Luôn nặng lòng với quê hương, thời gian qua, anh HỒ THANH THỌ, biên tập viên Tạp chí Cửa Việt đã trăn trở, lựa chọn nhiều loại thiết bị, máy móc, trong đó có flycam để ghi lại những hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người Quảng Trị. Chính sự tâm huyết và quá trình lao động, sáng tạo nghiêm túc, miệt mài đã mang đến cho anh nhiều niềm vui. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với biên tập viên HỒ THANH THỌ sau khi anh đoạt giải A, giải thưởng Văn học - Nghệ thuật với chủ đề: “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.
- Đầu tiên, xin chúc mừng anh vừa đoạt giải A, giải thưởng Văn học - Nghệ thuật với chủ đề: “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với anh?
- Tôi rất vui mừng khi đoạt giải A, giải thưởng Văn học - Nghệ thuật có chủ đề: “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” với tập sách ảnh “Không ảnh” Quảng Trị. Giải thưởng này là nguồn động viên, khích lệ lớn đối với tôi. Đặc biệt, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được góp phần nhỏ trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương trong quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển.
- Đề nghị anh giới thiệu với độc giả về tập sách ảnh vừa vinh dự đoạt được giải thưởng này?
- Tập sách “Không ảnh” Quảng Trị của tôi tập hợp hơn 140 bức ảnh được chụp từ góc nhìn trên cao qua nhiều năm. Đây chính là tiếng lòng của tôi đối với quê hương. Tập sách dày 120 trang, được chia làm 3 phần: “Đi qua miền đất lửa”, “Nơi lưu giữ ký ức về Quảng Trị” và “Nhịp sống mới”. Trong đó, phần 1 là những hình ảnh giới thiệu tổng quan về mảnh đất Quảng Trị, phần 2 là những hình ảnh mang dấu ấn khi nói về Quảng Trị, còn phần 3 là hình ảnh về quê hương đổi mới và tiềm năng phát triển. Phần giới thiệu và chú thích trong tập sách ảnh được sử dụng song ngữ Việt - Anh.
- Khác với nhiều tác giả khác, anh đã chọn góc nhìn từ trên cao để ghi lại những hình ảnh đẹp về quê hương. Ý tưởng đó hình thành từ bao giờ và anh mất bao nhiêu thời gian để thực hiện?
- Từ khi có thông tin về cuộc thi sáng tác Văn học - Nghệ thuật với chủ đề: “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, tôi đã lên ý tưởng về tập sách “Không ảnh” Quảng Trị. Trước đó, qua tìm hiểu, tôi được biết, Quảng Trị chưa có tập sách ảnh nào tập hợp những bức ảnh từ… trời cao. Vì thế, tôi quyết định chọn một lối đi riêng, khác biệt cho “đứa con tinh thần” của mình. Tính từ lúc bắt đầu thực hiện tập sách đến khi hoàn thiện, tôi mất khoảng 6 tháng. Để nâng cao chất lượng tập sách, ngoài những tác phẩm cũ, tôi đã chụp bổ sung rất nhiều bức ảnh mới. Đó là những ngày bận rộn, đầy trăn trở với nhiều công sức đã bỏ ra và luôn cảm nhận được niềm vui trong hành trình.
Với tập sách “Không ảnh” Quảng Trị, tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Vì thế, khi bắt tay thực hiện tập sách, tôi đã liên hệ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị để đề nghị hỗ trợ dịch thuật và phát hành tập sách. Vì thế, khi xem sách, mọi người có thể thấy, bên cạnh hình ảnh là phần giới thiệu song ngữ rất chỉn chu.
- Một số người cho rằng, chụp ảnh bằng flycam thuận lợi hơn rất nhiều so với nghệ thuật nhiếp ảnh truyền thống bởi đã có sự “nâng đỡ” của công nghệ. Anh nghĩ sao về nhận định này?
- Tôi cũng đã nghe nhận định này và từng tranh luận với một số người. Trong nhiếp ảnh truyền thống, người ta sử dụng máy ảnh cơ hoặc máy ảnh kỹ thuật số để chụp. Máy ảnh chính là phương tiện cho người nghệ sĩ thực hiện tác phẩm. Tương tự, với flycam, thiết bị bay có gắn máy ảnh này cũng là một phương tiện cho người nghệ sĩ sử dụng để thể hiện tác phẩm. Điểm ưu việt là công nghệ đã giúp máy ảnh được gắn trên flycam có thể di chuyển đến các vị trí khó chụp. Đó là lý do khiến thời gian gần đây, nhiều người lựa chọn flycam để thể hiện tác phẩm nhiếp ảnh hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, để có một tác phẩm nghệ thuật chất lượng, không phải cứ có phương tiện sáng tác tốt thì sẽ có tác phẩm tốt. Tác phẩm nghệ thuật có chất lượng còn đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng và góc nhìn thẩm mỹ của người sử dụng thiết bị. Nhưng dùng từ “nâng đỡ” thì cũng đúng đấy, bởi cấu tạo khí động học, mô tơ... giúp “nâng đỡ” cụm camera của flycam để chụp hình.
