Nuôi gà bằng công nghệ sinh học cho hiệu quả kinh tế cao

Thanh Hằng |

Nhận thấy việc chăn nuôi gà theo phương thức truyền thống năng suất không cao, thu nhập thấp, dễ dịch bệnh, anh Võ Đổng ở thôn Nại Hiệp, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi gà áp dụng công nghệ sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Võ Đổng được xem là một trong những trang trại tiên phong chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn xã Triệu Ái. Gia đình anh Đổng cũng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi gia cầm, tuy nhiên trước đây chủ yếu chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, quy mô nhỏ nên năng suất không cao, thu nhập thấp. Sau khi tiếp thu kiến thức từ các lớp đào tạo nghề do hội nông dân tổ chức, anh Đổng bắt tay xây dựng chuồng trại, mua con giống để phát triển mô hình chăn nuôi gà bằng công nghệ sinh học với giống gà ri lai Vạn Phúc, thuộc Viện Chăn nuôi, Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi Trung ương.

Mô hình nuôi gà bằng công nghệ sinh học của anh Võ Đổng mang lại hiệu quả kinh tế cao -Ảnh: THANH HẰNG
Mô hình nuôi gà bằng công nghệ sinh học của anh Võ Đổng mang lại hiệu quả kinh tế cao -Ảnh: THANH HẰNG

Lúc đầu mới bắt tay vào thực hiện mô hình, gia đình anh gặp khá nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật của Hội Nông dân xã và từ các kiến thức đã được học, anh mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhờ vậy đàn gà của anh dần phát triển ổn định, tìm được thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Theo anh Đổng, mô hình nuôi gà bằng công nghệ sinh học có nhiều quy định nghiêm ngặt từ cách chọn giống đến cách chăm sóc gà qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Cùng với đó, việc tuân thủ đúng theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học là khâu then chốt để đạt được hiệu quả kinh tế cao như: Trước khi xuất bán, đàn gà được sử dụng thức ăn từ ngô và lúa lên men sinh học, không để tồn dư lượng thức ăn công nghiệp. Chuồng trại được xây dựng thông thoáng, sạch sẽ giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định. Bề mặt chuồng được rải một lớp trấu dày, hằng ngày đảo trấu kết hợp với rải vôi bột xử lý phân gà, đồng thời kết hợp tiêm phòng vắc xin, nhờ đó hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh. Khi áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi, đàn gà của gia đình anh nhanh lớn, tỉ lệ hao hụt thấp, ít mắc bệnh, chất lượng thịt ngon, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây. Anh Đổng cho biết: “Gia đình tôi chăn nuôi gà đã lâu năm, nhận thấy gà rất mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết, dễ mắc các loại dịch bệnh, đặc biệt với tình hình thời tiết mưa rét thất thường như hiện nay. Tuy nhiên, nhờ áp dụng chăn nuôi công nghệ sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên đàn gà phát triển tốt về số lượng lẫn chất lượng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường”.

Theo quy trình, sau mỗi lứa xuất chuồng, người chăn nuôi tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng từ 10 – 15 ngày mới thả nuôi trở lại. Vì vậy, bình quân mỗi năm gia đình anh Đổng nuôi 4 lứa gà, mỗi lứa khoảng từ 400 – 500 con, sau khi trừ các khoản chi phí cho thu nhập trên 60 triệu đồng.

Nhận thấy chuyển đổi từ mô hình nuôi gà truyền thống sang nuôi gà bằng công nghệ sinh học của gia đình anh Võ Đổng vừa an toàn vừa hiệu quả, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Triệu Ái đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng phù hợp. Chủ tịch Hội Nông dân Triệu Ái Đỗ Minh Tý cho biết: “Trên địa bàn hiện xây dựng được một số mô hình chăn nuôi theo phương pháp sinh học, xuất phát từ thành công của mô hình nuôi gà bằng công nghệ sinh học của anh Võ Đổng. Từ hiệu quả ban đầu mang lại, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với các ngành tiếp tục mở các lớp tập huấn để nhân rộng mô hình nuôi gà an toàn sinh học trên địa bàn, nhằm giúp nông dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống”.

Thành công từ mô hình chăn nuôi gà bằng phương thức áp dụng công nghệ sinh học của anh Võ Đổng cho thấy việc áp dụng tốt các quy trình trong chăn nuôi sẽ giúp đàn gà phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình cũng như đảm bảo tốt vấn đề môi trường. Mô hình này cần nhân rộng để khai thác tốt tiềm năng lợi thế của từng địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tần tảo nuôi con ăn học nên người

Minh Long |

Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn Bố Liêu, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảg Trị)  luôn cùng chồng quyết tâm nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Tấm gương của chị luôn được chị em nơi vùng quê nổi tiếng với nghề chằm nón này khen ngợi và học tập.

Nuôi vịt biển trong môi trường nước ngọt đem lại hiệu quả

Phan Việt |

Nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời chuyển dịch một số nghề chăn nuôi theo hướng bền vững, năm 2018, 2019 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với chính quyền địa phương một số xã ven biển triển khai mô hình nuôi vịt biển và đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Đến nay mô hình đã được nhân rộng ra nhiều địa phương ven biển trong tỉnh.

Đốt lửa, đắp chăn cho vật nuôi chống rét

Gia Hân - Quỳnh Anh |

Băng giá, tuyết dày đặc kèm nhiệt độ liên tục xuống thấp khiến các tỉnh miền núi Bắc Bộ thiệt hại nặng nề. Nhiều trâu, bò ở Lào Cai chết trong giá rét.

Nhân giống bằng nuôi cấy mô, hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trần Anh Minh |

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển tất yếu hiện nay. Tại Quảng Trị, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) cao mới bắt đầu thực hiện và ở quy mô chưa lớn nhưng đã khẳng định hiệu quả và thích nghi tốt đối với trình độ của nông dân. Ứng dụng KH&CN cao trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh đã được thực hiện trong cả quá trình sinh trưởng của cây trồng nhằm hạn chế sự tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đồng đều, trong đó có kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật.