Mở ra hướng canh tác bền vững ở Hải Lăng

Lệ Như |

Phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe con người mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đang từng bước triển khai sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng trên thị trường. 


Với diện tích đất trồng lúa hơn 7.395 ha, những năm qua, huyện Hải Lăng đã tập trung chỉ đạo phát triển ngành lúa, gạo bền vững, chuyển dần theo hướng hữu cơ, sản phẩm an toàn, đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, tích cực ứng dụng công nghệ, công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng lúa, gạo và đạt được những kết quả bước đầu. Sản lượng lúa đạt hơn 8 vạn tấn, năng suất hơn 61 tạ/ha/vụ; giá trị sản xuất trên đất trồng lúa đạt 89,4 triệu đồng/ha. Đã xây dựng được thương hiệu “Gạo Hải Lăng”, “Gạo Diên Sanh”… Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo hữu cơ ở Hải Lăng mới chỉ đạt kết quả ban đầu.

Sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Hải Lăng - Ảnh: L.N
Sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Hải Lăng - Ảnh: L.N 

Đến nay, huyện vẫn chưa xây dựng được quy mô sản xuất tập trung lúa hữu cơ, VietGAP đủ lớn, các cơ sở dự trữ, chế biến để tạo sản phẩm tập trung theo hướng hàng hóa, chất lượng đồng nhất nhằm tăng sức cạnh tranh trong liên kết tiêu thụ. Phần lớn còn phụ thuộc tư thương nên hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng lúa, gạo chưa cao. Sản xuất lúa kinh tế hộ đang đóng vai trò chính, phần lớn còn manh mún, nhiều trà, nhiều giống, trình độ thâm canh chưa cao, bón phân còn tùy tiện, điều hành nước tưới chưa hợp lý, công tác phòng trừ sâu bệnh chưa khoa học, việc sử dụng các hóa chất, chất vô cơ trong sản xuất còn khá phổ biến... Hiện tại, huyện Hải Lăng đã và đang phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị khảo sát, chọn quy hoạch gần 1.500 ha giai đoạn 2021 - 2030, với 44 HTX và 78 vùng để vận động tổ chức tham gia trồng lúa hữu cơ trong thời gian tới, từ năm 2021 - 2022 thực hiện khoảng 50 ha.

Để từng bước thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa, gạo, huyện Hải Lăng đã ban hành đề án về sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP nhằm nâng cao giá trị gia tăng lúa, gạo trên địa bàn huyện Hải Lăng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Qua đó, nhằm tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ truyền thống sang phương thức sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, sạch, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, hình thành, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa, gạo Hải Lăng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo quản, chế biến, truy xuất nguồn gốc đóng gói, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm… Phấn đấu đến năm 2025, hằng năm sẽ ổn định diện tích trồng lúa từ 13.400 - 13.600 ha, sản lượng đạt từ 8 - 8,4 vạn tấn. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa hữu cơ 1.000 ha, lúa VietGAP 1.500 ha. Tỉ lệ sử dụng giống xác nhận trên 90%; tỉ lệ diện tích các giống chất lượng cao gieo trồng hằng năm khoảng 60%; sử dụng thiết bị bay không người lái 20%. Diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ 1.000 ha. Lợi nhuận cho người trồng lúa hữu cơ, VietGAP trên 30% so với tổng chi phí đầu tư.

Để đạt mục tiêu trên, huyện Hải Lăng sẽ quan tâm tái cơ cấu sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP. Theo đó, lúa hữu cơ sẽ được sản xuất trên diện tích 1.500 ha ở vùng đất tốt, chủ động và đảm bảo chất lượng nước tưới, có diện tích tập trung 10 ha trở lên. Là những vùng cánh đồng mẫu lớn, trọng điểm, có lợi thế sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, lúa giống. Tạo sản phẩm hàng hóa lớn với chất lượng cao để cung cấp cho thị trường tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu, cung cấp cho các siêu thị, cơ sở bán buôn, bán lẻ cho người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa, gạo. Nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng thông qua việc nâng cao chất lượng lúa, gạo, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Lợi nhuận tăng thêm khoảng 10 - 15% so với sản xuất thông thường.

