Trong phát triển nông nghiệp, thực tiễn đang đặt cho vùng đất lúa Hải Lăng (Quảng Trị) là cần thoát ra khỏi tư duy mùa vụ trước mắt để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn trong thâm canh cây lúa, đồng thời cần kíp một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi cách làm nông “chi phí cao, chất lượng kém”. Do vậy, những năm qua, huyện Hải Lăng đã tập trung chỉ đạo phát triển ngành lúa, gạo bền vững, chuyển dần theo hướng hữu cơ, sản phẩm an toàn, đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, tích cực ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng lúa, gạo và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Thao thức từ đất đai, nông vụ
Một chiều cuối năm Tân Sửu, tôi tìm về quê lúa Hải Thượng, Hải Lăng để thăm ông Nguyễn Văn Diêu, một chuyên gia canh nông mà tôi quý mến. Ông Diêu chậm rãi mở cổng và đón tôi vào nhà. Có lẽ ông Diêu là một trong số những người nặng lòng với đất đai, giống má, nông vụ để giúp người nông dân Quảng Trị nói chung, quê nhà Hải Lăng của ông nói riêng có được những vụ mùa thuận lợi mà tôi biết. Đã bước qua tuổi 80, nhưng ông Diêu vẫn còn đó sự sắc nhạy của một người tự tin với sở học của mình. Trên lĩnh vực nông nghiệp, ông có một “lý lịch trích ngang” đáng nể:
Năm 1970, ông tốt nghiệp kỹ sư canh nông, chuyên khoa Nông học của Trường Đại học Canh nông Sài Gòn với tấm bằng xuất sắc. Sau hai năm công tác, đầu năm 1973, ông được điều về làm Trưởng ngành Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế. Một năm sau, ngành khuyến nông địa phương này từ vị trí thấp đã leo lên đứng đầu miền Nam. Vào đầu năm 1974, khi mới 30 tuổi, ông được điều về làm Trưởng ty Canh nông tỉnh Quảng Nam, địa phương được xếp hạng A về nông nghiệp thời đó. Trước lúc về hưu vào năm 2005, chức vụ cao nhất ông Diêu đảm nhận là Trưởng Phòng Trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị.
Tuy nhiên, một công việc mà ông Diêu tâm đắc và người nông dân luôn nhờ cậy vào ông đó là mấy chục năm nay, khi làm việc hay lúc đã về hưu, ông vẫn giữ niềm đam mê quan sát những hiện tượng thời tiết, ghi chép cẩn thận để có luận giải về “ý trời” sắp diễn ra trong sản xuất nông nghiệp rồi sau đó tự nguyện tư vấn giúp nông dân áp dụng vào thực tiễn.
Khi tôi ướm hỏi, trong vụ sản xuất đông xuân tới đây, người dân Hải Lăng cần phải quan tâm đến vấn đề gì nhất, ông Diêu hào hứng lật giở nhiều tài liệu viết tay có, bản in có, phần lớn đã ngả màu theo thời gian rồi mở cuốn lịch mới đối chiếu, sau đó thong thả luận giải: Trong vụ sản xuất đông xuân, bà con nông dân cần nhớ một câu ông cha ta luôn nhắc nhở: “Làm mùa tháng năm/ Xem rằm tháng tám/ Trăng sáng được ruộng sâu/ Trăng lu được ruộng cạn”. Nghĩa là nếu trăng sáng, mùa đông xuân đến có nắng nhiều, mưa ít, ruộng cạn thiếu nước, mất mùa. Còn ruộng sâu, nước cạn, sản xuất dễ được mùa. Còn trăng lu, trăng mờ, trời sẽ mưa nhiều, ruộng cạn đủ nước được mùa, ruộng sâu bị ngập úng, không sản xuất được. Song xem trăng vào lúc nào, đó là một điều lý thú được ông Diêu diễn giải. Xem trăng rằm thì phải xem sau 12 giờ đêm của ngày 14 đến 12 giờ đêm của ngày 15. Trong thời gian 24 giờ đó được chia thành ba giai đoạn, tương ứng mỗi giai đoạn là 8 giờ. Giai đoạn 8 giờ đầu sẽ ứng với giai đoạn đầu của vụ sản xuất đông xuân. Nếu thời gian này trời trong sáng thì bước vào vụ thời tiết không mưa, thuận lợi cho triển khai sản xuất đông xuân, như làm đất, bón phân, gieo cấy. Nếu trăng lu, tối thì trời sẽ mưa nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là gieo cấy. Nếu xen kẽ có lúc sáng, lúc mờ thì thời tiết sẽ có lúc nắng, lúc mưa, cần nắm chắc để bố trí thời vụ, tránh thời gian mưa lớn.