- Từ trải nghiệm của bản thân, đề nghị anh chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi chụp ảnh bằng flycam?
- Theo tôi, điểm thuận lợi là khi chụp ảnh bằng flycam sẽ dễ tìm được những góc nhìn mới lạ và độc đáo. Do người xem thường quen mắt với những góc chụp ở mặt đất nên khi nhìn những góc chụp ở trên cao sẽ tạo hiệu quả thị giác ấn tượng nhất định. Góc chụp của flycam ít bị giới hạn bởi độ cao vì thế người chụp thuận lợi hơn trong việc chọn khung hình.
Thế nhưng, chụp ảnh bằng flycam chưa bao giờ là việc đơn giản. Để có hình ảnh đẹp về sự kiện hoặc đối tượng với góc chụp từ trên không, chúng ta cần thời gian chờ để chụp lại khoảnh khắc. Tuy nhiên, thông thường, flycam chỉ có thời gian bay liên tục trên không tầm từ 20 - 25 phút, đó là chưa kể đến việc bị tác động của các yếu tố khác như gió, mưa... Việc thời gian bị giới hạn khiến khoảnh khắc chụp ảnh bằng flycam sẽ ảnh hưởng đến tác phẩm.
- Như anh đã chia sẻ, chụp ảnh bằng flycam không hề đơn giản, dễ dàng. Vậy, anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm, kỹ năng cho nhiều người đang muốn ghi lại những hình ảnh đẹp của quê hương từ trên không?
- Có nhiều phương pháp để chụp ảnh từ trên không. Tuy nhiên, theo tôi phương pháp tốt nhất vẫn là flycam. Để có hình ảnh đẹp từ trên cao, tôi nghĩ, người chụp cần có cái nhìn tổng quan đối với đối tượng cần chụp. Cần tìm những góc nhìn mới lạ, độc đáo thì sẽ tạo được tác phẩm đẹp và ấn tượng với người xem.
Đối với bất cứ phương tiện hỗ trợ chụp hình nào, người sử dụng cần phải am hiểu, sử dụng thành thạo các chức năng của thiết bị và flycam cũng không ngoại lệ. Vì thế, việc hiểu rõ các chức năng, công dụng của các thiết lập ở flycam sẽ rất cần thiết, giúp bức ảnh có chiều sâu hơn.
- Sau tập sách ảnh “Không ảnh” Quảng Trị, anh có dự định, kế hoạch gì để tiếp tục góp phần tôn vinh, quảng bá hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người Quảng Trị?
- Xin được chia sẻ thêm là ngoài việc xuất bản, phát hành tập sách “Không ảnh” Quảng Trị, tháng 2 vừa qua tôi cũng đã xuất bản tập sách ảnh “Bản sắc vùng cao Quảng Trị”. Tập sách dày 120 trang, giới thiệu về văn hóa và bản sắc của đồng bào sống ở miền núi rừng phía Tây tỉnh Quảng Trị. Ở cuốn sách ảnh này, tôi là đồng tác giả.
Lâu nay, hình ảnh mảnh đất, con người Quảng Trị luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với tôi. Vì thế, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục dùng tất cả tâm huyết, sự miệt mài, nghiêm túc trong lao động, sáng tạo của mình để có thêm nhiều tác phẩm nhiếp ảnh chất lượng khác. Đây là cách tôi tri ân mảnh đất mà mình đã được sinh ra và lớn lên.
Về “Không ảnh” Quảng Trị, tôi cũng đang ấp ủ dự định số hóa tập sách theo định dạng PDF và PRC. Tập sách bản điện tử sẽ được cung cấp và chia sẻ miễn phí. Tôi hy vọng với cách làm này, hiệu quả quảng bá của tập sách “Không ảnh” Quảng Trị sẽ được nâng cao hơn, góp phần giúp bạn bè trong nước và quốc tế biết đến sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của một miền quê từng chịu nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh.
- Xin cảm ơn anh!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)