Trân quý từng phút giây bên gia đình

Tây Long |

Đối với mọi người, gia đình là hai tiếng thiêng liêng, gần gũi bởi ai cũng mơ về một ngôi nhà ấm êm và hạnh phúc. Trước thềm xuân mới, phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với gia đình anh NGUYỄN HỮU HOÀNG và chị TÔ THỊ TƯỜNG VY, 1 trong 20 điển hình toàn quốc được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lựa chọn, trao tặng danh hiệu “Gia đình trẻ tiêu biểu”.

- Đầu tiên! Xin chúc mừng gia đình anh chị vừa được Trung ương Hội LHTN Việt Nam biểu dương là “Gia đình trẻ tiêu biểu”. Anh chị có thể cho biết cảm xúc của mình khi được vinh danh?

- Anh Hữu Hoàng: Trước tiên, xin được giới thiệu về gia đình nhỏ của chúng tôi. Tôi là Nguyễn Hữu Hoàng, sinh năm 1989, còn vợ là Tô Thị Tường Vy, sinh năm 1992. Gia đình tôi có 5 thành viên gồm 2 vợ chồng, 2 con gái và bà nội của các cháu. Hiện nay, tôi là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, còn vợ làm bí thư chi đoàn thôn, kiêm nhân viên y tế thôn bản và nhân viên của một doanh nghiệp. Vợ chồng chúng tôi rất bất ngờ và vui mừng khi được Trung ương Hội LHTN Việt Nam biểu dương là “Gia đình trẻ tiêu biểu” toàn quốc. Đây là món quà ý nghĩa, nguồn động viên tinh thần to lớn đối với gia đình chúng tôi.

 

- Chị Tường Vy: Những ngày qua, vợ chồng chúng tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng. Cảm giác đầu tiên của tôi là hơi ngại một chút. Sau phút ban đầu ấy, tôi và chồng nhắc nhủ nhau phải nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Chúng tôi hy vọng sẽ lan tỏa những giá trị tích cực đến với mọi người.

- Anh chị đã nỗ lực như thế nào để xây dựng tổ ấm?

- Anh Hữu Hoàng: Vợ chồng tôi về sống dưới một mái nhà với rất nhiều khó khăn. Bấy giờ, hai vợ chồng đều chưa có việc làm ổn định. Cuộc sống càng vất vả khi ba tôi mất, mẹ hay đau ốm, còn con gái mới chào đời. Để vượt qua thách thức, vợ chồng tôi quyết tâm phát triển kinh tế. Tận dụng diện tích đất đồi của gia đình, hai vợ chồng đã quyết định vay vốn tạo dựng mô hình trồng keo lấy gỗ, cao su, hồ tiêu và chăn nuôi. Đổ bao mồ hôi, công sức, cuối cùng, những vất vả đã lùi về phía sau. Đó cũng chính là động lực to lớn thôi thúc vợ chồng tôi tiếp tục dồn sức phát triển kinh tế; tìm được công việc mà mình yêu thích; chăm lo mẹ già, con nhỏ; cống hiến cho cộng đồng…

- Chị Tường Vy: So với nhiều người, con đường mà vợ chồng tôi đã đi qua chưa dài và có thể còn ít chông gai. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình đã qua, chúng tôi vẫn cảm thấy vui và tự hào. Điều ý nghĩa nhất là các thành viên trong gia đình luôn đồng hành, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, chung tay xây dựng một tổ ấm nhiều tiếng cười.

- Một số người cho rằng, so với trước kia, các gia đình trẻ hiện nay thiếu bền vững, dễ rạn nứt hơn. Quan điểm của anh chị như thế nào về nhận định này?

- Chị Tường Vy: Tôi nghĩ, mỗi thời, những thử thách đến với các gia đình trẻ một khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại hôm nay, vòng xoáy “cơm, áo, gạo, tiền” khiến người trẻ chịu nhiều căng thẳng, áp lực hơn. Áp lực này càng lớn đối với những cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi. Cũng chính từ đây, một bộ phận bạn trẻ quên đi hoặc không mấy chú ý đến giá trị gia đình. Đó cũng chính là lý do tạo ra những rạn nứt mà nhiều khi ngay cả người trong cuộc cũng không cảm nhận được.

- Anh Hữu Hoàng: Tôi cũng có chung suy nghĩ với vợ mình. Theo tôi, còn có một nguyên nhân nữa khiến các gia đình trẻ dễ rạn nứt là do hai vợ chồng chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân. Vì thế, khi gặp khó khăn, sóng gió, họ sớm bi quan, chán nản và có tâm lý buông xuôi.

- Bản thân anh chị đã làm cách nào để những vết rạn nứt trong gia đình không còn là nỗi lo?

