Thành công nhờ liên kết với doanh nghiệp nuôi gà gia trại khép kín

Phương Nga |

Đến Khu dân cư 8, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh(Quảng Trị) không ai không biết tới anh Trần Hữu Thụ, một nông dân dám nghĩ dám làm, dám thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư và đã thành công, vươn lên phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất vườn của mình.

 Bắt tay vào làm kinh tế từ khi còn rất trẻ, đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi, nhưng để bắt kịp với sự thay đổi và phát triển không ngừng của ngành nông nghiệp, các chủ trương chính sách về tái cơ cấu, dồn điền đổi thửa hay ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong quá trình sản xuất, anh Thụ phải trải qua nhiều lần chuyển đổi và đầu tư vào các loại cây, con khác nhau.

Trang trại nuôi gà theo hướng liên kết của anh Trần Hữu Thụ mang lại hiệu quả kinh tế cao -Ảnh: PHƯƠNG NGA​
Trang trại nuôi gà theo hướng liên kết của anh Trần Hữu Thụ mang lại hiệu quả kinh tế cao -Ảnh: PHƯƠNG NGA​

Từ những năm 1990, anh Thụ đã được biết đến là một tấm gương làm ăn giỏi, biết cách cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế. Tiêu là cây trồng đầu tiên được anh đưa vào canh tác sau khi cải tạo toàn bộ diện tích đất vườn. Với quy mô 600 gốc, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, quá trình chăm bón và thu hoạch gặp không ít khó khăn, khi thì dịch bệnh, khi thì mất mùa… Dần dần ổn định, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ các vùng chuyên trồng tiêu trên địa bàn huyện, vườn tiêu của anh bắt đầu cho tín hiệu khả quan. Trung bình mỗi vụ thu hoạch từ 1,5-2 tấn tiêu khô thành phẩm, gia đình bắt đầu có đồng ra đồng vào.

Cũng thời kỳ này, phong trào trồng cây cao su tiểu điền phát triển mạnh tại huyện Vĩnh Linh, trở thành loại cây kinh tế mới của nhiều người dân, anh Thụ đã bàn bạc với gia đình, quyết định đầu tư mua 1,5 ha đất gần nhà để trồng, sau khoảng 5 năm đã cho thu hoạch. Đồng thời, tận dụng phần đất vườn còn lại anh xây chuồng trại chăn nuôi lợn để tăng thu nhập. Với quy mô vừa phải, mỗi lứa anh Thụ nuôi khoảng 40 con lợn thịt, cứ 3 tháng xuất chuồng một lần. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi ròng từ chăn nuôi, trồng trọt được khoảng 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, được vài năm thì do thiên tai và dịch bệnh nên vườn cao su cùng đàn lợn của anh cũng bắt đầu chững lại so với trước.

Quyết tâm “khởi nghiệp” một lần nữa ở độ tuổi 57, anh Thụ thử nghiệm mô hình nuôi gà gia trại theo hướng khép kín, hiện đại và có sự liên kết với doanh nghiệp. Năm 2019, anh Thụ bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu về các trang trại, gia trại nuôi gà có liên kết với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star. Sau khi nhận thấy các ưu điểm và hiệu quả từ mô hình này, đầu năm 2020 anh Thụ liên hệ đặt vấn đề trực tiếp với công ty. Đồng thời, mạnh dạn vay thêm 400 triệu đồng cùng với vốn tích lũy bấy lâu để thực hiện mô hình. Hệ thống chuồng trại nhanh chóng được hoàn thành với diện tích 650 m2 cùng trang thiết bị hiện đại như kho thức ăn riêng, hệ thống làm mát, hệ thống cho ăn, cho uống và mái che chắn tự động, camera quan sát, hệ thống điện chiếu sáng… Anh Thụ cho biết: “Quá trình nuôi hoàn toàn khép kín, con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh đều được công ty cung cấp và gà sau khi đạt đến độ xuất bán thì được công ty bao tiêu theo giá thị trường. Ban đầu chỉ cần vốn xây dựng hệ thống chuồng nuôi còn lại phía công ty sẽ hỗ trợ theo hình thức thanh toán sau, khi thu mua mới trừ các khoản chi phí”.

Trong lứa đầu tiên, anh Thụ thả nuôi hơn 6.000 gà giống, sau 3 tháng chăm sóc gà đạt chuẩn có trọng lượng từ 2,2 - 2,5 kg/con. Giá bán dao động từ 50-58 ngàn đồng/kg, tùy theo biến động của thị trường, với 10 tấn gà thương phẩm, sau khi trừ chi phí anh Thụ thu lãi ròng trên 100 triệu đồng/lứa. Trung bình mỗi năm có thể xuất bán 3 lứa. Thành công ngay trong lứa nuôi đầu tiên đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình anh Thụ. Theo anh, ưu điểm của mô hình này là vừa tận dụng được không gian vườn nhà vừa được cung cấp nguồn giống đảm bảo và không lo quá nhiều về vốn, thức ăn, thuốc phòng bệnh. Mặt khác nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại và môi trường nuôi theo quy chuẩn nên quá trình chăm sóc không quá khó khăn hay tốn nhiều thời gian như việc nuôi thủ công, gà lại ít bị bệnh và phát triển đồng đều.

Anh Thụ cho biết thời gian tới anh dự định sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi gà của mình, xây dựng thêm một hệ thống chuồng trại chăn nuôi có diện tích 650 m2 để tận dụng toàn bộ quỹ đất vườn còn lại của gia đình. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hộ gia đình khác tại khu dân cư nhân rộng mô hình để nâng cao thu nhập.

(Nguồn: baoquangtri)

TAGS

750 triệu đồng hỗ trợ nông dân vay chăn nuôi bò sinh sản

Anh Vũ |

Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh vừa phối hợp với Hội Nông dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức giải ngân nguồn vốn giúp hội viên phát triển chăn nuôi bò sinh sản.

Thu tiền tỉ từ liên kết chăn nuôi gà

Anh Vũ |

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ  (Quảng Trị) đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để phát triển mô hình chăn nuôi với quy mô lớn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số đó có gia đình vợ chồng anh Đào Văn Long - chị Trần Thị Lan, ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam mở trang trại chăn nuôi gà đem lại thu nhập cao.

Bộ Quốc phòng Lào thành lập liên doanh chăn nuôi xuất khẩu quy mô lớn

Tổng hợp |

Một dự án chăn nuôi quy mô lớn vừa được lên kế hoạch, nhằm xuất khẩu gia súc và các sản phẩm gia súc chế biến sang Trung Quốc, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thịt bò tại thị trường Lào.

Giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững ở Đakrông

An Phong |

Để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, những năm gần đây huyện Đakrông đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng; từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi và thay đổi hình thức nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại; ứng dụng công nghệ mới nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…