Trò chuyện cùng ông Diêu, tôi biết được dù đã có thể nghỉ ngơi do tuổi tác, nhưng những thông tin về việc làm ra hạt gạo sạch, hạt gạo ngon trên đồng đất Hải Lăng quê hương vẫn đến được tường tận với ông, làm ông vừa phấn chấn, vừa thao thức. Ông khuyên tôi nên tranh thủ dịp cuối năm về đi chợ Diên Sanh, để tận thấy hạt gạo nơi này đã đến tay người tiêu dùng một cách đỉnh đạc như thế nào.
Nâng tầm hạt gạo Hải Lăng
Trò chuyện với anh Trần Thanh Vinh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tôi mới hình dung ra những nỗ lực lớn để có thể “nâng tầm” được hạt gạo quê nhà trong thời kỳ hội nhập. Bắt đầu từ năm 2020, UBND thị trấn Diên Sanh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị tiến hành dự án xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Diên Sanh”. Dự án đã lựa chọn 10 hộ sản xuất, kinh doanh gạo sạch Diên Sanh để áp dụng thí điểm mô hình quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Diên Sanh”.
Qua gần 1 năm triển khai, đến ngày 8/10/2021, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 77579/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 399136 cho UBND thị trấn Diên Sanh là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Diên Sanh”.
Nói về lợi ích khi sản phẩm gạo vùng Diên Sanh được cấp nhãn hiệu chứng nhận, anh Trần Thanh Vinh cho biết: Sản phẩm mang thương hiệu “Gạo Diên Sanh” được sản xuất từ giống lúa Đài Thơm 8. Đây là bộ giống có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Việc xác lập, quản lý và phát triển hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Diên Sanh” là động lực để thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của người dân trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo ở địa phương. Đây cũng là kênh quảng bá hiệu quả thương hiệu “Gạo Diên Sanh” trên thị trường, phù hợp với định hướng, kế hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm OCOP và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển xanh, bền vững giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Điều quan trọng hơn nữa, từ khi áp dụng quy trình sản xuất gạo sạch đã góp phần thay đổi thói quen canh tác dựa vào thuốc bảo vệ thực vật của nông dân. Người dân không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay chất kích thích nào trong toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây lúa, từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch. Qua đó sản phẩm đảm bảo về chất lượng, chính xác về nguồn gốc và được pháp luật bảo vệ.
Từ khâu sản xuất đến đưa ra thị trường tiêu thụ, gạo Diên Sanh luôn hướng đến người tiêu dùng bằng chất lượng cao nhất, sạch nhất. Gạo có hương thơm tự nhiên, hạt thon dài, trắng thơm, dẻo, ráo cơm, vị ngon đậm đà đặc trưng. Cùng với đó là giá thành hợp lý, sản phẩm gạo sạch vùng Diên Sanh đã dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Từ lâu, huyện Hải Lăng được xác định là vùng trọng điểm lúa của tỉnh. Nhìn vào diện tích gieo trồng cây hằng năm của huyện sẽ thấy trong tổng số trên 17.700 ha, diện tích cây lương thực đã chiếm hơn 14.000 ha, sản lượng lúa đạt hơn 8 vạn tấn, năng suất đạt trên 61 tạ/ha/vụ. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, giá trị sản xuất đất trồng lúa của Hải Lăng đã đạt gần 90 triệu đồng/ha.
Từ diện tích đất ruộng manh mún, chật hẹp nhiều năm trước, bây giờ Hải Lăng đã tích tụ ruộng đất được trên 303 ha, triển khai tổ chức sản xuất cánh đồng lớn gần 1.500 ha; sản xuất lúa giống 547 ha. Đặc biệt, diện tích dành để sản xuất lúa chất lượng cao đã đạt trên 8.000 ha; có hơn 331 ha lúa được sản xuất theo hình thức liên kết. Những nỗ lực ban đầu này đã góp phần tạo điều kiện để huyện tích cực xây dựng thương hiệu “Gạo Hải Lăng”, “Gạo Diên Sanh”.
Mục tiêu đến năm 2025, hằng năm ổn định diện tích trồng lúa từ 13.400 ha - 13.600 ha, sản lượng 8 - 8,4 vạn tấn; trong đó diện tích gieo trồng lúa hữu cơ 1.000 ha, lúa VietGAP 1.500 ha. Tỉ lệ sử dụng giống xác nhận trên 90%; tỉ lệ diện tích các giống chất lượng cao gieo trồng hằng năm khoảng 60%. Diện tích lúa hữu cơ, VietGAP được xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học 10%; sử dụng thiết bị bay không người lái 20%. Diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ 1.000 ha. Lợi nhuận cho người trồng lúa hữu cơ, VietGAP trên 30% so với tổng chi phí đầu tư.
Để nông nghiệp Hải Lăng phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gia nhập thị trường, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ và phát huy được lợi thế, tận dụng được cơ hội thì nông nghiệp hữu cơ, VietGAP và ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hải Lăng là hướng đi đúng, mới và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)