Từ ngày bén duyên với âm nhạc, chiếc kèn clarinet và saxophone gắn bó với Phan Lê Hiếu như hình với bóng. Dù được đào tạo, trưởng thành và gặt hái nhiều giải thưởng nhưng nghệ sĩ trẻ người Quảng Trị này vẫn miệt mài học tập để tìm sự “ưu tú” trong âm nhạc.
Mở lối đi riêng
Bản La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông nằm giữa đại ngàn. Quay quắt với đói nghèo nên những món ăn tinh thần như âm nhạc là thứ xa xỉ đối với người dân nơi đây. Vì thế, khi lần đầu tiên lắng nghe tiếng saxophone của nghệ sĩ Phan Lê Hiếu, (sinh năm 1991), bà con rất lạ lẫm. Lạ nhưng ai cũng muốn nghe hoài, nghe mãi dẫu những bộn bề của cuộc sống đang đuổi phía sau lưng họ. Khi biết nghệ sĩ trẻ lên miền rừng phục vụ bà con là người Quảng Trị, vừa trở về từ nước Nga xa xôi và hiện đang sinh sống, hoạt động nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, dân bản càng trân quý. Ai cũng mong anh sớm trở lại.
Trong vòng tay yêu thương của mọi người, Hiếu chia sẻ, đây là một trong những buổi biểu diễn đáng nhớ nhất của mình trên đất quê hương. Sinh ra, lớn lên ở Quảng Trị nhưng Hiếu sớm rời xa nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Cách đây khoảng 15 năm, khi còn là học sinh THPT, Hiếu vô tình gặp thầy của anh trai, là một trưởng khoa ở Học viện Âm nhạc Huế. Thấy Hiếu đam mê âm nhạc, ông thuyết phục ba mẹ cho cậu thi vào học viện. Từ đó, cuộc đời Hiếu bắt đầu chuyển hướng. “Tôi là con trai út, thời điểm đó còn nhỏ nên khi tiễn tôi lên đường đi thi, rồi bước vào học viện, ba mẹ không mấy yên tâm”, Hiếu bồi hồi nhớ lại.
Vậy nhưng dẫu trong mơ, ba mẹ Hiếu cũng không ngờ cậu con trai tưởng chừng còn quá non nớt của mình lại hòa nhập nhanh với cuộc sống xa nhà và môi trường âm nhạc. Ngoài những giờ học kèn clarinet, Hiếu còn mua saxophone về mày mò tự học. Chẳng biết từ bao giờ thanh âm của hai loại nhạc cụ này trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Hiếu. Mỗi dịp hè, trong khi bạn bè lên kế hoạch cho những chuyến du lịch, nghỉ ngơi, cậu lại khăn gói ra Hà Nội để tìm thầy chỉ dạy hoặc về quê để truyền cảm hứng cho các bạn nhỏ ở Nhà thiếu nhi tỉnh. Mong muốn học tập nhiều hơn nên sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế, Hiếu tiếp tục thi vào hệ trung cấp, rồi đại học của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Độc lập tìm lối đi nên lẽ dĩ nhiên, Hiếu gặp rất nhiều thử thách. Để lo liệu việc học, cậu phải làm đủ thứ nghề như bồi bàn, pha chế, đầu bếp… Thỉnh thoảng, Hiếu chông chênh bởi không biết tương lai sẽ ra sao, liệu có thể sống được với chuyên ngành mình theo học hay không? Mỗi lúc như thế, Hiếu lại tìm đến Nhà hát lớn Hà Nội, xem những buổi biểu diễn và nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trong tâm trí mình. Nhờ sự nghiêm túc với nghệ thuật, năm 2015, Hiếu đỗ thủ khoa vào Khoa Kèn gõ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Với kết quả xuất sắc, cậu vinh dự nhận học bổng sang Nga, theo học tại Đại học Quốc gia Kursk.
Chinh phục “giấc mơ Nga”
Đến giờ, nghệ sĩ trẻ Phan Lê Hiếu không thể nhớ hết số cuộc thi và giải thưởng mình từng đạt được tại Nga. Bao giờ cũng vậy, cậu luôn được xếp thứ hạng cao trong các cuộc thi mà mình góp mặt. Đó là điều mà Hiếu chưa bao giờ dám nghĩ đến vào những ngày đầu đặt chân tới đất nước xinh đẹp này. Bởi lẽ, riêng học một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ đã là thử thách lớn đối với Hiếu. Cậu phải học ngày, học đêm, tự tìm đến nơi công cộng để có cơ hội giao tiếp nhiều hơn với người địa phương. Chính sự quyết tâm, nỗ lực đã giúp Hiếu sớm hòa nhập với môi trường mới và rồi chinh phục những môn học đại cương được đánh giá là khó.
Chỉ sau chưa đầy một năm sang Nga, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo đối với Hiếu. Bước vào học chuyên ngành, Hiếu như cá được thả về với nước. Cậu trưởng thành từng ngày dưới sự dìu dắt tận tình của các giảng viên tài năng, tâm huyết. Từ không mấy chú ý, những người bạn cùng lớp bắt đầu quan tâm đến Hiếu, rồi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Không chỉ đạt điểm số cao, tiếng kèn của Hiếu cũng ngày càng quyến rũ, đi sâu vào lòng người. Năm 3 đại học, chàng trai người Quảng Trị đã chinh phục “giấc mơ Nga” với việc lọt vào top 100 sinh viên xuất sắc của trường.
