Tự hào là người giáo viên nhân dân

Tây Long |

Với những thành tích ấn tượng, cô giáo TRẦN THỊ NGỌC HÀ, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Du, TP. Đông Hà (Quảng Trị) vừa được Trung ương Đoàn lựa chọn trao tặng giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với cô về công việc mà cô đã dành nhiều tâm huyết.

- Trước tiên, xin gửi lời chúc mừng cô giáo Trần Thị Ngọc Hà vừa vinh dự nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”. Cảm xúc của cô như thế nào khi nhận được giải thưởng này?

- Khi biết tin mình được nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương năm 2022, tôi rất vui mừng. Sau rất nhiều nỗ lực, sự cống hiến của tôi đã được đền đáp. Đây là món quà tinh thần quý giá đối với một giáo viên trẻ như tôi trong thời điểm cận kề dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

- Cô có thể chia sẻ với mọi người về hành trình đến với nghề giáo của mình?

- Có lẽ nhiều bạn trẻ sẽ có cùng nhận định với tôi rằng, con đường để trở thành giáo viên không trải đầy hoa hồng. Không phải sinh viên sư phạm nào mới ra trường cũng xin được việc làm và cũng không phải ai cũng đủ đam mê, quyết tâm để theo đuổi nghề giáo.

Tôi đã mất 2 năm mới có cơ hội được dạy hợp đồng tại một ngôi trường vùng khó thuộc huyện Triệu Phong, đó là Trường PTCS Trấm. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ngôi trường này là con đường lầy lội vào mùa mưa, bụi mù ngày trời nắng. Để đến trường, nhiều khi chúng tôi phải thuê đò. Trong lòng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh học sinh nơi đây.

Hầu như ngày nào các em cũng phải băng đèo, vượt suối, vượt sông đến trường. Trên tay em nào cũng có một chiếc cặp lồng đựng cơm. Trống đánh tan trường, các em tụm năm, tụm bảy bày cơm ra ăn mới có sức để trở về nhà hoặc tiếp tục ở lại học trái buổi. Chính những hình ảnh ấy đã thôi thúc tôi dồn hết tâm sức để giảng dạy. Tôi cũng tìm cách kết nối các đoàn thiện nguyện để giúp đỡ các em.

Sau hơn 2 năm cống hiến ở Trấm, tôi được chuyển đến dạy hợp đồng tại Trường THCS Phan Đình Phùng, TP. Đông Hà. Rồi sau đó tôi đậu kỳ thi tuyển dụng viên chức và về công tác tại Trường THCS Nguyễn Du với vai trò là giáo viên tổng phụ trách đội. Tôi cảm thấy mình may mắn bởi được trở lại mái trường xưa, nơi gắn với nhiều ký ức đẹp của tuổi học trò để giảng dạy và cống hiến. Mới đó mà thời gian đã trôi qua gần 4 năm.

- Những năm gần đây, vì những lý do khác nhau, nghề giáo không được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Tại sao cô lại chọn và gắn bó với nghề?

- Tôi nghĩ rằng có khá nhiều lý do khiến nghề giáo không được các bạn trẻ hiện nay lựa chọn. Đây là nghề vinh quang nhưng lại ẩn chứa không ít áp lực. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ cho giáo viên có lúc, có nơi chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Ở một góc độ nào đấy, suy nghĩ trên không sai.

Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà giáo, tôi không đặt mình vào góc nhìn đó. Tuy nghề giáo không đưa lại nguồn thu nhập cao như các ngành nghề khác nhưng tôi chưa bao giờ lấy điều đó làm thước đo. Cái mà tôi quan tâm là phải sống, làm việc như thế nào để không chỉ truyền đạt kiến thức tốt cho học sinh mà còn là tấm gương sáng để các em noi theo. Tôi hiểu sâu sắc rằng, nghề giáo đã và đang tạo ra những giá trị rất to lớn. Đây là nghề mang lại những niềm hạnh phúc bình dị, quý giá mà không phải nghề nào cũng có được.

Cô giáo Ngọc Hà (đứng thứ 2, từ trái sang phải) tham gia một hoạt động vì cộng đồng - Ảnh: T.L
Cô giáo Ngọc Hà (đứng thứ 2, từ trái sang phải) tham gia một hoạt động vì cộng đồng - Ảnh: T.L

- Vừa là giáo viên, vừa là tổng phụ trách đội, cô đã nỗ lực như thế nào để hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ?

- Vừa là giáo viên dạy Toán, vừa là tổng phụ trách đội, tôi phải cố gắng rất nhiều, nhất là trong thời gian đầu làm quen công việc. Về chuyên môn, tôi không ngừng học tập từ đồng nghiệp để trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin… Cùng với đó, tôi phải làm quen với những công việc bận rộn của một tổng phụ trách đội, sáng tạo phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động đội phù hợp. Điều đáng mừng là với nhiều hoạt động đội sôi nổi, ý nghĩa, thiết thực, Liên đội Trường THCS Nguyễn Du đã trở thành một trong những điểm sáng của phong trào thiếu nhi tỉnh nhà. Nhiều năm liền, liên đội nhà trường đạt danh hiệu liên đội mạnh cấp tỉnh.

