Tuy không khỏe mạnh, lành lặn như bao người khác nhưng ông Hoàng Sử (sinh năm 1964), trú tại thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã mạnh mẽ vượt qua nỗi đau, vươn lên hồi sinh cuộc đời mình. Ngày nối ngày, ông đã và đang lặng thầm phấn đấu làm nghìn việc tốt để hỗ trợ những người kém may mắn.
Vượt lên mặc cảm
Lãnh đạo Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh giới thiệu với chúng tôi về ông Hoàng Sử. Cùng lời giới thiệu là những gạch đầu dòng ấn tượng về một cán bộ hội giàu nhiệt huyết. Theo lãnh đạo tỉnh hội, câu chuyện cuộc đời ông Sử chính là nguồn cảm hứng, giúp nhiều người khuyết tật, nạn nhân bom mìn trong tỉnh có thêm nghị lực sống, quyết tâm hồi sinh cuộc đời mình.
Tuy nhiên, khi nói về mình, ông Sử lại khiêm tốn cho rằng những đóng góp đó còn nhỏ bé và bản thân cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Theo dòng ký ức, ông Sử nhớ lại câu chuyện của hơn 45 năm về trước. Bấy giờ, ông Sử mới 12 tuổi. Một lần, trong lúc đang vui đùa với lũ trẻ quê, ông nhặt được một vật lạ. Chưa kịp biết đó là thứ gì thì một tiếng nổ khô khốc vang lên khiến ông Sử ngất lịm. Tỉnh dậy trong bệnh viện, ông đau đớn biết mình đã vĩnh viễn mất đi bàn tay phải.
Sinh ra, lớn lên trong gia đình làm nông, đông anh em nên cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng đối với ông Sử. Là anh trai lớn trong nhà nhưng có thời gian ông Sử không thể cầm cuốc, cầm rựa để phụ giúp ba mẹ. Ngay cả việc học chữ cũng trở nên nhọc nhằn đối với cậu bé khuyết tật. Đó là chưa kể những lời nói vô tình ghim nỗi đau vào tim ông. “Lúc đó, tôi thấy mình như rơi vào hố sâu, tưởng chừng không thể thoát ra được. Tôi ước tất cả chỉ là một giấc mơ và mình không phải là người khuyết tật”, ông Sử kể.
Trong tháng ngày tối đen nhất, ông Sử nhận ra rằng, nếu cứ lún sâu vào mặc cảm, tự ti, bản thân sẽ sống hoài phí. Đó chính là động lực thôi thúc ông tự hồi sinh cuộc đời. Ông Sử bắt đầu làm quen với cái cuốc, cây rựa, ngòi bút… Trên hành trình tìm lại chính mình, động lực lớn nhất đối với ông chính là gặp, rồi đem lòng yêu mến cô gái ở miền quê Triệu Giang Nguyễn Thị Ngâu. Không muốn người mình thương phải chịu khổ, ông Sử lấy nỗ lực để lấp đi khiếm khuyết. Ông làm ruộng, trồng rừng, chăn nuôi… không thua kém người bình thường.
Trước ngày kết hôn, ông Sử tự hứa không để vợ con khổ. Vì thế, dẫu chỉ còn một tay nhưng ông vẫn lo liệu trôi tròn mọi công việc gia đình. Điều khiến ông vui nhất là người vợ thảo hiền luôn đồng cảm, sẻ chia và các con đều chăm ngoan, hiếu học. Cũng nhờ thế mà ông Sử có thêm động lực để vươn lên. Từ đây, cuộc sống gia đình ông sớm ổn định. Ông Sử có điều kiện tốt hơn để cống hiến cho đời.
Tiếp sức cho người kém may mắn
Ông Hoàng Sử nhớ cách đây tầm 15 năm, lãnh đạo xã Triệu Ái lên kế hoạch thành lập Câu lạc bộ Người khuyết tật. Bấy giờ, ông được “chọn mặt gửi vàng”. Nhận lời đề nghị của lãnh đạo xã, ông Sử chấp thuận ngay. Bởi, từ lâu, mong muốn giúp đỡ những người đồng cảnh đã sục sôi trong trái tim ông.
Sau khi nhận nhiệm vụ, ông Sử bắt tay ngay vào việc xây dựng nội quy câu lạc bộ; vận động nguồn quỹ; tổ chức sinh hoạt định kỳ… Kết nối với các tổ chức, dự án, ông đã giúp nhiều người khuyết tật được hỗ trợ vay vốn; nhận quà; khám, chữa bệnh… Kế hoạch hỗ trợ người khuyết tật nuôi bò xoay vòng do cán bộ Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và ông Sử xây dựng đã giúp hàng chục gia đình hội viên có “của để” sau khi được triển khai.
Uy tín được khẳng định từ cơ sở nên không nhiều người ngạc nhiên khi ông Sử được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam và Bảo trợ xã hội huyện Triệu Phong. Trân quý sự tin tưởng, tín nhiệm ấy, ông Sử càng nỗ lực hơn trong công việc.
Hằng ngày, ông không ngại đi đi, về về từ nhà đến cơ quan ngót nghét 20 cây số. Đó là chưa nói đến việc thường xuyên về cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của người khuyết tật, nạn nhân da cam, đối tượng bảo trợ xã hội; truyền thông về Luật Người khuyết tật; cung cấp thông tin liên quan đến chế độ, chính sách cho người khuyết tật…
Vào những hôm mưa to, gió lớn, con đường quen thuộc hằng ngày trở thành thử thách lớn đối với một người khuyết tật như ông Sử. Dẫu vậy, hành trình của ông vẫn luôn bền bỉ. “Người khuyết tật không phải chỉ cần giúp đỡ bằng tiền bạc, quà tặng mà còn rất cần sự quan tâm, thấu hiểu. Đôi khi, chỉ ngồi bên họ, cùng uống tách trà, trò chuyện cũng là giúp đỡ họ về mặt tinh thần rồi”, ông Sử nói.
Từng trải muôn vàn nỗi đau nhưng nhiều lúc ông Sử vẫn phải rơi nước mắt trước những cảnh đời éo le. Ông đã gặp nhiều người khuyết tật sống đơn côi trong căn nhà tồi tàn; những cô cậu bé khát khao biết đi, biết chạy; người mẹ khuyết tật không biết xoay chạy làm sao để con có thể đến trường… Đau đáu với từng hoàn cảnh nên niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là các hội viên, người khuyết tật, nạn nhân da cam, đối tượng bảo trợ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ.
Ông Sử bộc bạch: “Đôi khi thấy các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận quà mà tôi rưng rưng nước mắt. Từ lâu, tôi mong muốn làm nhịp cầu kết nối yêu thương, nay giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực. Vì thế, tôi không cho phép bước chân mình chậm lại”.
Từ ngày làm công tác hội, ông Sử gác sang bên phần lớn công việc gia đình. Cũng như các cán bộ hội khác, đồng lương của ông chỉ đủ để điện thoại, xăng xe… nhưng ông vẫn cảm thấy hạnh phúc. Ông hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhà hảo tâm và đóng góp nhỏ bé của mình cũng như những cán bộ hội khác, sẽ có nhiều người khuyết tật, nạn nhân da cam, đối tượng bảo trợ xã hội vươn lên, hồi sinh cuộc đời.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)