Quãng thời gian xa quê hương, trải nghiệm quý giá nhất đối với Hiếu là các cuộc thi. Ngay năm đầu tiên sang Nga, giảng viên đã trao cho Hiếu cơ hội tham gia một cuộc thi cấp thành phố dành cho sinh viên ngành nghệ thuật. Biết đối thủ của mình đến từ nhiều quốc gia, được đào tạo bài bản, ngoài tự tập luyện, Hiếu còn tìm một giảng viên nhờ đệm đàn piano để tiết mục biểu diễn của mình thêm phần lôi cuốn. Khó khăn lớn nhất là bấy giờ Hiếu mới bập bõm tiếng Nga, còn giảng viên lại không sành tiếng Anh. Nhờ sự đồng điệu trong tâm hồn, cả hai mới tìm được tiếng nói chung và cuối cùng tiết mục đã đoạt giải nhì tại cuộc thi. Chính giải thưởng đầu tiên ở nước bạn đã tiếp thêm động lực, sự tự tin cho Hiếu. Về sau, cậu tham gia nhiều cuộc thi quy mô lớn, hội tụ nhiều anh tài, tính cạnh tranh cao hơn và thường xuyên đứng đầu. Hình ảnh của Hiếu không ít lần xuất hiện trên những tấm giấy khen, pa nô, tờ rơi của các cuộc thi âm nhạc uy tín.
Luôn mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn nên Hiếu không đóng khung mình trong phòng tập và giảng đường. Cậu luôn tranh thủ thời gian để tham gia các buổi biểu diễn. Không chỉ trên sân khấu lớn, Hiếu đưa chiếc kèn clarinet, saxophone đi muôn nơi, từ đường phố, trung tâm thương mại… tới bar. Cậu không ngại rời ban nhạc, một mình một kèn chinh phục khán giả. Tuy nhiên, dù ở đâu, xuất hiện với ai, niềm vui lớn nhất của Hiếu là được thể hiện những nhạc khúc Việt Nam. Hiếu kể: “Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi là lần thể hiện ca khúc “Miền Nam quê hương ta ơi” của nhạc sĩ Huy Du. Lúc đó, tôi xuất hiện một mình trên sân khấu. Sau khi thả hồn vào bản nhạc, mở mắt ra tôi thấy mọi người đều đứng dậy vỗ tay. Đó là một cảm xúc khó thể hiện hết bằng lời. Sau này, trong các buổi biểu diễn, tôi luôn ưu tiên chọn lựa những nhạc khúc Việt Nam”.
Đi tìm sự “ưu tú” trong âm nhạc
Tốt nghiệp Đại học Quốc gia Kursk loại xuất sắc, Hiếu trở về nước trong vòng tay chào đón của mọi người. Rất nhanh sau đó, Hiếu đã xuất hiện trong nhiều chương trình, buổi biểu diễn nghệ thuật lớn. Bận rộn với công việc nhưng cậu vẫn dành thời gian trở về Quảng Trị, phục vụ khán giả quê nhà. Nhận được nhiều yêu thương, thanh âm từ chiếc kèn clarinet, saxophone của Hiếu càng làm xao xuyến lòng người. “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi tiếng kèn của mình được nhiều người, trong đó có giới chuyên môn và cả bà con vùng cao yêu thích. Điều này giúp tôi tự tin hơn, thêm quyết tâm thực hiện ước mơ lan tỏa những thanh âm hạnh phúc đến với muôn người, đến với muôn nơi”, Hiếu chia sẻ.
Đến giờ, Hiếu có thể chơi gần 10 loại nhạc cụ. Trong đó, cậu đã làm bạn với clarinet 13 năm, saxophone 12 năm, trumpet 7 năm… Trưởng thành ở lò đào tạo lớn trong và ngoài nước, lại nhiều năm gắn bó với các loại nhạc cụ hiếm người đủ tài năng, đam mê, sự kiên trì để theo đuổi nhưng Hiếu vẫn chưa bao giờ cho rằng, những thứ mình đang sở hữu là đủ. Cậu nghĩ, bản thân chỉ mới vượt qua chặng đầu tiên trên con đường đi tìm sự “ưu tú” trong âm nhạc.
Suy nghĩ ấy đã thôi thúc Hiếu luôn nỗ lực tìm kiếm những người thầy, người bạn tài năng. Hiếu kể, cách đây tầm 3 năm, hay tin nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn sang Nga biểu diễn, cậu đã vượt gần 600 km đến thủ đô với hy vọng có dịp gặp gỡ, chuyện trò và học hỏi kinh nghiệm từ người nghệ sĩ nổi tiếng này. Sau này, khi cậu về nước, chính nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn là người dìu dắt, giúp Hiếu có thêm nhiều cơ hội. Gần đây, sau khi vào TP. Hồ Chí Minh hoạt động nghệ thuật, Hiếu cũng đã có duyên hợp tác với nghệ sĩ beatbox Trần Thái Sơn. Hai chàng trai người Quảng Trị đang ấp ủ những kế hoạch, dự án hứa hẹn rất mới mẻ, thú vị.
Thực tế, con đường nghệ thuật chưa bao giờ bằng phẳng, dễ dàng. Trên con đường này, sự đào thải buộc những nghệ sĩ trẻ như Hiếu cần chạy hết tốc lực mới có thể sống được với đam mê. Thử thách nhân lên khi Hiếu luôn xác định, phải dành nhiều thời gian, công sức để tiếp tục học tập, trau dồi, vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp âm nhạc. Tuy nhiên, chàng trai dành cả thanh xuân của mình cho âm nhạc này vẫn luôn tin tưởng những điều tốt đẹp đang chờ đợi mình ở phía trước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)