Nép mình bên dòng sông Hiếu hiền hòa, làng hoa An Lạc (Phường Đông Giang, thành phố Đông Hà) từ lâu đã nức tiếng gần xa với nghề trồng hoa truyền thống. Nghề trồng hoa nơi đây không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân mà còn khẳng định vị thế nông nghiệp ven đô.
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi ghé thăm làng hoa An Lạc đúng thời điểm bà con nơi đây vừa xuống giống cúc pha lê, cúc mâm xôi trồng chậu chuẩn bị cho vụ hoa tết Ất Tỵ 2025. Hàng chục nghìn chậu lớn nhỏ của các nhà vườn dần được phủ xanh với các giống hoa.
Theo các bậc cao niên, nghề trồng hoa bắt đầu du nhập và hình thành ở An Lạc khoảng từ sau năm 1975, tức đến nay ngót gần nửa thế kỷ. Ban đầu, người dân trồng hoa tại bãi biền phù sa dọc theo sông Hiếu ở đoạn đường Hoàng Diệu, đường Trần Nguyên Hãn ngày nay. Thời đó, người dân làng An Lạc chỉ trồng những loại hoa truyền thống như hoa thọ, lay ơn, thược dược...Từ vài loại hoa đơn điệu ấy, đến ngày nay làng hoa An Lạc đã trồng được các chủng loại hoa đa dạng theo “bốn mùa”, đủ sắc màu rực rỡ, phục vụ tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Chúng tôi ghé thăm vườn của ông Hoàng Hữu Quốc, một trong những hộ trồng hoa sớm nhất ở làng hoa An Lạc. Trong khu nhà lưới rộng lớn, hai vợ chồng ông đang cần mẫn xuống giống hoa cúc pha lê vào những dãy chậu đã được làm đất sẵn từ trước.
Tay thoăn thoắt trồng những cây hoa cúc giống vừa nhập về từ Đà Lạt, ông Quốc cho biết: “Tôi theo nghề trồng hoa từ năm 1980. Hồi đó, ở An Lạc chỉ có vài hộ trồng hoa trên đất ở ngoài bờ sông. Nhưng do trồng dọc theo bờ sông nên rất dễ bị lũ lụt ngập úng, thiệt hại. Do vậy, bắt đầu từ năm 1983 chúng tôi dần chuyển sang trồng hoa chậu để vừa chống được lũ lụt vừa có thu nhập cao hơn. Vụ hoa Tết năm nay nhà tôi trồng khoảng 2.500 chậu hoa, trong đó gồm khoảng 500 chậu hoa cúc pha lê cộng và cúc mâm xôi, các loại hoa khác”.
Dẫn tôi đi thăm các hộ đang tiến hành xuống giống vụ hoa Tết, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa An Lạc Hoàng Hữu Khiêm phấn khởi giới thiệu, kể từ khi hình thành gần 50 năm trước, đến nay làng hoa An Lạc đã có bước phát triển đáng kể. Từ sau năm 2000, làng hoa chủ yếu trồng hoa chậu thâm canh, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa theo hướng thâm canh. Đa dạng với nhiều loại hoa du nhập mới như đồng tiền, bát tiên, tường vi, các loại hoa treo, các loại hoa chịu hạn...
Từ năm 2010, quy mô làng hoa được định hình khi thành lập Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc với 20 hộ tham gia. Tổ hợp tác chuyển từ trồng hoa dọc bờ sông về khu vực trồng hoa tập trung ở Khu phố 3, phường Đông Giang. Tại khu tập trung, các hộ đã được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, nhà lưới, nhà màng và bỏ tiền đầu tư thêm trang thiết bị cần thiết khác phục vụ sản xuất.
Đến nay, các hộ trồng hoa đã cơ bản sản xuất ổn định. Tổng doanh thu từ nghề trồng hoa của Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc đến nay đạt bình quân khoảng 4-5 tỉ đồng/năm, mang lại thu nhập ổn định và giúp nhiều hộ trở nên khấm khá, từ đó họ gắn bó hơn với nghề.
Để giúp làng hoa An Lạc phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao hơn, Tổ trưởng tổ trồng hoa An Lạc Hoàng Hữu Khiêm kiến nghị: “Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu sản xuất tập trung với các hạng mục như khuôn viên, đường bê tông, bể chứa nước tự nhiên, ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người trồng hoa, nhất là vào dịp Tết; xem xét giá cho thuê mặt bằng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoa vào dịp Tết ở Công viên Fidel một cách hợp lý (hiện tại giá còn cao); quy hoạch chính thức địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoa cho các hộ trồng hoa An Lạc (tuyến đường Hoàng Diệu). Có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cảnh quan các vườn hoa ở An Lạc để trở thành điểm tham quan, thu hút du khách trong tương lai”.
Rõ ràng, nghề trồng hoa ở làng An Lạc không chỉ mang lại thu nhập cho các hộ trồng hoa mà còn trực tiếp tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho khoảng 60-100 lao động tại địa phương với các công việc như trồng, chăm sóc, vè hoa, vận chuyển. Ngoài ra, nghề trồng hoa còn có tác động tích cực cho các nghề khác như đúc chậu, cung ứng vật liệu tre, vật tư nông nghiệp...
Hiện nay, nhiều hộ trồng hoa An Lạc đã chú trọng phát triển nghề, điển hình như hộ ông Hoàng Kim Trương đã đầu tư 1,5-2 tỉ đồng đầu tư cơ sở vật chất tại vườn hoa và cơ sở kinh doanh hoa của gia đình; hộ ông Hoàng Kim Cường vừa trồng hoa vừa chuyển qua trồng, kinh doanh cây cảnh để nâng cao giá trị kinh tế.
Anh Khiêm cho biết, sắp tới Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc sẽ sản xuất hoa theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học để đảm bảo môi trường, xây dựng mô hình vườn hoa kết hợp tham quan. Điều đáng mừng là thời gian qua, Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc đã được nhiều đoàn cán bộ của các địa phương ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng hoa; các đoàn khách du lịch nước ngoài, khách trong nước, trong tỉnh đến tham quan, chụp hình, mua hoa tại vườn...Đây là những dấu hiệu tích cực và là động lực để các nhà vườn mạnh dạn tính chuyện đầu tư xây dựng vườn hoa quy mô hơn.
Chủ tịch UBND phường Đông Giang Nguyễn Văn Kiệt cho biết: “Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp của thành phố, phường vận động người dân tìm kiếm, chọn lọc nguồn giống hoa mới hiệu quả du nhập vào trồng để đa dạng chủng loại hoa, có thể trồng quanh năm để cung cấp không chỉ trong tỉnh mà còn ra bên ngoài. Giai đoạn 2, chính quyền địa phương sẽ nỗ lực tranh thủ, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng và phát triển các vườn hoa kết hợp điểm tham quan du lịch, check-in nhằm thu hút du khách để nâng tầm cho làng hoa”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)