“Mẹ đỡ đầu” thắp lên niềm hy vọng

Quang Hiệp |

Tuy mới triển khai nhưng chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hỗ trợ các em nhỏ mồ côi do COVID-19 đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao. Bước khởi đầu thuận lợi ấy là động lực to lớn thôi thúc cán bộ, hội viên Hội LHPN tỉnh Quảng Trị nỗ lực hơn nữa để tìm những người mẹ thứ 2 cho các em nhỏ trên địa bàn không may mất đi vòng tay yêu thương vì đại dịch.

Nỗi đau trong mùa dịch

Từ tỉnh Bình Dương, em Hoàng Thị Thùy Linh, Hoàng Ngọc Phúc và Hoàng Ngọc Phước vừa theo ba là Hoàng Ngọc Sỹ trở về quê. Chuyến hồi hương này đầy nước mắt bởi vắng vòng tay của người mẹ. Chỉ 21 ngày sau khi được phát hiện mắc COVID-19, vợ anh Sỹ đã trút hơi thở cuối cùng nơi đất khách, quê người. Trong thời điểm nguy kịch, các bác sĩ buộc phải mổ cứu thai nhi 7 tháng tuổi. Thế là, cậu bé Hoàng Ngọc Phước chào đời trong vội vã, không biết thế nào là hơi ấm, dòng sữa của mẹ. Mỗi lần thấy dòng nước mắt của ba cùng em út hòa vào nhau, em Hoàng Thị Thùy Linh, bị câm, điếc bẩm sinh và Hoàng Ngọc Phúc, chưa đầy 4 tuổi chỉ biết khóc theo. Nước mắt của 4 ba con dường như cạn dần theo ngày tháng nhưng không thể đưa người vợ, người mẹ trở về. “Sau khi về quê, tôi nhờ mẹ già chăm hộ các cháu để đi làm phụ hồ, kiếm tiền ăn qua ngày. Thế nhưng, công việc bấp bênh, thu nhập thấp khiến cuộc sống rơi vào khó khăn”, anh Sỹ dốc lòng.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà (ngoài cùng, phía bên trái) trao biển nhận đỡ đầu cho 3 người con của anh Hoàng Ngọc Sỹ - Ảnh: HPN
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà (ngoài cùng, phía bên trái) trao biển nhận đỡ đầu cho 3 người con của anh Hoàng Ngọc Sỹ - Ảnh: HPN

Ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, chị Hồ Thị Lương và các con có chung hoàn cảnh khi người chồng, người cha của họ mất vì COVID-19. Chồng chị Lương là bệnh nhân 832, từng điều trị tại tầng 6, nhà G, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bản thân mắc nhiều bệnh nền nên anh không đủ sức chống chọi với con vi rút gây ra nỗi ám ảnh trên toàn cầu. Ngày nhận được hung tin từ bệnh viện, chị Lương như ngã quỵ. Chị vừa thương chồng, vừa xót xa cho 3 đứa con phải lâm cảnh mồ côi khi chưa kịp lớn.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình. Mục tiêu mà hội đặt ra là đảm bảo 100% trẻ mồ côi do COVID-19 trên địa bàn sẽ có “mẹ đỡ đầu”. Các cán bộ, hội viên có thể trở thành “mẹ đỡ đầu” hoặc kết nối tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ trẻ. Việc hỗ trợ các em nhỏ mồ côi có thể tiến hành một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hội phụ nữ địa phương. Ngoài các trường hợp mất ba, mẹ do COVID-19, trẻ mồ côi gặp khó khăn vì dịch bệnh cũng được hội đưa vào diện cần quan tâm, hỗ trợ.

Sau khi xuất hiện tại Việt Nam, COVID-19 đã lây lan, bùng phát nhanh, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân. Ở Quảng Trị, theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 2/2022, trên địa bàn có 11 trường hợp tử vong do COVID-19. Các bệnh nhân COVID-19 qua đời để lại nỗi đau lớn cho người thân, khiến nhiều em nhỏ chịu cảnh mất ba, mất mẹ và cả tuổi thơ êm ấm. Vì hoàn cảnh khó khăn, một số em đứng trước nguy cơ bỏ học. Thực tế ấy cũng chính là nỗi trăn trở của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, trong đó có cán bộ, hội viên Hội LHPN tỉnh.

Tìm “mẹ đỡ đầu” cho em thơ

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà cho biết, dịp Tết vừa qua, cán bộ hội đã trực tiếp đến thăm, tặng quà cho gia đình anh Hoàng Ngọc Sỹ và gia đình chị Hồ Thị Lương. Đặc biệt, thông qua sự vận động của hội, 3 người con của anh Sỹ đã được gia đình chị Phan Thị Quỳnh Như ở Hà Nội nhận đỡ đầu. Hằng tháng, các cháu được “mẹ đỡ đầu” hỗ trợ 3 triệu đồng. Chị Trần Thị Thanh Hà cho biết: “3 người con của anh Sỹ là những em nhỏ đầu tiên ở Quảng Trị được hội kết nối để có “mẹ đỡ đầu”. Đến thăm, trao tiền hỗ trợ cho các cháu, chúng tôi cảm nhận niềm tin và hy vọng được nhen lên trong những đôi mắt trẻ thơ. Đó là động lực để hội nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tìm “mẹ đỡ đầu” cho các em nhỏ không may rơi vào cảnh mồ côi do COVID-19”.