Cùng với đó, vùng sản xuất lúa sạch (VietGAP và tương đương) với diện tích 2.000 ha là vùng đất đai tốt, chủ động tưới nhưng chất lượng còn hạn chế, có diện tích tập trung trên 10 ha (chủ yếu vùng thấp trũng của huyện), chiếm diện tích khoảng 40%. Việc chọn, tạo giống lúa mới đáp ứng yêu cầu của thị trường được đẩy mạnh thực hiện. Hằng vụ đưa vào khảo nghiệm, thử nghiệm các giống lúa mới, kết hợp đặc tính về chất lượng cao với tính chống chịu đối với biến đổi khí hậu và sâu bệnh hại chính để kịp thời thay thế, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường tiêu thụ lúa, gạo. Đồng thời, ứng dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt như hệ thống các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình thực hành sản xuất tốt…

Một giải pháp khác cũng được địa phương quan tâm đó là cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp. Huyện sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất. Trước mắt là việc ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, chế phẩm thảo dược, lựa chọn đơn vị làm dịch vụ tốt hợp đồng thực hiện, tiến đến đào tạo thành lập các tổ bay và triển khai việc phun thuốc, nhằm chủ động hơn trong sản xuất. Đồng thời, kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng hệ thống lò sấy, nhà cất trữ bảo quản lúa trên địa bàn; nâng cấp, khôi phục hệ thống kho chứa lúa của các HTX, phấn đấu hằng năm thu mua, cất giữ trung bình 100 tấn thóc/HTX nông nghiệp để góp phần bình ổn giá lúa khi thu hoạch.

Thực hiện cơ giới hoá toàn bộ các khâu cày, bừa, sử dụng máy làm đất có công suất lớn để nâng cao chất lượng đất về độ sâu tầng canh tác và độ tơi nhuyễn, từng bước xóa bờ thửa, san phẳng đồng ruộng… Việc rà soát quy hoạch, củng cố đầu tư kết cấu hạ tầng vùng sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP; đổi mới mô hình tổ chức sản xuất gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa…

Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, tài nguyên đất, các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Các giải pháp về phát triển thị trường tiêu thụ lúa, gạo hữu cơ, VietGAP; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân; những giải pháp về vốn đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ cũng được huyện quan tâm thực hiện trong thời gian tới để hướng đến phát triển ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp nước ta nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Việc triển khai sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Hải Lăng đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của nông dân, người tiêu dùng, đồng thời mở ra một hướng canh tác bền vững cho địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mô hình của những trí thức trẻ đam mê nông nghiệp hữu cơ

Nguyễn Trang |

Là những trí thức trẻ năng động, nhạy bén với xu thế phát triển lại đam mê nông nghiệp hữu cơ, nguyện vọng góp sức xây dựng nền nông nghiệp của quê hương, năm 2019, 3 bạn trẻ đến từ các vùng quê khác nhau của tỉnh Quảng Trị đã hợp sức đầu tư hình thành nên Dfarm Quảng Trị, là một trong những trang trại thuộc chuỗi hệ thống Dfarm sản xuất hữu cơ công nghệ cao theo tiêu chuẩn Organic trên diện tích 30.000 m2, tổng kinh phí hơn 5 tỉ đồng.

Hạt tiêu đỏ hữu cơ Vĩnh Linh đạt giải “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021”

PV |

Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị thông báo kết quả bình chọn “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021”.

Cam Lộ: Hợp tác sản xuất và tiêu thụ tràm năm gân theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế

Anh Vũ |

Ngày 11/12, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ (Cụm Công nghiệp Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) cho biết, sau khi thực hiện thí điểm thành công mô hình trồng cây tràm năm gân, HTX đã ký kết sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu cây tràm năm gân đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế với nông dân xã Cam Thủy.

Triển khai sản xuất 50 ha lúa theo hướng sạch, hữu cơ trong vụ đông xuân 2021-2022

Thanh Lê |

Trên cơ sở thành công từ việc đưa vào sản xuất 10 ha lúa sạch, lúa hữu cơ của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quang Hạ, trong vụ đông xuân 2021-2022, xã Gio Quang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) tiếp tục nhân rộng mô hình, đưa vào sản xuất 50 ha lúa theo hướng hữu cơ tại 5 HTX trên địa bàn.