“Mẹ hiền” của trẻ mồ côi

Nguyên Đồng |

Không chỉ được biết đến là người “giữ lửa hạnh phúc” gia đình, hạt nhân tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, hội viên phụ nữ huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) còn đảm trách thêm vai trò “mẹ hiền” của những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi tham gia chương trình đỡ đầu cho trẻ mồ côi do Hội LHPN tỉnh phát động.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN tỉnh Quảng Trị phát động được triển khai từ tháng 11/2021. Đối tượng của chương trình là trẻ mồ côi do COVID- 19 hoặc trẻ mồ côi do cha/mẹ mất vì nguyên nhân khác nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh (mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ, không nơi nương tựa, hoặc có người nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn). Thời gian đỡ đầu đến khi trẻ đủ 18 tuổi. Sau khi tiếp nhận hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh khẩn trương phối hợp với cơ sở, chính quyền địa phương tổ chức rà soát và lập danh sách trẻ em mồ côi trên địa bàn.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết cho biết, đến cuối năm 2021, qua rà soát ở các xã, thị trấn có trên 60 trẻ mồ côi cần giúp đỡ về chi phí sinh hoạt hằng ngày, học tập, tiền học phí. Mặc dù số trẻ mồ côi cần được hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng do tác động trực tiếp bởi COVID-19 không nhiều nhưng từ ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình này mà đơn vị quyết định tiến hành các phần việc thiết thực nhằm tương trợ kịp thời cho các đối tượng trong diện được rà soát. Cũng chính vì lẽ đó mà chương trình đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của toàn thể cán bộ, hội viên.

Em Lê Thị Thu Huyền nhận nguồn bảo trợ từ tấm lòng nhân ái của cán bộ, hội viên phụ nữ thị trấn Hồ Xá - Ảnh: N.Đ
Em Lê Thị Thu Huyền nhận nguồn bảo trợ từ tấm lòng nhân ái của cán bộ, hội viên phụ nữ thị trấn Hồ Xá - Ảnh: N.Đ

Vào một ngày cuối tuần, theo giới thiệu của chị Tuyết, chúng tôi đến thôn Trường Tiên, xã Vĩnh Hà để tìm gặp em Trịnh Thị Phương Thảo (sinh năm 2005), hiện đang học lớp 10 tại Trường THCS & THPT Bến Quan. Trong ngôi nhà đơn sơ, Thảo cùng người mẹ khuyết tật niềm nở đón tiếp chúng tôi. Chị Trịnh Thị Hoa - mẹ Thảo chia sẻ: “Thảo là người con duy nhất của tôi, cách đây không lâu, chẳng may bố cháu bị bạo bệnh qua đời. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bản thân tôi lại bị khuyết tật, một mình gồng gánh nuôi cháu ăn học. Thực sự lúc đó cuộc sống quá khó khăn, thậm chí bế tắc trong việc lo cho cháu đủ ăn, đủ mặc và còn cả học tập nữa. Chúng tôi rất may mắn vì luôn nhận được sự trợ giúp của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, nhất là hội phụ nữ các cấp. Hai mẹ con tôi từng bước vượt qua khó khăn, vất vả trong sự sẻ chia, yêu thương của cả cộng đồng”.

Được biết, ngay từ khi còn nhỏ Thảo rất ham học. Tuy nhiên, vì không muốn đôi vai của mẹ ngày thêm nặng gánh, em đã nhiều lần có ý định nghỉ học để đỡ đần mẹ. Thấu hiểu được tấm lòng thơm thảo của em và hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN xã Vĩnh Hà đã kêu gọi, vận động toàn thể cán bộ, hội viên nhận bảo trợ Thảo với mức hỗ trợ 800 ngàn đồng/năm. Với một xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn thì đây là số tiền không nhỏ, thể hiện tấm lòng của toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ Vĩnh Hà hướng về gia cảnh đáng thương của 2 mẹ con chị Hoa. Con đường đến trường của Thảo cũng như cuộc sống của gia đình chị Hoa nhờ vậy vơi bớt nhọc nhằn.

Muốn tìm hiểu sâu hơn về sức lan tỏa của chương trình này, chúng tôi tiếp tục đến thăm em Lê Thị Thu Huyền (sinh năm 2006), ở Khu phố 9, thị trấn Hồ Xá. Huyền thuộc đối tượng mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện ở cùng bà nội và đang học lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Linh. Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hồ Xá Lê Thị Đông chia sẻ, ngoài kêu gọi bảo trợ mức 1,2 triệu đồng/năm, cán bộ, hội viên phụ nữ thị trấn Hồ Xá còn thường xuyên đến thăm, trao áo quần, dụng cụ học tập để động viên tinh thần, khuyến khích Huyền vươn lên học tốt. Từ tình cảm chân thành của chị em hội viên, Huyền dần hòa đồng và bây giờ xem cán bộ, hội viên phụ nữ thị trấn Hồ Xá như những người mẹ, luôn chia sẻ, lắng nghe và đồng hành với em trong mọi hoạt động của cuộc sống thường ngày.