- Anh Hữu Hoàng: Vừa làm nông, vừa gắn bó với nhiều công việc khác nên vợ chồng tôi rất bận rộn. Để “giữ lửa”, chúng tôi luôn nhắc nhủ nhau phải trân quý từng giây phút bên gia đình. Hai vợ chồng chia sẻ với nhau mọi công việc, đặc biệt là chăm sóc, nuôi dạy con cái. Tất nhiên, gia đình nào cũng có lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Mỗi lần như thế, tôi và vợ đều thẳng thắn trò chuyện để thấu hiểu, chia sẻ với nhau hơn.

Công tác đoàn, phong trào thanh niên ở địa phương đã giúp vợ chồng anh Nguyễn Hữu Hoàng gắn kết với nhau hơn - Ảnh: T.L
Công tác đoàn, phong trào thanh niên ở địa phương đã giúp vợ chồng anh Nguyễn Hữu Hoàng gắn kết với nhau hơn - Ảnh: T.L

- Chị Tường Vy: Vợ chồng tôi may mắn gặp nhau ở điểm chung là đều yêu công tác đoàn, phong trào thanh niên và các hoạt động vì cộng đồng. Thông thường, khi cùng chí hướng, sở thích, đam mê thì chúng ta dễ thấu hiểu, chia sẻ hơn. Trong giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp, hai vợ chồng tôi khá bận rộn khi đều nằm trong ban chỉ đạo và tổ COVID-19 cộng đồng. Chuyện đi sớm, về muộn, không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình thường xuyên xảy ra. Nhờ thấu hiểu, chia sẻ nên điều này không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình. Từ trước đến nay, vợ chồng tôi luôn nỗ lực tìm ra những điểm chung và cơ hội để cùng nhau làm việc, cống hiến. Tôi nghĩ đó là một cách để “giữ lửa”.

- Theo anh chị, cần phải làm gì để nhân lên những “Gia đình trẻ tiêu biểu”?

- Chị Tường Vy: Mỗi gia đình có một điều kiện, hoàn cảnh và mỗi cặp vợ chồng có một suy nghĩ, cách đánh giá, nhìn nhận riêng. Vì vậy, khó có một chuẩn chung để xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Hơn 6 năm vun vén cho tổ ấm, tôi hiểu rằng, điều quan trọng nhất để gia đình yên ấm, hạnh phúc là các thành viên biết yêu thương, thông cảm, chia sẻ và thấu hiểu nhau. Đó là điều mà các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân và mới lập gia đình cần hiểu sâu sắc. Hạnh phúc gia đình chỉ tròn đầy khi chúng ta biết trân quý từng phút giây bên nhau và cùng quyết tâm, nỗ lực vun vén hạnh phúc.

- Anh Hữu Hoàng: Cũng như nhiều bạn trẻ khác, vợ chồng tôi về chung sống dưới một mái nhà xuất phát từ tình yêu. Chúng tôi vừa xây dựng gia đình, vừa học hỏi và đúc kết kinh nghiệm để tổ ấm thêm… ấm. Thú thật, đôi khi chúng tôi phải vấp ngã thì mới rút ra được kinh nghiệm. Vì vậy, tôi nghĩ, để có nhiều gia đình trẻ tiêu biểu, rất cần những lớp tiền hôn nhân, khóa học làm ba, làm mẹ. Tất nhiên, đó phải là những lớp học được tổ chức với hình thức mới mẻ, hiện đại, phù hợp với suy nghĩ, xu hướng, cá tính… của người trẻ hôm nay.

- Xin cảm ơn anh chị!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bí thư Thành ủy Đông Hà thăm tặng quà Tết các gia đình chính sách

Lê Trường |

Ngày 18/1, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đông Hà (Quảng Trị) Nguyễn Chiến Thắng đã đến thăm, tặng quà Tết các gia đình chính sách, lão thành cách mạng trên địa bàn thành phố nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Hướng Hóa: Khánh thành nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách

Lê Trường |

Ngày 26/12, Huyện đoàn Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức khánh thành và bàn giao ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình ông Hồ Văn Du, đối tượng chính sách, người có công ở thôn Loa, xã Ba Tầng.

Thực hiện tốt công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình để góp phần vào sự phát triển bền vững

Bội Nhiên |

Sinh năm 1966, chị Phan Thị Mai trở thành cộng tác viên dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) khu phố 1, phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vào năm 1998. 

Trao học bổng cho học sinh nghèo và bò giống cho hộ gia đình gặp khó ở biên giới Việt - Lào

Trường Sơn |

Ngày 02/12/2021, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và huyện Sê Pôn (Savannakhet, Lào) tổ chức chương trình trao tặng học bổng “Nâng bước em đến trường” cho các em học sinh nghèo và tặng bò giống cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo; bản Phường và cụm bản Densavan, huyện Sê Pôn (Lào).