Vĩnh biệt Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư Lê Mậu Hãn

PV |

 * PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH

Vậy là tháng 11 này – tháng có “Ngày Nhà giáo Việt Nam”, dịp cả xã hội tôn vinh, tri ân đội ngũ thầy giáo, cô giáo, thì chúng tôi, những thế hệ cựu sinh viên của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội lại bùi ngùi, xót thương tiễn người thầy kính mến Lê Mậu Hãn về với “thế giới thiên thu”!

Trong niềm tiếc thương vô hạn, bao hoài niệm đẹp lại ùa về trong tâm trí chúng tôi về thầy Lê Mậu Hãn, người cất tiếng khóc chào đời sau hai năm ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (năm 1930) trên vùng đất huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đầy nắng lửa và sỏi đá - “những đồi sim không đủ quả nuôi người”.

Có lẽ thiên nhiên khắc nghiệt và cuộc sống gian lao của Nhân dân lao động nơi đây trong những năm thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã rèn đúc phẩm chất kiên trì chịu đựng trong gian khó; sự sáng tạo trong công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học; ý chí kiên định trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và tình thương yêu chân thành dành cho gia đình, đồng chí, đồng nghiệp và các thế hệ học trò của mình trong quãng đời 65 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng, với các thư viện nhỏ, to cùng các chuyến đi khảo sát thực tiễn suốt dọc dài đất nước cũng như ở nước ngoài…

Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư Lê Mậu Hãn
Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư Lê Mậu Hãn

Thầy Lê Mậu Hãn là một trong 17 sinh viên xuất sắc khóa đầu của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1956 - 1959), được nhà trường giữ lại bổ sung vào đội ngũ cán bộ của trường, trong đó thầy được nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Lịch sử trong những ngày đầu thành lập Khoa Khoa học xã hội (sau này tách ra thành Khoa Sử và Khoa Văn). Với sự tận tụy, trách nhiệm trước sự nghiệp “trồng người”, với năng lực chuyên sâu và phương pháp luận mác-xít trong nghiên cứu khoa học; với tình cảm gần gũi, hòa đồng cùng các đồng nghiệp và sinh viên; từ một giảng viên, thầy liên tục được tập thể bầu làm Chủ nhiệm khoa Lịch sử nhiều năm. Và chính trên cương vị đó, những năng lực, phẩm chất tốt đẹp của thầy ngày càng được bộc lộ và phát triển.

Thầy đã cùng tập thể cán bộ giảng dạy trong khoa xây dựng nên “thương hiệu” Khoa Lịch sử có tiếng tăm trong ngành đại học; là niềm tự hào của những sinh viên chúng tôi được học tập ở nơi đây. Riêng tôi và một số anh em từng trúng tuyển vào Khoa Văn, nhưng do yêu cầu nhà trường chuyển sang học Khoa Sử, càng thấm thía và tự hào về lời của Các Mác: Suy cho cùng, mọi khoa học đều là khoa học lịch sử!

Trải qua 65 năm, bằng sự đam mê cháy mình, ngoài việc tham gia đứng lớp truyền đạt kiến thức cho người học, thầy đã có 105 công trình nghiên cứu khoa học, bao gồm nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ; nhiều chuyên khảo, nhiều bài viết, bài nói có hàm lượng tri thức và tính định hướng rõ nét. Trong các công trình đó, có một số công trình được dư luận xã hội quan tâm và đánh giá cao như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Quốc hội Việt Nam, Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Lịch sử các nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Các vấn đề về phương pháp luận và phân kỳ lịch sử…

Thầy là một trong những giáo viên tham gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Lịch sử địa danh Việt Nam. Với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về Đảng Cộng sản Việt Nam, khi về hưu, thầy được tín nhiệm giao làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh, phục vụ đắc lực việc các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thầy cũng là người trực tiếp tham gia truyền đạt chuyên đề này cho nhiều đối tượng ở nhiều trường học, cơ quan, đơn vị…

Sẽ còn sống mãi trong các thế hệ cựu sinh viên chúng tôi hình ảnh người thầy, người lãnh đạo khoa cùng sinh viên lên đồi phát cỏ trồng sắn trong những ngày sơ tán ở xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; còn mãi bao kỷ niệm về những đêm đông, thầy trò vui vầy quanh bếp lửa, chia nhau củ sắn lùi, cùng hàn huyên chuyện đời, chuyện nghề, chuyện nhân tình thế thái… Sự gần gũi, hòa đồng, sẻ chia ấy của thầy giúp chúng tôi ấm lòng, vững tin và yêu nghề hơn trên con đường làm giàu và tỏa sáng môn Lịch sử dân tộc ta và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chúng tôi tự hào, trong số học trò được thầy giảng dạy và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, có nhiều người đã trở thành cán bộ chủ chốt của Trung ương và địa phương, hiện đang phát huy tác dụng tích cực trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội…

Tôi có riêng kỷ niệm khó quên với thầy là, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1985, khi đang làm nghiên cứu sinh về báo chí, tôi đến thăm thầy đang nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với Trường đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (MΓY). Trong câu chuyện tâm tình về thế giới và thời đại mới, bằng sự trải nghiệm trong quá trình nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, và với nhạy cảm chính trị, thầy tỏ ý băn khoăn về con đường tiến lên tiếp theo của đất nước Xô Viết đã có bề dày truyền thống qua 70 năm, nhưng đang có dấu hiệu phát triển không bình thường; rằng sự liên tục thay đổi người đứng đầu, phải chăng có vấn đề phân hóa trong nội bộ Đảng?... Sau này, khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tôi càng thấm thía và trân trọng tầm nhìn của một nhà khoa học xã hội đích thực!

Kính thưa vong linh thầy Lê Mậu Hãn!

Vĩnh biệt thầy, nhưng tất cả chúng tôi cùng với niềm tiếc thương vô hạn, vẫn day dứt, băn khoăn vì tâm nguyện của thầy là khi mất, đưa di hài về mai táng tại quê nhà Quảng Trị, nhưng do đại dịch COVID-19, nhà trường và gia quyến đã chưa thực hiện được hôm nay. Nhưng dù thầy an nghỉ ở nơi đâu, chúng tôi vẫn tin và cầu chúc vong linh thầy siêu thoát, thanh thản nơi cõi âm, bởi bên thầy vẫn như luôn có hàng trăm, hàng ngàn học trò vây quanh với lòng tri ân và thành kính sâu nặng!

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư Lê Mậu Hãn!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Vĩnh biệt Anh hùng lực lượng vũ trang Kostas Saratidis-Nguyễn Văn Lập

Ngọc Hà |

Trong thời gian tham gia Mặt trận Việt Minh, ông Kostas Saratidis, người Hy Lạp, tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Lập, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập được nhiều chiến công.

13 loại chứng chỉ đang được đề xuất cắt giảm cho đội ngũ nhà giáo

Bích Hà |


Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, sẽ có 13/20 chứng chỉ thuộc ngành giáo dục được đề xuất bỏ, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Vĩnh biệt thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh - nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ Mới

Diễm Mi |

Chỉ một thời gian ngắn sau ngày bước sang tuổi 100, thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh từ giã cuộc đời vào sáng 22/11.

Google tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Hoàng Gia |

Trang chủ trình duyệt tìm kiếm lớn nhất thế giới Google hôm nay thay đổi biểu tượng Google Doodles kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.