Theo khảo sát, hiện nay toàn huyện Vĩnh Linh có khoảng 300 trẻ em gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần 2.000 trẻ em nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với toàn xã hội, thời gian qua, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động hướng đến đối tượng trẻ em thuộc diện đặc biệt khó khăn và cả trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài công tác xã hội hóa, hội LHPN các cấp ở huyện Vĩnh Linh đã thực hiện nhiều mô hình tiết kiệm để huy động nguồn lực nhằm trợ giúp các em và gia đình. Tiêu biểu có mô hình “Gom ve chai vì phụ nữ nghèo”, “Rửa xe gây quỹ”, “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương” trao tặng các mô hình kinh tế, cây, con giống… Ngoài ra, với mục đích chăm sóc, bảo vệ để trẻ phát triển một cách toàn diện, tránh khỏi nguy cơ bị bạo hành, bóc lột sức lao động, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh còn phối hợp thành lập và nhân rộng nhiều mô hình, câu lạc bộ hữu ích, như: “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; câu lạc bộ “Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống xâm hại tình dục”; phòng chống bạo lực trong gia đình, học đường, xã hội… Trong đó tập trung quan tâm, ưu tiên cho trẻ em khu vực miền núi, miền biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Riêng đối với chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN tỉnh Quảng Trị phát động, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh là một trong những đơn vị triển khai sớm và hiệu quả. Hiện phần lớn trẻ mồ côi trên địa bàn đã được cán bộ, hội viên ở cơ sở nhận bảo trợ hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm nhận trợ giúp nhằm đảm bảo tất cả trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đều được đỡ đầu, hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật. Huyện Vĩnh Linh phấn đấu 100% hội LHPN các xã, thị trấn, hội phụ nữ cơ sở công an huyện tổ chức đỡ đầu phù hợp với tiêu chí của chương trình. Tối thiểu, mỗi đơn vị đăng ký nhận đỡ đầu 1 trẻ mồ côi và có thể thực hiện đăng ký đỡ đầu trẻ mồ côi của địa phương khác trên địa bàn huyện. Với tinh thần tự nguyện, tự giác, cán bộ, hội viên phụ nữ Vĩnh Linh đảm trách quyên góp hoặc vận động để chương trình ngày càng có sức lan tỏa.

Từ đó kết nối thêm nhiều tấm lòng nhân ái, hướng đến trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ mồ côi. “Chúng tôi cũng lên kế hoạch mở rộng các hoạt động tương trợ trẻ đang điều trị tại trung tâm y tế huyện, khu vực cách ly. Phối hợp với một số cơ quan chức năng đẩy mạnh tư vấn sức khỏe, tâm lý cho trẻ trong gia đình, nhà trường. Đặc biệt sẽ liên kết với đơn vị liên quan để định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề cho các em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Hy vọng với tấm lòng của những “mẹ hiền” từ cán bộ, hội viên phụ nữ, trẻ em mồ côi gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn sẽ được chăm lo tốt hơn cả về điều kiện vật chất cũng như tinh thần để có tương lai tươi sáng hơn”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nỗi lo của cô bé mồ côi

Tây Long |

Ở tuổi 15, nỗi vất vả, lo toan của cuộc sống khiến cô bé Hoàng Thị Trà My, học sinh lớp 9A, Trường THCS&THPT Đakrông (Quảng Trị) dường như già dặn hơn so với bạn bè. Mồ côi ba, sống trong vòng tay người mẹ không có việc làm ổn định, lại hay đau ốm nên nỗi lo phải nghỉ học giữa chừng luôn thường trực trong Trà My.

Cảm thương hoàn cảnh cậu học trò mồ côi

Lê Trường |

Mẹ mất khi Lương Minh Khang, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học số 1 Thanh An, xã Thanh An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vừa tròn 3 tuổi. Lên 6 tuổi thì căn bệnh ung thư gan cướp đi người cha thân yêu của em. Đó là nỗi đau tột cùng mà cậu học trò nhỏ này phải gánh chịu. Tương lai của em rất bấp bênh, cần sự sẻ chia, giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Cảm thương hoàn cảnh cậu học trò mồ côi

Lê Trường |

Mẹ mất khi Lương Minh Khang, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học số 1 Thanh An, xã Thanh An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vừa tròn 3 tuổi. Lên 6 tuổi thì căn bệnh ung thư gan cướp đi người cha thân yêu của em. Đó là nỗi đau tột cùng mà cậu học trò nhỏ này phải gánh chịu. Tương lai của em rất bấp bênh, cần sự sẻ chia, giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Thương phận mồ côi

Kăn Sương |

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con, mồ côi bố, mẹ bị bệnh thần kinh, từ nhỏ Hồ Văn Tùng và các anh chị của mình ở thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Dù thiệt thòi như thế nhưng Tùng lại là một học sinh hiếu học. Tuy nhiên, con đường đến trường của em rất chông chênh vì trường khá xa nhà, điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn.