Đường sáng của em gái khiếm thị Kim Chi

Tây Long |

Không có đôi mắt sáng như bao người, cuộc sống em Phạm Thị Kim Chi (sinh năm 2003), ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chìm trong bóng tối của sự mặc cảm, tự ti và rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng với nỗ lực phi thường, Kim Chi đã tìm được con đường sáng cho mình. Mới đây, em đoạt giải Nhất hội thi “Đọc, viết nhanh chữ Braille” do Hội Người mù tỉnh tổ chức.

Nhìn Chi miệt mài bên chiếc bảng, con cắm và những chấm chữ li ti với gương mặt sáng bừng hạnh phúc, ít ai nghĩ, em từng trải qua nhiều ngày tăm tối. Lúc Kim Chi ra đời, ba mẹ em khóc cạn nước mắt. Trước Chi, anh trai của em cũng không có đôi mắt sáng như những đứa trẻ bình thường khác. Kim Chi lớn lên với suy nghĩ, mọi thứ xung quanh mình đều có màu đen. Chỉ khi nghe lũ trẻ quanh xóm trêu chọc, bảo Chi bị mù thì làm sao thấy được thế giới đầy màu sắc, lúc ấy em mới xót xa cảm nhận được sự thiệt thòi của mình. Cũng từ đó Chi chìm trong tự ti, mặc cảm. Giữa tháng ngày ấy, sự xuất hiện của cán bộ Hội Người mù tỉnh như tia sáng ấm áp chiếu vào cuộc đời em. Được sự thuyết phục của cán bộ hội, Kim Chi quyết định rời ngôi nhà thân quen để về TP. Đông Hà học chữ.

Em Phạm Thị Kim Chi miệt mài bên những chấm chữ Braille - Ảnh: T.L
Em Phạm Thị Kim Chi miệt mài bên những chấm chữ Braille - Ảnh: T.L

Chi còn nhớ rất rõ những ngày đầu về thành phố sống, hôm nào em cũng khóc. Việc học chữ Braille khó hơn nhiều so với tưởng tượng của em. Có lần, ba mẹ về thăm, Chi níu chặt áo đòi lên nhà. Nhờ các cán bộ, giáo viên ở Hội Người mù tỉnh động viên, em dần dần làm quen với môi trường mới. Rồi càng học, tình yêu những chấm chữ Braille càng lớn lên trong Kim Chi. Nhiều hôm Chi say đọc, viết đến mức quên cả bữa cơm. Chữ Braille cũng đã mở lối, giúp Kim Chi thuận tiện hơn khi học vi tính.

6 năm làm bạn với những chấm chữ Braille dưới mái nhà Hội Người mù tỉnh và Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh, Chi luôn gây bất ngờ với các thầy cô. Ai cũng khen em thông minh, nhanh nhẹn, lại rất chăm chỉ học hành. Dẫu vậy, khi bước vào học với các bạn có đôi mắt sáng, Kim Chi vẫn rất lo lắng. Trước Chi, một số học sinh khiếm thị đã bị kỳ thị, xa lánh đến mức muốn bỏ học. Điều Kim Chi rất mừng là ngay ngày đầu đến với Trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Đông Hà, em đã nhận được rất nhiều tình yêu thương. Biết về hoàn cảnh của Chi, thầy cô và các bạn đều quan tâm, giúp đỡ. Nhờ thế, em nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm đuổi kịp các bạn và thường xuyên được nhà trường tuyên dương, khen thưởng.

Việc được dạy dỗ, học hành bài bản đã giúp Chi thêm tự tin khi tham gia hội thi “Đọc, viết nhanh chữ Braille” do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Cô bé khiếm thị vượt qua các vòng thi trong sự ngạc nhiên, tán thưởng của nhiều người. Vì thế, không ai bất ngờ khi Kim Chi xuất sắc giành giải Nhất. “Đây là giải thưởng có ý nghĩa đặc biệt đối với em. Nó giúp em tự tin hơn với con đường đã chọn”, Kim Chi chia sẻ.

Mỗi lần nhìn lại chặng đường đã qua, Chi đều cảm thấy mình rất may mắn bởi nhận được nhiều tình yêu thương. Đó là động lực giúp Kim Chi thêm nỗ lực trong học tập, rèn luyện để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chi mong muốn sau này trở thành một giáo viên dạy chữ Braille để có thể giúp nhiều em nhỏ khiếm thị tìm được con đường sáng như mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thầy mẫu giáo mến thương ở A Ngo

Hiếu Giang |

Là giáo viên nam hiếm hoi hiện đang giảng dạy bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thầy giáo Hoàng Đình Lộc, 26 tuổi, Trường Mầm non A Ngo (xã A Ngo, huyện Đakrông) với tình yêu nghề, mến trẻ, đang ngày ngày dành tâm huyết nuôi dạy con em của bản làng.

Người lan tỏa những thanh âm hạnh phúc

Trương Quang Hiệp |

Từ ngày bén duyên với âm nhạc, chiếc kèn clarinet và saxophone gắn bó với Phan Lê Hiếu như hình với bóng. Dù được đào tạo, trưởng thành và gặt hái nhiều giải thưởng nhưng nghệ sĩ trẻ người Quảng Trị này vẫn miệt mài học tập để tìm sự “ưu tú” trong âm nhạc.

Nghị lực đáng nể của người đàn ông Vân Kiều bị khiếm thị

Trường Sơn |

Đó là anh Hồ Văn Xút (40 tuổi, trú tại thôn Hoong Mới, Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị) không may mắn, bị mù bẩm sinh, không nhìn thấy ánh sáng nhưng anh đã vượt lên bản thân mình, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

“Thùng phiếu di động” phục vụ người già, tàn tật bỏ phiếu ở Hướng Lập

Phan Quang |

Lúc 14h ngày 23/5, UBND xã Hướng Lập  (Hướng Hoá, Quảng Trị) cho biết, địa phương đã hoàn thành bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.