Giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững ở Đakrông

An Phong |

Để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, những năm gần đây huyện Đakrông đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng; từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi và thay đổi hình thức nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại; ứng dụng công nghệ mới nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đến nay, huyện Đakrông có tổng đàn gia súc hơn 26.600 con; gia cầm hơn 81.000 con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hằng năm hơn 1.350 tấn; 40% hộ chăn nuôi đại gia súc và 70% hộ chăn nuôi tiểu gia súc đã xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi. Có được kết quả đó là nhờ huyện Đakrông tăng cường tuyên truyền, vận động người dân từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hóa với quy mô lớn; phát triển các loại vật nuôi đặc trưng của địa phương như: Gà ri, lợn Vân Pa, dê cỏ… theo hướng chủ lực, tạo thương hiệu; tổ chức lại sản xuất kết nối với thị trường tiêu thụ; phát triển ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; quy hoạch, chuyển đổi những vùng đất chưa sử dụng, sản xuất kém hiệu quả sang vùng chăn nuôi tập trung, vùng trồng cây làm thức ăn cho chăn nuôi để nâng cao giá trị sử dụng đất…

Người dân huyện Đakrông trồng cỏ để chăn nuôi gia súc - Ảnh: A.P​
Người dân huyện Đakrông trồng cỏ để chăn nuôi gia súc - Ảnh: A.P​

Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, thời gian tới huyện Đakrông đã có các giải pháp như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức các hội nghị và sinh hoạt chuyên đề đến toàn thể cán bộ, Nhân dân nhằm từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hóa với quy mô lớn (trong đó, chú trọng phát triển các loại vật nuôi đặc trưng của địa phương như: Gà ri, lợn Vân Pa, dê cỏ…); tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và địa điểm xây dựng chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo cách xa với nơi ở, nguồn nước sinh hoạt; vận động người dân xây dựng hệ thống xử lý chất thải, hầm biogas, đệm lót sinh học… đảm bảo chuồng trại chăn nuôi không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; đẩy mạnh phát triển đàn trâu theo hướng sản xuất hàng hóa với việc khoanh vùng chăn nuôi và chú trọng nâng cao chất lượng đàn; phát triển quy mô và chất lượng đàn bò (trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đàn, tăng tỉ lệ bò lai và làm tốt việc lai giống bằng thụ tinh nhân tạo); phát triển đàn bò theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung với quy mô gia trại, tổ hợp tác, nhóm hộ…

Hằng năm, huyện Đakrông sẽ tìm nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân khoảng 100 con bò cái vàng Việt Nam và 120 con bò cái lai sind F2, F3 nuôi sinh sản; từng bước hình thành các trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản với quy mô 100 con ở các xã Ba Lòng, Hướng Hiệp để cung cấp con giống cho người chăn nuôi bò trên địa bàn huyện…; khuyến khích người dân phát triển, nhân rộng giống dê cái địa phương hiện có và sử dụng dê đực lai để từng bước cải thiện tầm vóc, năng suất, chất lượng giống dê cỏ địa phương; phát triển mạnh đàn dê cỏ địa phương theo hướng thâm canh tăng năng suất, quy mô gia trại, tổ hợp tác, nhóm hộ; hình thành các gia trại, tổ hợp tác chăn nuôi dê để vừa cung cấp dê thịt, vừa đảm bảo cung cấp con giống tại các xã Ba Nang, Tà Rụt, Đakrông, Húc Nghì, A Vao, Triệu Nguyên…; bảo tồn và phát triển giống lợn Vân Pa, gắn với xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng tập trung, bán chăn thả, sử dụng thức ăn sẵn có tại địa phương để sản phẩm thịt thơm ngon, mang đặc trưng vùng, địa phương… cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài huyện; hình thành các tổ hợp tác chăn nuôi lợn Vân Pa; khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn thịt theo hướng trang trại, gia trại và chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm…; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia cầm thả vườn, đồi theo loại hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác theo hướng an toàn sinh học; chú trọng xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm để dần thay thế việc chăn nuôi gia cầm phân tán, nhỏ lẻ trong khu dân cư…

Bên cạnh đó, huyện Đakrông cũng đã chú trọng việc xây dựng quy trình giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm từ tuyến huyện đến cơ sở…; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi bảo quản rơm, ủ rơm, ủ xanh các loại cây làm thức ăn cho gia súc, để người chăn nuôi tận dụng hết các phụ phẩm nông sản tại chỗ… Khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích đất chưa sử dụng hoặc trồng các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ nuôi gia súc; hỗ trợ máy cắt cỏ, máy băm cỏ, giống cỏ, phân bón… cho một số hộ chăn nuôi gia súc; tăng cường tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; tổ chức cho người chăn nuôi tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao trong và ngoài huyện… ; tăng cường cập nhật thông tin cho người dân về tình hình chăn nuôi và thị trường các sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ quảng bá và tiếp cận thị trường cho các vùng chăn nuôi có ưu thế cạnh tranh của huyện; tăng cường kết nối thị trường trong và ngoài huyện để có định hướng điều tiết các sản phẩm chăn nuôi một cách năng động, có lợi cho người chăn nuôi; trên cơ sở quy hoạch các vùng chăn nuôi, khuyến khích người dân phát triển các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi, gắn với việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm chăn nuôi…; từng bước hình thành mối liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến để tạo nên sự ổn định về giá cả, sản phẩm và tạo thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi… và nhiều giải pháp hữu hiệu khác.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mô hình chăn nuôi gà sao cho hiệu quả cao

Võ Thái Hòa |

Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị chú trọng phát triển các loại cây, con cho giá trị kinh tế cao.

Hỗ trợ tỉnh Quảng Trị khôi phục chăn nuôi với tổng giá trị 3,025 tỉ đồng

Kăn Sương |

Nhằm hỗ trợ người dân tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ tái sản xuất, tạo sinh kế cho người dân, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đồng ý hỗ trợ tỉnh 218.000 gà giống, 2.000 giống ngan 1 ngày tuổi, 60 tấn thức ăn chăn nuôi, 220.000 liều vắc xin Newcatle, 220.000 liều vắc xin Gumboro, thuốc thú y với tổng giá trị 3,025 tỉ đồng.

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi lợn rừng

Phương Nga |

Ngoài công việc chính tại Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), với sự nhạy bén, năng động, anh Nguyễn Lê Anh Tuấn ở khu phố Thống Nhất, thị trấn Hồ Xá đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi lợn rừng để mở hướng phát triển kinh tế gia đình. Sau hơn 3 năm, mô hình đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.

Hỗ trợ mô hình chăn nuôi vịt biển cho các hộ dân vùng lũ

Phan Việt Toàn |

Nhằm chung tay chia sẻ khó khăn trước những thiệt hại của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng do mưa lũ, đồng thời giúp người dân khôi phục sản xuất, ngày 19/11, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tiến hành cấp giống và triển khai mô hình chăn nuôi vịt biển thịt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.