Nhiều năm nay, anh Hồ Văn On ở thôn Miệt - Pa Công, xã Hướng Linh được nhiều người biết đến là tấm gương làm kinh tế tiêu biểu của nông dân người dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) nhờ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Với bản tính siêng năng, dám nghĩ dám làm, anh On đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng đất đai ở địa phương.
Gia đình anh On là một trong những hộ dân di dời từ khu vực lòng hồ Thủy điện Rào Quán đến thôn Miệt (nay sáp nhập thành thôn Miệt - Pa Công) vào năm 2006. Cũng như nhiều gia đình khác, thời gian đầu đến nơi ở mới gia đình anh gặp nhiều khó khăn do thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, đất đai lại ít màu mỡ. Mới đầu kinh tế gia đình anh chủ yếu dựa vào những rẫy ngô, sắn trồng trên đồi nhưng vì hiệu quả kinh tế thấp nên cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn. Qua một thời gian tìm hiểu, cùng với định hướng của chính quyền địa phương, anh quyết định khai thác đất trồng rừng, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh On cho rằng, với diện tích đất đồi dốc, thời tiết khắc nghiệt như Hướng Linh thì chỉ có trồng rừng, bám rừng mới đảm bảo cho cuộc sống lâu dài.
Nghĩ là làm, vợ chồng anh bắt tay khai hoang vỡ đất, đồng thời dành dụm, vay mượn để mua thêm đất của những người dân để hoang trong vùng. Sau nhiều năm cần mẫn, với quyết tâm vượt khó, làm giàu, đến nay anh On có diện tích đất gần 6 ha, trong đó gần 5 ha đất được anh phủ xanh bởi tràm, 1 ha bời lời cùng một số cây trồng khác. Để phát triển kinh tế gia đình bền vững, từ thời điểm đó, anh cũng nghĩ tới cần có thêm những nguồn thu khác trong thời gian chờ diện tích rừng cho thu hoạch. Vì thế, anh quyết định đầu tư thêm chăn nuôi.
Anh On cho biết: “Trồng tràm ở những nơi khác thì 5 - 6 năm là cho khai thác nhưng ở đây khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn nên phải hơn 7 năm mới khai thác được. Với diện tích đất lớn nhưng vốn ít nên vợ chồng tôi cứ cần mẫn, tự phát cỏ, đào đất rồi trồng dần dần chứ không đủ sức để trồng đồng loạt, nên trong 5 ha tràm, bây giờ tôi thu hoạch gối đầu mỗi năm 1 ha. Cũng vì thế nên nguồn thu này đều từ năm này qua năm khác mà không bị gián đoạn”. Nhờ nguồn thu ổn định từ rừng nên năm nào anh cũng có thêm vốn để đầu tư cho chăn nuôi.
Đặc biệt, nhờ không ngừng học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, phương thức chăn nuôi của người dân trong vùng và cán bộ khuyến nông địa phương, anh On luôn chủ động phòng trừ bệnh nên đàn vật nuôi gia đình anh luôn khỏe mạnh, lớn nhanh. Từ một vài con trâu, bò ban đầu đến nay tổng đàn gia súc của gia đình anh On có 100 con, trong đó có 70 con bò, 30 con trâu. Đều đặn mỗi năm, anh xuất chuồng 15 con bò, 7 con trâu. Bên cạnh chăn nuôi gia súc, vợ chồng anh còn tận dụng đất vườn chăn nuôi ngan, gà và đào ao thả cá để tăng thu nhập. Mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi mang lại nguồn lợi nhuận trên 250 triệu đồng/ năm, anh On trở thành tấm gương tiêu biểu về làm kinh tế giỏi trong nông dân người dân tộc thiểu số.
Ông Hồ Văn Ngưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Linh chia sẻ: “Sống ở địa bàn xã vùng khó, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn song anh On đã biết cách biến những khó khăn, thách thức thành lợi thế để phát triển kinh tế. Từ hộ gia đình khó khăn, đến nay gia đình anh On là một trong những hộ có thu nhập cao và ổn định tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tận tình giúp đỡ người dân trong thôn bản về kinh nghiệm trong sản xuất và chăn nuôi. Anh On là tấm gương sáng để nông dân tại địa phương, nhất là hội viên nông dân người dân tộc thiểu số học tập và làm theo để vươn lên trong cuộc sống, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại địa bàn vùng khó như xã Hướng Linh”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)