Là cán bộ hội và cũng là một người mẹ, từ trước đến nay, chị Hà cùng nhiều cán bộ, hội viên khác rất quan tâm đến việc thăm hỏi, động viên, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, các em thuộc diện mồ côi nhận được sự quan tâm lớn từ hội. Vì thế, khi nắm thông tin về việc một số em nhỏ mồ côi ba, mẹ do COVID-19, chị Hà và các cán bộ, hội viên khác rất đau lòng. Bằng nhiều cách, cán bộ, hội viên Hội LHPN tỉnh đã có những việc làm ý nghĩa để giúp đỡ các em. Dẫu vậy, nỗi trăn trở trong lòng họ vẫn khôn nguôi. Họ biết rằng, để lấp dần “chỗ trống” trong lòng các em cần sự chung tay của nhiều người trong thời gian dài.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình chị Hồ Thị Lương (thứ 2, từ trái sang) - Ảnh: HPN
Cán bộ Hội LHPN tỉnh đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình chị Hồ Thị Lương (thứ 2, từ trái sang) - Ảnh: HPN

Điều đáng mừng là tuy mới được triển khai nhưng chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao. Cán bộ hội nhanh chóng nắm bắt thông tin, tìm hiểu hoàn cảnh trẻ mồ côi trên địa bàn, đặc biệt là các em nhỏ mất ba, mẹ do COVID-19. Theo số liệu thống kê ban đầu, toàn tỉnh có hơn 1.000 trẻ mồ côi, trong đó có khoảng 200 em mất cả ba lẫn mẹ. Hiện tại, cán bộ hội đang từng ngày theo dõi tình hình, thông tin về dịch bệnh trên địa bàn để nắm bắt, sớm cập nhật các trường hợp trẻ mất ba, mẹ vì COVID-19. Cùng với đó, cán bội, hội viên Hội LHPN tỉnh đã và đang tích cực tìm kiếm “mẹ đỡ đầu” cho trẻ mồ côi bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Được biết, công việc từ trái tim này bước đầu đã có những tín hiệu khả quan.

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà, sau khi vận động được các tổ chức, cá nhân hảo tâm đồng ý làm “mẹ đỡ đầu” cho trẻ mồ côi gặp khó khăn do COVID-19, đặc biệt là các em nhỏ có ba, mẹ tử vong vì dịch bệnh, hội sẽ tổ chức một chương trình để “mẹ đỡ đầu” gặp con. Từ nay đến thời điểm tổ chức chương trình kể trên, cán bộ, hội viên Hội LHPN tỉnh sẽ dồn toàn tâm, toàn sức để đạt được mục tiêu đề ra. “Chúng tôi tin tưởng, tình thương, trách nhiệm của “mẹ đỡ đầu” sẽ giúp xoa dịu nỗi đau, thắp lên niềm hy vọng trong lòng các em nhỏ đã và đang mang vết thương lòng do đại dịch”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà nói như dốc cả lòng mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đường sáng của em gái khiếm thị Kim Chi

Tây Long |

Không có đôi mắt sáng như bao người, cuộc sống em Phạm Thị Kim Chi (sinh năm 2003), ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chìm trong bóng tối của sự mặc cảm, tự ti và rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng với nỗ lực phi thường, Kim Chi đã tìm được con đường sáng cho mình. Mới đây, em đoạt giải Nhất hội thi “Đọc, viết nhanh chữ Braille” do Hội Người mù tỉnh tổ chức.

Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

Hiếu Giang |

Với sự năng động, sáng tạo, những năm qua, anh Phạm Bá Huy (33 tuổi), Bí thư Chi đoàn thôn An Nhơn, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) không chỉ có nhiều đóng góp cho hoạt động, phong trào đoàn mà còn cần cù chịu khó, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình.

Thầy mẫu giáo mến thương ở A Ngo

Hiếu Giang |

Là giáo viên nam hiếm hoi hiện đang giảng dạy bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thầy giáo Hoàng Đình Lộc, 26 tuổi, Trường Mầm non A Ngo (xã A Ngo, huyện Đakrông) với tình yêu nghề, mến trẻ, đang ngày ngày dành tâm huyết nuôi dạy con em của bản làng.

“Mẹ hiền” của trẻ mồ côi

Nguyên Đồng |

Không chỉ được biết đến là người “giữ lửa hạnh phúc” gia đình, hạt nhân tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, hội viên phụ nữ huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) còn đảm trách thêm vai trò “mẹ hiền” của những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi tham gia chương trình đỡ đầu cho trẻ mồ côi do Hội LHPN tỉnh phát động.