Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của COVID-19 và hậu quả lũ lụt chưa thể khắc phục hoàn toàn, nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của trung ương, của tỉnh với nhiều chính sách kịp thời, hiệu quả, cùng sự nỗ lực của Nhân dân, ngành nông nghiệp huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã từng bước khôi phục, phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Một trong những dấu ấn nổi bật của ngành nông nghiệp huyện Hải Lăng là việc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ thuê đất xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ. Đi cùng chủ trương này, huyện Hải Lăng đã ban hành chính sách hỗ trợ để những tập thể, cá nhân mạnh dạn đi đầu thực hiện. Hiện nay toàn huyện Hải Lăng đã phát triển được hàng chục mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 1.440 ha/năm, diện tích lúa chất lượng cao hằng năm đạt hơn 8.000 ha, sản xuất lúa hữu cơ 104 ha/năm, năng suất lúa bình quân hằng năm đạt hơn 61 tạ/ha.
Đặc biệt, đã có 7 HTX tham gia Liên hiệp HTX nông sản an toàn Hải Lăng sản xuất sản phẩm gạo sạch Hải Lăng với diện tích gần 20 ha, có hơn 330 ha lúa liên kết, liên doanh với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, quy hoạch gần 1.500 ha đảm bảo các điều kiện thiết yếu để sản xuất lúa hữu cơ. Riêng trong vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn huyện đã mở rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa VietGap với diện tích 80 ha.
Tại các xã vùng cát ven biển, với mục tiêu tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Hải Lăng đã chú trọng khai thác tiềm năng vùng cát theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch và thâm canh các loại rau quả trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Trong đó, Hải Dương là địa phương điển hình với diện tích vùng cát khá lớn, đã quy hoạch và đưa vào sử dụng hiệu quả gần 140 ha để trồng rau màu các loại với giá trị thu nhập cao, riêng hai loại cây chủ lực gồm cây ném đạt từ 130-140 triệu đồng/ha, cây mướp đắng từ 110- 120 triệu đồng/ ha.
Tại các xã vùng gò đồi, các địa phương đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để sản xuất các sản phẩm chủ lực đặc trưng, có hiệu quả kinh tế cao như cây cam với hơn 84 ha, trong đó có một trang trại trồng cây ăn quả có múi tại xã Hải Trường đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp với các yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; diện tích rừng trồng theo chứng chỉ FSC ổn định 433 ha với mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng rừng truyền thống.
Nhờ xác định đúng trọng tâm, trọng điểm triển khai các giải pháp một cách đồng bộ nên huyện Hải Lăng đã khơi dậy được nội lực của nông dân và các thành phần kinh tế để tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, bền vững và đạt nhiều kết quả quan trọng cả về quy mô, năng suất, giá trị sản phẩm. Chứng minh cho điều này là những con số ấn tượng của ngành nông nghiệp Hải Lăng những năm gần đây: Tốc độ tăng trưởng đạt gần 5,06%/năm, năng suất lúa bình quân đạt hơn 61 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 8,3 vạn tấn/năm.
Riêng trong năm 2021, trong bối cảnh phải khắc phục hậu quả lũ lụt của năm 2020 để lại và ảnh hưởng của COVID-19, nhưng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Hải Lăng vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên một héc ta đất canh tác đạt 92,3 triệu đồng, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 8,59 vạn tấn, tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp là 2.676 tỉ đồng.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2022, huyện Hải Lăng tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hữu cơ bền vững, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, quan tâm cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh gắn với các vùng quy hoạch tập trung, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, tập trung thu hút doanh nghiệp liên kết và đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tích cực chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiếp tục thực hiện tốt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đạt tiêu chuẩn theo quy định, xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2022 - 2025, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phấn đấu tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp đạt 2.822 tỉ đồng…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)