Mô hình nuôi gà ri mở hướng làm giàu trên đất cát

Minh Kha |

Những năm qua, từ phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình về phát triển kinh tế. Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ ở Thôn 7, xã Triệu Vân là một trong số đó. Từ một hộ khó khăn, được sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ và ý chí vượt khó, ham học hỏi, chị đã xây dựng thành công mô hình nuôi gà ri trên cát, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.


Lần đầu gặp chị Mỹ, chúng tôi ấn tượng về sự nhanh nhẹn, hoạt bát của người phụ nữ này từ cách nói chuyện đến sắp xếp công việc ở gia trại chăn nuôi của chị. “Cuộc sống vợ chồng tôi lúc mới ra riêng lập nghiệp khá vất vả vì thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm sản xuất. Ban đầu, tôi mượn người thân trong gia đình được ít vốn để chăn nuôi nhỏ. Lấy ngắn nuôi dài, tôi cố gắng tiết kiệm chi tiêu, dành dụm ít vốn. Sau đó, tôi được Hội LHPN xã Triệu Vân cho tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi gà nên đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích”, chị Mỹ chia sẻ.

Ứng dụng kiến thức đã học, vợ chồng chị tận dụng lợi thế đất cát quanh vườn rộng trên 1 ha để xây dựng mô hình nuôi gà ri. Ban đầu, chị đầu tư nuôi khoảng 1.000 con/ lứa, số lượng gà có thể tăng lên mỗi khi chuẩn bị đến dịp lễ,Tết. Để chăn nuôi hiệu quả bền vững, ngay từ khi bắt tay xây dựng mô hình chị Mỹ xác định sẽ chăn nuôi sạch từ khâu lựa chọn giống, nguồn thức ăn đến cách chăm sóc đàn gà.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (bên phải) trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi gà trên cát với cán bộ phụ nữ xã - Ảnh: HỮU THÁI
Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (bên phải) trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi gà trên cát với cán bộ phụ nữ xã - Ảnh: HỮU THÁI

Bên cạnh đó, chị Mỹ đã tận dụng lợi thế vùng đất cát rộng rãi để xây dựng “sân chơi” cho gà. “Sở dĩ tôi chọn giống gà ri chân vàng vì giống gà này thích vận động, chạy nhảy nên khi nuôi thả trên cát thịt sẽ săn chắc và thơm ngon hơn, thị trường rất ưa chuộng. Đặc tính đất cát thoát nước nhanh nên đảm bảo môi trường khô ráo, phân gà khi thải ra được cát hút nước, không gây mất vệ sinh. Đặc biệt, vào mùa hè, cát nóng trong khi gà thường thích tắm cát là điều kiện lý tưởng để tiêu diệt những mầm bệnh trên gà”, chị Mỹ cho hay.

Tuy nhiên, vào mùa hè thì nhiệt độ sân cát tương đối cao, để tránh nắng cho đàn gà, vợ chồng chị trồng rất nhiều cây xanh quanh vườn, tạo môi trường sạch sẽ, thoáng mát, tăng hiệu quả phòng bệnh cho gà. Với chuồng trại, chị thực hiện vệ sinh 2 tuần/lần, dùng men vi sinh rãi đều để khử mùi hôi và phân hủy phân gà thải ra. Thức ăn chính của đàn gà là các loại nông sản sẵn có ở địa phương như lúa, bắp, rau bèo... Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi sạch nên đàn gà của gia đình chị phát triển nhanh, ít bị bệnh. Hiện nay, chị Mỹ đã xây dựng được 2 gia trại, nuôi từ 3.000 - 5.000 con gà/lứa. Trung bình một năm nuôi 3 lứa gà.

Gà nuôi khoảng 3 tháng, đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,6 kg/con thì xuất chuồng. Với giá bán từ 70 - 75 nghìn đồng/kg, những lúc cao điểm lễ, Tết giá từ 80 - 90 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, cứ 1.000 con gà cho lãi ròng trên 30 triệu đồng. Ngoài cung cấp gà thịt cho thị trường, trại gà của chị còn cung cấp thức ăn gia cầm cho nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương. Với mô hình kinh tế này, mỗi năm gia đình chị Mỹ lãi trên 300 triệu đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Vân, mô hình nuôi gà ri trên cát của chị Mỹ đã khẳng định sự thay đổi tư duy trong làm ăn, phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ nông thôn. Thành công từ mô hình chăn nuôi gà của chị Mỹ, cùng với một số hội viên phụ nữ khác trên địa bàn xã đã góp phần hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Thời gian tới, hội sẽ khuyến khích hội viên học tập nhân rộng mô hình này bằng việc mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật; tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi để hội viên phụ nữ có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hiệu quả cao từ liên kết với doanh nghiệp để nuôi gà

Thanh Hằng - Cảnh Thu |

Sau nhiều đợt thiên tai liên tiếp, điều kiện để tái sản xuất, khôi phục chăn nuôi của người dân vùng lũ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết đã và đang mở ra hướng chăn nuôi ổn định cho người dân vùng lũ huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Trong đó, mô hình nuôi gà của ông Trần Hữu Tấn ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận là một trong những mô hình liên kết chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Thành công nhờ liên kết với doanh nghiệp nuôi gà gia trại khép kín

Phương Nga |

Đến Khu dân cư 8, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh(Quảng Trị) không ai không biết tới anh Trần Hữu Thụ, một nông dân dám nghĩ dám làm, dám thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư và đã thành công, vươn lên phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất vườn của mình.

Xu hướng về quê trồng rau, nuôi gà

Lan Hạ |

Dịch Covid-19 giúp cho nhiều người ngộ và hiểu ra rằng giá trị sống mới là điều cốt lõi. Giờ đây các bạn không còn khoe nhà cao, xe đẹp mà thay vào đó là những mảnh vườn trĩu trịt hoa thơm trái ngọt, những hình ảnh chân lấm tay bùn.

Thu tiền tỉ từ liên kết chăn nuôi gà

Anh Vũ |

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ  (Quảng Trị) đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để phát triển mô hình chăn nuôi với quy mô lớn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số đó có gia đình vợ chồng anh Đào Văn Long - chị Trần Thị Lan, ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam mở trang trại chăn nuôi gà đem lại thu nhập cao.