Năm học 2021 - 2022, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) có 39 trường công lập, trong đó có 20 trường mầm non, 19 trường TH&THCS với hơn 16.500 học sinh, trong đó bậc mầm non 4.237 cháu, tiểu học 7.048 học sinh, THCS 5.300 học sinh, có 1.299 cán bộ, giáo viên, nhân viên do Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý. Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Lăng đã duy trì hiệu quả phong trào dạy tốt - học tốt và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), huyện Hải Lăng đầu tư xây dựng những điểm trường chung cho học sinh nhiều xã để xóa bỏ điểm trường ít lớp, lớp ghép. Việc sáp nhập, sắp xếp lại trường lớp đã tăng quy mô trường học, tinh gọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tiết kiệm ngân sách cũng như tổ chức tốt các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Năm học 2021 - 2022, UBND huyện Hải Lăng đã bố trí 2,5 tỉ đồng đầu tư thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, lớp 6 và thiết bị quản lý, dạy học trực tuyến. Tập trung khắc phục một số công trình bị hư hỏng do lụt bão gây ra với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, một số đơn vị đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục hơn 15 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Phòng GD&ĐT triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Đến nay, 100% hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có chứng chỉ quản lý giáo dục, 100% cán bộ quản lý có trình độ trung cấp lý luận chính trị, tỉ lệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có trình độ đạt chuẩn trên 92%, tỉ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ đạt 7,7%. Năm học 2021 - 2022, có 155 cán bộ, giáo viên được xét thăng hạng, có 28 giáo viên đăng ký tham gia nâng chuẩn trình độ đào tạo. Đến nay, toàn huyện có 18/39 trường mầm non, trường TH&THCS đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 46,2%.
Phòng GD&ĐT phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên mầm non và phòng cũng đứng ra tổ chức nhiều hoạt động như bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học, đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên mầm non, tổ chức các chuyên đề cấp huyện, cụm. Cùng với đó, phòng tăng cường kiểm tra công tác tuyển sinh ở trường mầm non; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch chuyên môn trường TH&THCS, chuyên đề công tác thư viện, thiết bị, kiểm tra thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Qua kiểm tra biểu dương những kết quả đạt được của các trường, đồng thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để tư vấn, hướng dẫn khắc phục nâng cao chất lượng các mặt công tác của trường.
Để hỗ trợ đổi mới hoạt động của ngành, Phòng GD&ĐT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ và hướng dẫn các trường triển khai thực hiện đối với lĩnh vực này. Đến nay, hầu hết hội nghị, hội thảo, tập huấn của phòng và trường học được áp dụng công nghệ trực tuyến để triển khai. Đặc biệt các trường đã xây dựng được từ 1-2 phòng kiểm tra, thi giám sát từ xa và đã triển khai thực hiện tốt kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp huyện năm học 2021 - 2022. 100% trường học trong huyện sử dụng lịch công tác online, VnEdu, smas.edu.vn để quản lý, điều hành công việc cũng như thông tin, liên lạc với phụ huynh học sinh và sử dụng phần mềm quản lý ngân hàng đề kiểm tra có hiệu quả. Bên cạnh đó, các trường học tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, dạy học trực tuyến như mua sắm máy tính, ti vi màn hình lớn, camera, hệ thống âm thanh. Xây dựng và khai thác hiệu quả cổng thông tin điện tử cũng như kho học liệu của ngành phục vụ nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên, học sinh và công tác quản lý của trường, của phòng.
Đối với công tác chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phòng GD&ĐT tổ chức rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường học để tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, đề án đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện hiệu quả. Đồng thời phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, luân chuyển giáo viên, đào tạo nâng cao trình độ giáo viên chưa đạt chuẩn, bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo để thực hiện. Tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới do Sở GD&ĐT tổ chức. Tổ chức hội thảo về lựa chọn sách giáo khoa, dạy học môn Toán, Tiếng Việt lớp 2, các môn khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý lớp 6 để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng, nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới chương trình giáo dục.
Để tạo không khí thi đua dạy tốt- học tốt, đội ngũ giáo viên tích cực tham gia các hội thi do ngành tổ chức, trong đó có hội thi giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh, kết quả có 23/23 giáo viên dự thi đoạt giải. Tổ chức thẩm định sản phẩm dự thi “Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021”, kết quả có 34/38 sản phẩm đạt yêu cầu và tiếp tục hoàn thiện tham gia dự thi cấp quốc gia. Kỳ thi học sinh giỏi văn hóa THCS cấp huyện, toàn huyện có hơn 500 học sinh dự thi, kết quả có 284 học sinh được công nhận học sinh giỏi cấp huyện. Tổ chức giao lưu tiếng Anh tiểu học cấp huyện, kết quả giải tập thể có 10 giải; về giải cá nhân có 50 học sinh được công nhận giải. Tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh cấp THCS. Kết quả có 22 đề tài tham gia dự thi được công nhận đoạt giải cấp huyện và chọn 3 đề tài xuất sắc dự thi cấp tỉnh, kết quả có 2 đề tài đoạt giải Khuyến khích…
Với cách làm cụ thể, khoa học, kết quả học kỳ I năm học 2021 - 2022, tỉ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ đạt 32,4%, mẫu giáo đạt 93,9%, trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,8%. 100% trẻ được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng và khám sức khỏe định kỳ theo quy định giúp trẻ phát triển hài hòa cân đối, khỏe mạnh đạt 95,4%. Chất lượng 2 môn Toán và Tiếng Việt bậc tiểu học hầu hết học sinh hoàn thành tốt và hoàn thành. Chất lượng hai mặt THCS đạt cao, học sinh có học lực giỏi đạt 23,4%, khá 39,4%; hạnh kiểm tốt 82%, khá 16,36%...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)