trường đều trầm trồ khi lần đầu thấy nhiều loại củ, quả được “thổi hồn” ấn tượng. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến nhờ Quốc Vương chỉ dạy. Ngay người bạn đời cũng đã trở thành “thợ” cắt tỉa lành nghề nhờ sự tận tình hướng dẫn của Vương. Nghệ thuật cắt tỉa còn giúp chàng đầu bếp trẻ có cơ hội làm nhiều điều tốt đẹp cho đời. Mới đây, Vương cùng một số đầu bếp đã tổ chức một bữa tiệc với nhiều món ăn ngon và “tác phẩm” cắt tỉa ấn tượng nhất. Toàn bộ số tiền quyên góp từ bữa tiệc được dành để hỗ trợ một đầu bếp ghép thận.

Quốc Vương (đứng ngoài cùng phía tay trái) cùng những người bạn làm nên những “tác phẩm nghệ thuật” để gây quỹ giúp đỡ một đầu bếp ghép thận. Ảnh: Q.H
Quốc Vương (đứng ngoài cùng phía tay trái) cùng những người bạn làm nên những “tác phẩm nghệ thuật” để gây quỹ giúp đỡ một đầu bếp ghép thận. Ảnh: Q.H

Không xuất phát từ vạch đích như nhiều bạn bè đồng trang lứa nên cuộc sống vẫn đang từng ngày thử thách Nguyễn Quốc Vương. Thế nhưng, Vương vẫn thấy mình may mắn bởi có một công việc để làm cho thỏa đam mê, một người để yêu thương và nhiều niềm hy vọng. Nói về ước mơ, Vương chia sẻ mong muốn mở một lớp dạy nấu ăn, trong đó chuyên sâu đào tạo nghệ thuật cắt tỉa. Cậu khẳng định, lớp học ấy sẽ luôn rộng cửa chào đón những người nghèo khó nhưng giàu đam mê.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Có một người thợ làm bánh Việt Nam trên đất Mỹ

Chi Phan |

Trong hành trình tìm đường cứu nước đầu thế kỷ XX, Bác Hồ đã đến nhiều nơi, đã làm nhiều nghề, trong đó Người từng dừng chân tại khách sạn Omni Parker House ở Boston, thủ phủ bang Massachusetts, nước Mỹ.

Cô giáo hay làm việc thiện

Trần Tuyền |

Nhiều năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến (sinh năm 1978) dạy môn tiếng Anh, Trường TH&THCS Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) không chỉ là một giáo viên tận tụy mà còn nỗ lực kêu gọi, kết nối các cá nhân, tổ chức hảo tâm chung tay giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh thăm tặng quà cho đồng bào chiến sĩ vùng biên

Lê Thảo - Quốc Nhật |

Ngày 28/4, đồng chí Hoàng Đức Thắng, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã dẫn đầu đoàn công tác phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến thăm hỏi và tặng quà các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng và đồng bào các xã vùng biên giới Việt - Lào thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Đội Shipper tình nguyện

Quang Hiệp |

Không kể mưa hay nắng, những ngày qua, thành viên đội shipper áo xanh ở xã Triệu Ái và xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vẫn miệt mài với những chuyến xe chuyên chở hàng hóa đến tận tay người dân. Dẫu bận rộn, vất vả nhưng ai cũng vui vì được giúp đỡ bà con trên địa bàn, đặc biệt là các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm COVID-19.