Là những trí thức trẻ năng động, nhạy bén với xu thế phát triển lại đam mê nông nghiệp hữu cơ, nguyện vọng góp sức xây dựng nền nông nghiệp của quê hương, năm 2019, 3 bạn trẻ đến từ các vùng quê khác nhau của tỉnh Quảng Trị đã hợp sức đầu tư hình thành nên Dfarm Quảng Trị, là một trong những trang trại thuộc chuỗi hệ thống Dfarm sản xuất hữu cơ công nghệ cao theo tiêu chuẩn Organic trên diện tích 30.000 m2, tổng kinh phí hơn 5 tỉ đồng.
Dù đang trong quá trình hoàn thiện quy trình sản xuất, song Dfarm Quảng Trị đã đạt được thành công bước đầu khi đầu năm 2022 chính thức được công nhận đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ với những nông sản chất lượng.
Chuyển đổi từ vườn tạp sang sản xuất nông sản cao cấp
Từ khu nhà điều hành của Dfarm Quảng Trị hướng tầm mắt bao quát tổng thể trang trại quy mô, ít ai hình dung nơi đây từng là vườn tạp, những rừng cao su cuối thời kỳ khai thác. Kể về quá trình để có Dfarm Quảng Trị hôm nay, chị Trần Thu Trang (sinh năm 1985), quê xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, người quản lý và cũng là người đứng ra kết nối thành lập nên Dfarm Quảng Trị cho biết, chị từng có 15 năm làm công chức tại huyện Đakrông và Vĩnh Linh. Vốn tâm huyết với nông nghiệp công nghệ cao, chị cùng 2 người bạn của mình quê ở huyện Triệu Phong, hiện đang công tác tại Hà Nội đã ấp ủ dự định gây dựng nên vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngay tại quê hương Quảng Trị.
Đến đầu năm 2019, nhận thấy xu hướng làm nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển mạnh, nhóm của chị Thu Trang quyết định lên kế hoạch, tìm hiểu thị trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về quỹ đất, nguồn vốn, nhân lực để cho ra đời Dfarm Quảng Trị tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh. “Nằm về phía Đông huyện Vĩnh Linh, đất đỏ ba dan rất phù hợp để sản xuất nông nghiệp. Nhưng địa điểm này vốn ban đầu thuộc quyền sử dụng của nhiều hộ dân và trên đất đang trồng cây cao su. Muốn có mặt bằng, chúng tôi phải thuyết phục từng hộ chuyển giao quyền sử dụng đất đến lúc đủ diện tích lập trang trại. Mặt khác, cây cao su trồng lâu năm nên để đảm bảo đúng quy định về sản xuất hữu cơ cần phải có thời gian chuyển đổi bằng cách canh tác nhiều loại cây ngắn ngày như rau màu, củ cải đỏ, dâu tây… nhằm giúp đất có thời gian nghỉ”, chị Thu Trang thông tin.
Tuân thủ quy trình sản xuất ngay từ những công đoạn đầu tiên, Dfarm Quảng Trị mời 2 chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và thu hút thêm 5 kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản, trong đó có 2 kỹ sư du học ở Israel về phụ trách các đội kỹ thuật, sản xuất chính và makerting. Riêng chị Trần Thu Trang, sau khi được UBND xã Vĩnh Giang tạo điều kiện đã bàn giao công việc để chuyên tâm đảm nhận quản lý trang trại. Đến năm 2020, hệ thống 10 nhà kính hiện đại có diện tích 5.120 m2 của trang trại Dfarm Quảng Trị được hình thành với thiết kế chuẩn từ khung thép chịu lực; lớp màng nilon, lưới chắn côn trùng; hệ thống tưới tự động; châm phân, bón phân độc lập… đều được nhập từ Nhật Bản, Israel.
