Đakrông (Quảng Trị) là huyện miền núi có trên 80% người dân sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho Nhân dân.
Trong đó, xã A Bung là một trong những điểm sáng, hiện còn bảo tồn, lưu giữ được các di sản văn hóa vật thể quý giá như cồng chiêng, khèn, trống, thanh la... và cũng là địa phương thành lập được 2 đội cồng chiêng trên địa bàn.
Từ bao đời nay, cồng chiêng luôn được các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã A Bung trân trọng và gìn giữ. Việc có nhiều cồng chiêng hiện diện trong nhà phần nào thể hiện được sự sung túc, uy tín của gia đình đó trong bản làng.
Là một người đam mê văn hóa truyền thống, bà Hồ Thị Mụp ở thôn A Bung, xã A Bung, đang lưu giữ 2 loại nhạc cụ gồm cồng và chiêng. Bà xem những nhạc cụ đó như là tài sản quý của gia đình, bởi nó đã được trao truyền qua nhiều thế hệ.
Bà Mụp chia sẻ: “Tôi lo ngại nếu không lưu giữ những nhạc cụ truyền thống thì mai này sẽ không ai còn nhớ đến nguồn cội, tổ tiên. Nên tôi cố gắng giữ gìn và truyền lại cho con cháu trong gia đình biết nhằm duy trì đời sống sinh hoạt tinh thần của người dân tộc mình”.
Không chỉ gìn giữ cẩn thận các nhạc cụ, bà Mụp cùng nhiều nghệ nhân lớn tuổi ở thôn còn thường xuyên truyền đạt kiến thức, kỹ năng sử dụng thành thạo nhạc cụ và hát các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình cho những người trẻ đam mê với vốn quý của cha ông. “Mình phải nỗ lực truyền dạy cách sử dụng cồng chiêng, trống, khèn, nhạc cụ các loại và kể cả lời của các bài dân ca, dân vũ truyền thống. Nếu không tâm huyết với văn hóa truyền thống, với thế hệ trẻ của bản làng thì những làn điệu dân ca và cả tiếng cồng chiêng sẽ có nguy cơ thất truyền”, bà Mụp nói thêm.
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào dân tộc tại các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị nói chung, tại xã A Bung, huyện Đakrông nói riêng. Văn hóa cồng chiêng thường được người dân sử dụng tại các lễ hội truyền thống hoặc sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước như lễ hội Ariêu Ping (cải táng), Prúc bor (cầu mùa), cúng lúa mới, mừng làng mới, cưới hỏi, ma chay. Cồng chiêng tại các lễ hội góp phần thắt chặt và gắn kết mối quan hệ cộng đồng của người dân.
Trong không gian các lễ hội này, mỗi cá nhân sẽ sử dụng một nhạc cụ và tiết tấu riêng, được kết hợp tổng thể thành một giai điệu độc đáo. Tiếng cồng chiêng cùng với các nhạc khí như khèn bè, tù và, trống, chập chọe... cất lên vang vọng được xem như là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn, diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hằng ngày của dân bản. Cũng vì thế mà các thành viên trong đội cồng chiêng ở thôn A Bung thường xuyên gặp gỡ, tập luyện mỗi tháng 1 lần để lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Pa Kô, Vân Kiều và trình diễn ở các lễ hội.
Ngoài đội cồng chiêng của thôn A Bung được thành lập năm 2022, vào năm 2023, đội cồng chiêng ở thôn Cu Tài 2 cũng đã ra mắt với hàng chục thành viên tâm huyết tham gia.
Tham gia đội cồng chiêng, các thành viên được tìm hiểu giá trị văn hóa cồng chiêng trong đời sống của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều; cách bảo quản và sử dụng các loại nhạc cụ trong hệ thống các loại cồng chiêng.
Ngoài ra, họ còn được tập huấn, truyền dạy, hướng dẫn thực hành về các giai điệu chính của cồng chiêng, cách diễn tấu và những bài múa cồng chiêng đặc trưng của đồng bào mình; hướng dẫn về các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ phục vụ biểu diễn cồng chiêng như tù và, khèn bè, trống, cồng, thanh la, chập chọe...
Các học viên còn được tham gia hoạt động biểu diễn cồng chiêng nhằm giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong thực hành biểu diễn.
Phó Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Thị Nhàn cho biết: “Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ tập trung tuyên truyền, vận động với mục tiêu thành lập thêm các đội cồng chiêng ở 7/9 thôn còn lại nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống trên địa bàn xã. Chúng tôi cũng mong muốn Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho lớp trẻ để văn hóa cồng chiêng tại địa phương không bị mai một”.
Không để cồng chiêng xa rời cuộc sống hằng ngày, không để hồn cốt văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số bị thất truyền, chính quyền xã A Bung nói riêng và các huyện miền núi trong tỉnh nói chung đang từng ngày nỗ lực và chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể để văn hóa cồng chiêng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, tạo nên sức sống bền bỉ, mãi âm vang giữa bản làng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)