Hơn 15 năm gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh, ông Hoàng Nhật Trinh (sinh năm 1959), ở Khu phố 1, phường Đông Giang, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị không chỉ được làm công việc mình yêu thích mà còn kiếm được nguồn thu nhập khá, tạo việc làm thời vụ cho một số lao động trên địa bàn.
Thời điểm này tuy chưa phải là mùa cao điểm chuẩn bị hoa cho tết, song ông Trinh vẫn tới vườn từ sáng sớm để tưới nước, cắt tỉa, chăm sóc cho từng chậu hoa. “Tôi vốn làm nghề dạy học nhưng đặc biệt yêu thích trồng hoa, cây cảnh. Hơn 15 năm trước, tôi bắt đầu mày mò trồng hoa, chủ yếu để thỏa mãn niềm đam mê, ai ngờ lại gắn bó với công việc này cho đến bây giờ. Sau khi nghỉ hưu, tôi dành toàn tâm, toàn sức chăm sóc mảnh vườn này”, ông Trinh từ tốn kể.
Trên diện tích rộng chừng 960 m2 , ông trồng 1.500 chậu cúc mâm xôi truyền thống; 1.000 chậu cúc mâm xôi Hàn Quốc cùng một số loại hoa để bàn, hoa treo. Khu phố 1, phường Đông Giang còn được gọi là “làng hoa An Lạc”, nổi tiếng về nghề trồng hoa cảnh hàng chục năm nay. Với số lượng lớn hộ dân chuyên trồng hoa thương phẩm, đây là nơi cung cấp hoa lớn nhất cho TP. Đông Hà nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung. Để không “đụng hàng” với các hộ sản xuất khác trong khu phố, ông Trinh tìm lối đi riêng bằng cách chọn trồng tập trung vào hoa cúc mâm xôi và đã thành công ngay từ lần đầu tiên.
Đến nay, ông đã có kinh nghiệm 5 năm trồng hoa cúc mâm xôi. Trả lời câu hỏi vì sao ông chọn trồng loại hoa này, ông Trinh chia sẻ: “Trước tôi, ở An Lạc gần như chưa có ai trồng được hoa cúc mâm xôi, bởi đây là loại hoa chỉ phát triển ở những vùng thời tiết ôn hòa. Muốn bán hoa này, các thương lái phải mua hoa từ miền Nam đưa ra Quảng Trị. Qua quá trình di chuyển, hoa không còn đẹp nữa, chi phí vận chuyển lại khá cao. Cho nên tôi quyết định trồng hoa cúc mâm xôi ngay tại Quảng Trị sau khi học hỏi kinh nghiệm từ người quen cộng với tìm tòi trên internet”.
Để loại hoa này phát triển tốt, theo ông Trinh, xử lý đất là công đoạn tiên quyết. “Vì mùa mưa ở Quảng Trị thường kéo dài khiến đất ẩm ướt, đây sẽ là môi trường để mầm bệnh sinh sôi. Sau khi xử lý đất, việc chăm sóc hoa sẽ dễ dàng hơn”, ông Trinh nói. Mỗi ngày, ông dành gần như một nửa thời gian ở vườn hoa để sống trọn với niềm đam mê của mình.
Ông tự tay bấm ngọn, chăm sóc hoa để cho ra được thành phẩm ưng ý nhất. Hiện tại, một cặp cúc mâm xôi được ông Trinh bán với giá 400.000 - 500.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ ông lãi khoảng 120 - 150 triệu đồng. Bên cạnh tạo thu nhập khá cho gia đình, ông còn tạo việc làm thời vụ cho một số lao động trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Giang Hoàng Thị Thu đánh giá: “Mô hình trồng hoa cúc mâm xôi của ông Trinh mang lại hiệu quả kinh tế khá và góp phần mở ra một hướng trồng hoa mới tại Tổ hợp tác hoa An Lạc. Bên cạnh là tấm gương sản xuất - kinh doanh giỏi của phường và thành phố, ông Trinh cũng là một chi hội trưởng nhiệt tình, cởi mở, luôn giúp đỡ các hội viên khác trong khu phố phát triển kinh tế, đưa phong trào của chi hội ngày càng đi lên”.
Ông Trinh làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Khu phố 1, phường Đông Giang từ năm 2022. Toàn chi hội có 30 hội viên, phần lớn đều nằm trong Tổ hợp tác hoa An Lạc. Phát huy vai trò của mình, trong 2 năm qua, ông đã có nhiều nỗ lực giúp phong trào sản xuất của hội viên phát triển sôi nổi. Từ thành công của mình, ông hỗ trợ giống, hướng dẫn cho một số hội viên trong chi hội trồng hoa cúc mâm xôi và bước đầu đạt kết quả khả quan.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)