Tập trung những giống cây cao cấp để tạo ra sản phẩm độc đáo, tăng sức cạnh tranh, Dfarm Quảng Trị lựa chọn 2 loại cây chủ lực gồm dưa lê, dưa lưới đưa vào sản xuất. Đây là những loại trái cây đang được thị trường, đặc biệt là các tỉnh, thành phố miền Bắc ưa chuộng bởi hàm lượng dinh dưỡng rất cao, nhưng lại là cây trồng hoàn toàn mới, chưa từng được thử nghiệm tại vùng Đông huyện Vĩnh Linh. Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Dfarm Quảng Trị đã dày công nghiên cứu, kết hợp giống nhập khẩu từ Nhật Bản, Hà Lan với giống dưa trong nước đi đến chuyển giao công nghệ, sản xuất thành công sản phẩm dưa lưới hữu cơ Dfarm Quảng Trị vụ đầu tiên vào tháng 8/2021.
Tạo ra sản phẩm hữu cơ chất lượng cao từ những điều khác biệt
Điều khác biệt để có thể tạo ra sản phẩm hữu cơ chất lượng cao tại Dfarm Quảng Trị như ngay ở tên gọi Dfarm (The Differences Farm), theo chị Trần Thu Trang chính ở quy trình sản xuất. Toàn bộ các công đoạn đều được chuyên gia về nông sản hữu cơ cùng đội ngũ kỹ sư nông nghiệp trực tiếp đảm trách. Do vậy mỗi công đoạn đều chủ động áp dụng theo tiêu chuẩn mới nhất, những là kỹ thuật tiên tiến nhất. Từ công nghệ xử lý đất bằng cách ủ nhiệt của Nhật Bản, đến công nghệ phân hữu cơ vi sinh của Mỹ, công nghệ tưới của Israel. Cây dưa lưới vốn nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như sâu bệnh, thời tiết, nguồn nước. Nhưng ở trang trại Dfarm Quảng Trị, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học, chỉ dùng phân hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật bằng các biện pháp sinh học để cây luôn phát triển tự nhiên, chất lượng sản phẩm tốt.
Vì vậy, dù trong giai đoạn chuyển đổi, mới đạt 65% - 70% sản lượng, song ngay với những vụ dưa đầu tiên, từ tháng 8/2021 đến nay, dưa lưới Dfarm Quảng Trị luôn đạt độ đồng đều về trọng lượng từ 1,5 - 1,8 kg/trái, ngọt tự nhiên, thơm, đậm vị đặc trưng của nông sản. Sản xuất theo hình thức cuốn chiếu, mỗi vụ, 10 nhà kính Dfarm Quảng Trị xuất khoảng 10 tấn dưa ra thị trường miền Bắc. Tuy giá trung bình 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá các loại dưa sản xuất truyền thống, dưa lưới Dfarm Quảng Trị vẫn được đối tác, khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Sau khi trừ chi phí, ước tính 10 nhà kính bước đầu thu lãi 500 triệu đồng/ vụ. Dự kiến sau khi hoàn thiện sản xuất giai đoạn 1, tại trang trại Dfarm, 1.000 m2 trồng dưa lê sẽ cho sản lượng 4 tấn/ năm; riêng 4.000 m2 dưa lưới sẽ cho sản lượng 18 tấn/ năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 2, Dfarm Quảng Trị sẽ mở rộng quy mô canh tác lên 10.000 m2 , 20 nhà kính. Đầu năm 2022, Dfarm Quảng Trị chính thức được công nhận là đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ: TCVN 11041-1:2017 và TCVN 11041-2: 2017.
Tiên phong, bền bỉ theo đuổi đam mê, khẳng định chất lượng nông sản địa phương, Dfarm Quảng Trị đã tích cực góp phần lan tỏa phương thức sản xuất hữu cơ đến nền nông nghiệp Quảng Trị đang trong tiến trình đẩy mạnh cơ cấu lại , thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thương hiệu, đưa nhiều nông sản Quảng Trị đến gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)