Để làm tốt nhiệm vụ, tôi đã phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Có những tháng cao điểm, tôi không chỉ làm việc ở trường mà còn ở nhà. Đối với tôi, việc thức khuya để chăm chút từng trang giáo án, chuẩn bị bài giảng hay để thiết kế hình ảnh truyền thông, biên tập các video tuyên truyền măng non là điều hết sức quen thuộc. Công việc áp lực đôi lúc cũng khiến tôi đuối sức. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, sự quyết tâm, nhiệt huyết trong công việc, tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo đã giúp tôi vượt qua tất cả. Tôi cảm thấy mình được tạo động lực để làm mọi điều tốt nhất trong khả năng.

- Được biết, ngoài công việc thường xuyên, cô còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Phải chăng chính chữ tâm của người làm nghề giáo đã thôi thúc cô đến với những hoạt động này?

- Theo tôi, mỗi người đều có tâm thiện lành và sẽ có sự chuyển hoá thành hành động làm việc thiện bằng nhiều cách khác nhau tuỳ vào khả năng và điều kiện. Hiện nay, có nhiều tổ chức, cá nhân đang làm rất tốt các hoạt động thiện nguyện, trong đó có các nhà giáo.

Về phần mình, từ khi còn là sinh viên sư phạm, tôi đã tình nguyện đến vui chơi, dạy học hè cho các em nhỏ ở Trung tâm Mái ấm tình hồng, TP. Đông Hà. Trong quãng thời gian ấy, tôi nhận thấy, nhà giáo, sinh viên sư phạm hoàn toàn có thể giúp đỡ mọi người bằng chính tri thức mà mình tích lũy được. Sau này, khi đã trở thành giáo viên, tôi vẫn duy trì việc giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bằng chính tri thức của mình. Nhiều năm nay, cứ vào dịp nghỉ hè, tôi lại tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở chùa Lập Thạch, TP. Đông Hà.

Ngoài đứng lớp, tôi còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện với Hội Từ thiện xã hội Búp sen hồng và các câu lạc bộ, đội, nhóm khác. Cùng các tình nguyện viên, tôi đã có cơ hội giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, trong đó có chính học sinh của mình. Tôi cũng rất vui khi đã kết nối thành công một số nhà hảo tâm với các học sinh nghèo vượt khó.

- Nghề giáo đã mang lại điều gì ý nghĩa cho một người trẻ như cô?

- Nghề giáo mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Đó là những niềm vui tưởng chừng như rất nhỏ, rất bình dị nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chỉ cần được hoà mình với các em, với sự ngây thơ của tuổi học trò cũng làm tôi cảm thấy mình luôn vui tươi, trẻ trung.

Mới đây, tôi nhận quyết định chuyển công tác. Lúc này, tôi mới cảm nhận thực sự sâu sắc tình yêu của học sinh dành cho mình. Các em nhắn tin cho tôi thổ lộ những điều bấy lâu không dám nói; gửi những câu xin lỗi; hứa sẽ ngoan ngoãn; chúc cô có nhiều niềm vui ở vị trí công tác mới… Những chia sẻ của các em khiến tôi cứ cay cay khóe mắt. Thế mới thấy rõ, nghề giáo đã mang lại rất nhiều điều gì ý nghĩa. Tôi cảm thấy mình đã đúng khi lựa chọn nghề giáo và tự hào vì mình là một giáo viên.

- Mong cô chia sẻ về những dự định trong thời gian tới?

- Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, trước hết là hoàn thành chương trình cao học. Cùng với đó, tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt các công việc được giao với vị trí mới là viên chức biệt phái tại Phòng GD&ĐT TP. Đông Hà. Tôi cũng sẽ thu xếp thời gian, công việc để tham gia các hoạt động thiện nguyện trong điều kiện cho phép. Dù bất cứ vị trí nào, tôi cũng luôn tự nhủ, sẽ làm việc hết mình, luôn học hỏi từ đồng nghiệp và không ngừng sáng tạo… để nâng cao hiệu quả công việc, giúp bản thân sống ý nghĩa và có thể cống hiến nhiều hơn.

- Xin cảm ơn cô!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng thầy cô giáo nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Nguyễn Xuân Phúc |

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Những bó hoa độc lạ dành tặng thầy cô nhân ngày 20/11

PV |

Nhiều phụ huynh đã chi tiền triệu để mua những bó hoa làm từ thạch, bánh kem, sushi, thậm chí mạ vàng...

Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ghép da thành công từ người hiến chết não

Thanh Mai |

Bệnh nhân ghép da là trường hợp mảnh da ghép được tiếp nhận từ người hiến chết não đầu tiên tại Việt Nam.

Nữ tiến sĩ đưa ứng dụng công nghệ vào khám chữa bệnh

Diệu Hương |

Với mong muốn cống hiến tri thức cho xã hội, TS. Kim Nga nghiên cứu phần mềm quản lý, khai thác dữ liệu chẩn đoán hình ảnh ứng dụng trong bệnh viện.