Trang chủ trình duyệt tìm kiếm lớn nhất thế giới Google hôm nay thay đổi biểu tượng Google Doodles kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Biểu tượng Google Doodles xuất hiện những hình ảnh thân quen của môi trường học đường như bút chì, vở, sách, thước kẻ, máy tính, hành tinh,... là các vật dụng kết nối giữa thầy, cô giáo và các em học sinh với nhau trong học tập.
Trước đó, cũng thông qua Google Doodles, Google nhiều lần tôn vinh nét văn hoá đặc trưng tại Việt Nam, trong đó có ngày Nhà giáo Việt Nam, bên cạnh các ngày lễ, ngày kỷ niệm quan trọng khác như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Quốc khánh,…
Nguồn gốc Ngày Nhà giáo Việt Nam
Vào tháng 1/1946, một tổ chức quốc tế nhà giáo đã được thành lập ở thủ đô nước Pháp lấy tên là FISE (viết tắt của cụm từ Féderation International Syndicale des Enseignants (tạm dịch là Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục).
Năm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương, với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Năm 1953, Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng trở thành là một trong những thành viên của tổ chức FISE, đã quyết định trong cuộc họp của tổ chức FISE từ 26 – 30/08/1957 tại thủ đô Ba Lan.
Và ngày 20/11 /1958 chính là ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, và lần đầu tiên được tổ chức ở toàn miền Bắc của Việt Nam. Vài năm sau, ngày 20/11 được tổ chức ở nhiều vùng giải phóng của miền Nam.
Khi đất nước thống nhất thì ngày 20/11 trở thành ngày truyền thống, diễn ra hàng năm. Vào năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT công nhận ngày 20/11 là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức trọng thể trên khắp cả nước.
(Nguồn: Phụ nữ mới)