Vươn lên từ nghịch cảnh

Trúc Phương |

Với một người khuyết tật, tự nuôi sống bản thân đã khó, vươn lên làm giàu lại càng khó hơn.

Thế nhưng, nhờ đức tính cần cù, chịu khó, chị Lê Thị Yên (sinh năm 1976), ở thôn Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã phát triển hiệu quả kinh tế gia đình, đồng thời nuôi dạy các con học hành chăm ngoan. Câu chuyện của người chị truyền cảm hứng cho nhiều người dân địa phương.

Cũng như bao người khuyết tật khác, chị Yên từng có một tuổi thơ bất hạnh vì không may chào đời với cơ thể không lành lặn.

Chị thường xuyên trở thành “tâm điểm” của những trò đùa, lời trêu chọc khiếm nhã từ bạn bè đồng trang lứa lẫn người lớn xung quanh. Lâu dần, điều này biến thành nỗi ám ảnh, mặc cảm lớn, khiến chị dần thu mình lại, không muốn tiếp xúc với ai.

Nhớ về khoảng thời gian đó, chị Yên mắt đỏ hoe, kể: “Hồi ấy, chiếc áo khoác dài tay và nón lá là hai vật bất ly thân của tôi.

Đi đâu, tôi cũng mặc vào để che cái phần tay không nguyên vẹn của mình. Tôi còn ước giá như ngày nào trời cũng mưa, vì khi mặc áo mưa, tôi sẽ “bình thường” như tất cả mọi người. Hôm nào đi học về, tôi cũng ôm lấy mẹ khóc nức nở vì tủi thân”.

Bằng nghị lực của bản thân, chị Yên đã vượt qua nghịch cảnh, thay đổi cuộc sống của mình - Ảnh: T.P
Bằng nghị lực của bản thân, chị Yên đã vượt qua nghịch cảnh, thay đổi cuộc sống của mình - Ảnh: T.P

Dù từ bé đã có ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành cô giáo đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ nhưng vì nỗi mặc cảm về khuyết điểm trên cơ thể mà năm lớp 9, chị quyết định nghỉ học.

Mãi đến năm 28 tuổi, chị mới kết hôn và xây dựng gia đình nhỏ của mình. “Chồng tôi là một người chịu thương, chịu khó. Hơn hết, vì cũng có một tuổi thơ bất hạnh nên anh ấy luôn thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của tôi”, chị Yên chia sẻ.

Chị Yên từng ví cuộc sống của mình là chuỗi ngày buồn nối tiếp nhau, thế nhưng chuỗi ngày ấy đã có nhiều sự đổi thay vào năm 2007, khi chị tham gia vào hội người khuyết tật tại địa phương. “Có thể coi đó là bước ngoặt, giúp đời tôi sang trang”, chị Yên bộc bạch.

Tại đây, chị không chỉ được học tập, chia sẻ tâm tư, tình cảm với những người đồng cảnh ngộ mà còn nhiều lần dự thi và đạt giải cao ở nội dung điền kinh tại các kỳ thi thể thao dành cho người khuyết tật - Paragame do tỉnh tổ chức.

Tham gia vào nơi mà hầu hết mọi người đều có hoàn cảnh giống mình khiến chị Yên dần lấy lại sự mạnh dạn, tự tin. Một thời gian dài, chị còn trở thành cộng tác viên cho Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tại Quảng Trị nhằm giúp cho người khuyết tật trên địa bàn có cơ hội hòa nhập tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhận thức được rằng mình sẽ không thể có đủ điều kiện nuôi con nếu chỉ mãi dựa vào trợ cấp xã hội nên vợ chồng chị luôn tìm cách để phát triển kinh tế gia đình.

“Nghe trong xã có mở lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, vợ chồng tôi đều tham gia ngay. Nhiều người thấy thế cứ cười vì họ cho rằng những lớp đó không hiệu quả. Nhưng vợ chồng tôi lại nghĩ khác, có học vẫn hơn chứ.

Và chỉ có làm giàu mới là con đường tốt nhất giúp tôi hòa nhập, thay đổi số phận của mình”, chị Yên cho hay.

Ban đầu, vợ chồng chị vay mượn từ người thân, họ hàng một số vốn nho nhỏ, đủ mua 5 con lợn giống về nuôi.

Cũng nhờ những kiến thức tiếp thu được tại các lớp học mà quá trình chăn nuôi của vợ chồng chị không gặp quá nhiều khó khăn. Qua thời gian, chị dần mở rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi của mình.

Hiện vợ chồng chị Yên đang nuôi 50 con lợn, 200 con gà, vịt lấy thịt, 100 con gà đẻ trứng, làm thêm 3 - 4 mẫu ruộng. Bình quân mỗi năm, thu nhập của gia đình chị đạt trên 150 triệu đồng.

Nhờ đó mà vợ chồng chị không chỉ xây dựng được nhà cửa khang trang, thoát nghèo mà còn có điều kiện chăm sóc đủ đầy cho các con đang độ tuổi đến trường.

Vợ chồng chị yên có 3 người con. Trong đó, đứa lớn nhất đang học lớp 12, đứa nhỏ nhất đang học lớp 2. Quan điểm dạy con của vợ chồng chị là luôn lắng nghe con nói, phân tích cho con hiểu và ủng hộ hết mình trước những quyết định đúng đắn của con.

“Các con ngoan, luôn chủ động bảo ban nhau học hành và giúp đỡ bố mẹ. Chỉ cần thấy thế là bao nhiêu vất vả, mệt mỏi sau một ngày lao động đều tan biến đi”, chị nói, trong mắt tràn ngập sự tự hào.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đồn Biên phòng Thanh trao hơn 1000 suất quà cho người có hoàn cảnh khó khăn

Đình Tiến - Bảo Phú |

Ngày 29/4/2023, Đồn Biên phòng Thanh kết nối với “Nhóm thiện nguyện Hà Nội” do chị Mai Lan làm trưởng đoàn đã trao hơn 1000 suất quà cho nhân dân 2 xã Thanh, Lìa, thầy cô giáo và các em học sinh các Trường TH&THCS A Xing, TH&THCS Thanh, mầm non Thanh, mầm non A Xing  (Hướng Hóa, Quảng Trị). 

Trao 200 suất học bổng “Gieo mầm tri thức” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Trúc Phương |

Ngày 14/4, tại huyện Cam Lộ, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh (Agribank chi nhánh Phú Nhuận) và Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức lễ trao học bổng “Gieo mầm tri thức” năm 2023.

Đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Diệu Thúy |

Trong những năm qua, ngoài việc nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác chuyên môn, hội viên Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Trị đã chủ động tổ chức và tích cực tham gia nhiều phong trào, trong đó có hoạt động đỡ đầu trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Những hoạt động này đã góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Công an Quảng Trị đẹp hơn trong lòng Nhân dân.

Nhận đỡ đầu 3 năm liên tiếp cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Bảo Phú - Hồ Giỏi |

Ngày 27/2/2023, UBND – UBMTTQVN xã Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) nhận đỡ đầu 3 năm liên tiếp cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn trên địa bàn xã là gia đình anh Hồ Văn Lẩu và chị Hồ Thị Tiếp.