Không may mắn khi bị khuyết chân do dị tật bẩm sinh và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đã khiến nhiều người đau đớn, hụt hẫng, hoang mang và phó mặc cuộc đời mình. Thế nhưng từ khi có được những chân giả do Tổ chức RENEW trao tặng, hàng nghìn người khuyết chân đã vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Quảng Trị từng là tỉnh đứng đầu cả nước về mức độ ô nhiễm bom mìn với tỉ lệ 81,36% diện tích đất bị ô nhiễm. Vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân Quảng Trị. Hàng nghìn người tử vong, bị thương tật vĩnh viễn không thể phục hồi, đặc biệt là khuyết chân, khuyết tay. Từ năm 2008, chương trình “Phục hồi chức năng lưu động” của Tổ chức RENEW đã đem đến hàng nghìn chân giả cho nạn nhân bom mìn, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Những chân giả ấy được ví như điểm tựa, chiếc phao cứu sinh giúp cho người khuyết tật chân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Đặng Quang Toàn, Quản lý chương trình hỗ trợ nạn nhân, người khuyết tật Dự án RENEW tại tỉnh Quảng Trị cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, Tổ chức RENEW đã trao tặng hơn 2.500 vật dụng, xe lăn, xe đẩy, đặc biệt là tay và chân giả cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp người khuyết tật có thêm niềm tin, động lực để vượt qua khó khăn vươn lên hòa nhập với cộng đồng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển chương trình này và nỗ lực thực hiện lắp chân, tay giả tại cộng đồng để thuận tiện cho người dân bị khuyết tay, chân. Đồng thời kết nối với các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ thêm sinh kế cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn trên địa bàn toàn tỉnh”.
Cách đây gần 10 năm, trong một lần đào hố trồng cà phê không may trúng bom bi phát nổ đã khiến Hồ Văn Y, 27 tuổi, ở thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa bị mất đi chân bên phải. Cảm giác đau đớn, bất lực vì đôi chân đã không còn lành lặn khiến Y rơi vào khủng hoảng trong một thời gian dài. Thế nhưng, may mắn đã mỉm cười khi Hồ Văn Y được Tổ chức RENEW hỗ trợ chân giả để đi lại vào năm 2014.
Chiếc chân giả ấy đã đem đến cho Y những điều tốt đẹp trong cuộc sống, Y cưới được vợ, lập gia đình, lao động sản xuất tốt, chăn nuôi đàn bò, dê rất hiệu quả. Từ sự kết nối, hỗ trợ đôi chân giả, Dự án RENEW cũng đã hỗ trợ Y một ngôi nhà mới khang trang, tặng thêm bò, dê tạo sinh kế cho đôi vợ chồng trẻ. Cuộc sống của cậu bé thương tật ngày nào giờ đã đổi thay rõ nét.
“Từ khi được Tổ chức RENEW lắp chân giả, xây nhà mới, tặng dê, bò để tạo sinh kế khiến cuộc sống gia đình mình thay đổi hẳn. Mình không còn tự ti, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội nữa mà thay vào đó là cuộc sống ngập tràn hạnh phúc, ấm no với bao hoài bão tương lai sắp thành hiện thực”, Hồ Văn Y vui vẻ nói.
Không may mắn như bao người khác, từ nhỏ Hồ Văn Lung, 24 tuổi, ở thôn Ro Ró, xã A Vao, huyện Đakrông đã bị dị tật bẩm sinh khiến đôi chân cứ teo dần buộc phải phẫu thuật cắt bỏ. Không thể đi lại, sinh hoạt thường ngày rất khó khăn khiến Lung nhiều lần rơi vào tuyệt vọng. Thấu hiểu hoàn cảnh của em, cách đây khoảng 10 năm, Tổ chức RENEW đã hỗ trợ lắp cho em một đôi chân giả và sau này còn xây dựng thêm chuồng trại, tặng 4 con dê giống để Lung phát triển kinh tế.
Từ khi có đôi chân giả, Hồ Văn Lung rất vui và đã biết vực dậy cuộc đời mình với nhiều việc làm ý nghĩa, hiệu quả. Dù tập tễnh trong từng bước đi nhưng đôi chân giả đã cho Lung động lực và quyết tâm chiến thắng bản thân mình. Lung đã chọn vùng đồi Cơn Mung để lập trang trại phát triển theo mô hình VAC. Hiện nay, trang trại ấy của Lung đang dần phát triển có hiệu quả. “Em không chỉ được Tổ chức RENEW lắp cho đôi chân giả mà còn được các tổ chức, cá nhân tặng dê, bò giống để phát triển trang trại như mơ ước. Em đã không còn là gánh nặng cho mọi người và xã hội nữa. Nay mai đây em sẽ tự chủ được cuộc sống của mình và sẽ thực hiện được ước mơ về một gia đình nhỏ, mái nhà sàn bình yên bên ngọn đồi lộng gió”, Hồ Văn Lung lạc quan tâm sự.
Năm 1995, chân trái bị mất do tai nạn bom mìn đã khiến chị Hồ Thị Bình, 44 tuổi, ở khóm Làng Cát, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông rơi vào hoảng loạn. Kể từ đó, chị sống khép mình trong khuôn viên căn nhà sàn nhỏ với tâm trạng u sầu, tự ti, mặc cảm. Cách đây khoảng 10 năm, khi được Tổ chức RENEW hỗ trợ lắp chân giả để đi lại khiến chị vỡ òa sung sướng. Có thể đi lại trên đôi chân giả của mình, chị bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm để thay đổi cuộc đời mình theo hướng tích cực. Chị mạnh dạn tham gia các phong trào phụ nữ, hòa nhập với mọi người và hơn nữa là tự lao động để nuôi sống bản thân mình. Chị Bình đã xây được cho mình một căn nhà ấm cúng và trồng nhiều hoa trong vườn để cuộc sống thêm thi vị, ý nghĩa.
Bây giờ, chị Hồ Thị Bình không chỉ biết sống, nghĩ cho riêng mình mà còn thấu hiểu sự vất vả, sẵn sàng sẻ chia khó khăn, tiếp thêm niềm tin, nghị lực sống cho những người cùng cảnh ngộ. Chị mong muốn những người không may mắn như chị có thể nhận được sự hỗ trợ thiết bị, chân tay giả ở cộng đồng để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 37.000 người khuyết tật, trong đó có hơn 2.000 người khuyết chân. Những năm qua, sự nỗ lực, quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đơn vị và các tổ chức phi chính phủ đã mang đến hàng nghìn đôi chân giả giúp những người khuyết chân từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)