Hiệu quả cao từ liên kết với doanh nghiệp để nuôi gà

Thanh Hằng - Cảnh Thu |

Sau nhiều đợt thiên tai liên tiếp, điều kiện để tái sản xuất, khôi phục chăn nuôi của người dân vùng lũ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết đã và đang mở ra hướng chăn nuôi ổn định cho người dân vùng lũ huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Trong đó, mô hình nuôi gà của ông Trần Hữu Tấn ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận là một trong những mô hình liên kết chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2018, ông Tấn bắt tay vào xây dựng trang trại nuôi gà trên diện tích hơn 1 ha với kinh phí đầu tư gần 1,8 tỉ đồng. Trang trại có 2 chuồng trại khép kín, hệ thống làm mát hiện đại, xa khu dân cư. Mô hình đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khả quan thì những trận lũ lịch sử cuối năm 2020 khiến trang trại của ông thiệt hại gần 6.000 con gà. Xác định trong điều kiện vùng thấp trũng, nếu cứ đầu tư nuôi theo phương thức cũ sẽ đối diện với rất nhiều rủi ro, chưa kể những khó khăn trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thị trường tiêu thụ.

Mô hình nuôi gà liên kết của ông Trần Hữu Tấn mở ra hướng chăn nuôi an toàn, hiệu quả cho người dân vùng lũ Triệu Phong -Ảnh: Thanh Hằng
Mô hình nuôi gà liên kết của ông Trần Hữu Tấn mở ra hướng chăn nuôi an toàn, hiệu quả cho người dân vùng lũ Triệu Phong -Ảnh: Thanh Hằng

Để khôi phục sản xuất sau lũ, đầu năm 2021, ông Tấn quyết định liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam tiếp tục nuôi với quy mô hơn 17.000 con gà màu theo hình thức công ty cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh chuồng trại; gia đình ông Tấn chịu chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và công chăm sóc. Với những kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình nuôi gà trước đây cùng với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của công ty về quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng nên việc chăn nuôi gà của gia đình ông Tấn thuận lợi hơn, gà hầu như không bị dịch bệnh, không có rủi ro gì.

Ông Tấn cho biết: “Tận dụng chuồng trại sẵn có chúng tôi chỉ bỏ công chăm sóc và nuôi theo đúng quy trình, phía công ty thu mua toàn bộ số gà nên gia đình tôi không phải lo thị trường tiêu thụ, vừa giảm được chi phí đầu tư, vừa hạn chế rủi ro, đồng thời lợi nhuận kinh tế mang lại cao”.

Ưu điểm của mô hình là toàn bộ quy trình chăn nuôi được tuân thủ nghiêm theo quy định của công ty từ khâu chuồng trại, chế độ ăn, uống của gà cho đến việc tiêm phòng dịch bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường nên gà phát triển tốt, ít dịch bệnh, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường. Nếu xảy ra rủi ro, các trang trại chỉ mất phần tiền công chăm sóc, còn lại doanh nghiệp gánh chịu khoản thua lỗ cho người nuôi.

Cũng theo ông Tấn, với mô hình này đòi hỏi chuồng trại khép kín, đảm bảo điều hòa được nhiệt độ của chuồng nuôi. Với việc đầu tư hệ thống máng ăn, máng uống tự động bước đầu đã tiết kiệm chi phí và nhân công chăm sóc. Bên cạnh đó, việc giữ đúng nhiệt độ còn giúp cho việc chăm sóc gà theo từng giai đoạn được thuận lợi, thức ăn, nước uống được cung cấp đầy đủ, đúng giờ nên thời gian nuôi ngắn hơn, tiết kiệm được thức ăn so với chăn nuôi truyền thống, thịt gà chắc, ngon. Để đàn gà phát triển ổn định, ít bệnh đòi hỏi người chăn nuôi phải có hiểu biết kỹ thuật, quy trình chăm sóc hợp lý, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Vì vậy, 100% gà đều được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, mỗi tháng phải phun thuốc khử trùng 2 lần để đảm bảo khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ.

Theo quy trình, mỗi lứa gà nuôi khoảng 2,5 tháng với trọng lượng khoảng 1,8 - 2 kg/con, mỗi năm nuôi được khoảng 3 - 4 lứa. Giá tiền công chăn nuôi là 6.000 đồng/kg. Theo tính toán của ông Tấn, mỗi lứa sau khi trừ mọi chi phí gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, sau mỗi lần xuất chuồng, gia đình ông còn thu về một khoản tiền từ việc bán chất thải nuôi gà dùng làm phân bón cho cây trồng.

Trong điều kiện sản xuất và đời sống của người dân ở vùng lũ còn khó khăn, thì việc liên kết trong chăn nuôi giúp người dân tiếp cận được kỹ thuật chăn nuôi cũng như không phải lo thị trường tiêu thụ, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình liên kết của ông Tấn mở ra hướng chăn nuôi an toàn, hiệu quả cho người dân sau lũ, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận Hoàng Văn An cho biết: “Sự liên kết trong chăn nuôi như mô hình của anh Trần Hữu Tấn thì đầu ra rất ổn định. Hiện nay quỹ đất để phát triển trang trại của xã Triệu Thuận còn nhiều, xã đang có chủ trương quy hoạch những vùng đất xa khu dân cư, thuận lợi để thu hút nguồn đầu tư của các doanh nghiệp cũng như cá nhân muốn đầu tư vào địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tham quan trực tiếp tại trại gà, vận động người dân phát huy lợi thế địa phương để nhân rộng mô hình, đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân khi thành lập mô hình, trang trại”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thành công nhờ liên kết với doanh nghiệp nuôi gà gia trại khép kín

Phương Nga |

Đến Khu dân cư 8, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh(Quảng Trị) không ai không biết tới anh Trần Hữu Thụ, một nông dân dám nghĩ dám làm, dám thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư và đã thành công, vươn lên phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất vườn của mình.

Xu hướng về quê trồng rau, nuôi gà

Lan Hạ |

Dịch Covid-19 giúp cho nhiều người ngộ và hiểu ra rằng giá trị sống mới là điều cốt lõi. Giờ đây các bạn không còn khoe nhà cao, xe đẹp mà thay vào đó là những mảnh vườn trĩu trịt hoa thơm trái ngọt, những hình ảnh chân lấm tay bùn.

Thu tiền tỉ từ liên kết chăn nuôi gà

Anh Vũ |

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ  (Quảng Trị) đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để phát triển mô hình chăn nuôi với quy mô lớn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số đó có gia đình vợ chồng anh Đào Văn Long - chị Trần Thị Lan, ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam mở trang trại chăn nuôi gà đem lại thu nhập cao.

Nuôi gà bằng công nghệ sinh học cho hiệu quả kinh tế cao

Thanh Hằng |

Nhận thấy việc chăn nuôi gà theo phương thức truyền thống năng suất không cao, thu nhập thấp, dễ dịch bệnh, anh Võ Đổng ở thôn Nại Hiệp, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi gà áp dụng công nghệ sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao.