Tuy các mô hình chưa phát triển mạnh như ở một số địa phương khác trong tỉnh, nhưng dần nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã đầu tư triển khai trồng hoa thương phẩm cung cấp vào dịp Tết. Trong đó, hiện quy mô lớn nhất là vườn hoa của hộ anh Lê Văn Phong (sinh năm 1979), ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp. 10 năm nay, anh Phong có thêm thu nhập khoảng 250 triệu đồng/vụ hoa.
Những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn, anh Phong cùng nhân công tập trung chăm sóc để chuẩn bị xuất bán trên 2.000 chậu hoa và 10 vạn cây hoa trồng đất được xuống giống từ nhiều tháng trước trên diện tích vườn hoa rộng hơn 1,5 ha. Bắt đầu học hỏi, thử nghiệm trồng hoa vào năm 2014, qua 10 năm, anh Phong đã đúc rút nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc các loại hoa mà thị trường thường ưa chuộng vào dịp Tết như: mai, cúc, thược dược, ngọc thảo...
Nhờ đó vườn hoa của anh phát triển tốt. Được biết 3 năm đầu, anh Phong chỉ trồng thử vài trăm chậu hoa, chủ yếu là hoa cúc, nhập giống từ thành phố Đà Lạt. Quá trình sản xuất thấy cho kết quả khả quan, anh dần mở rộng diện tích, tự đúc chậu, nhân giống từ cây cấy mô, tăng số lượng hoa, loại hoa trồng lên quy mô lớn.
Anh Phong chia sẻ: “Tôi thấy trồng hoa để bán vào dịp Tết thì chi phí bỏ ra không quá lớn, như vườn hoa của tôi đầu tư đến nay khoảng 250 triệu đồng. Trồng hoa cũng không quá khó, chỉ cần lưu ý chọn được nguồn giống chất lượng, trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, quan tâm phòng trừ sâu bệnh hại.
Đặc biệt chú ý, tùy theo thời tiết, độ ẩm, ánh sáng mà tính toán, điều chỉnh thời gian trồng, bón phân, tưới nước, tỉa cành, ngắt lá... thích hợp để cây cho trổ hoa vào đúng dịp Tết, hoa đều, đẹp thì bán dễ và giá bán cũng cao hơn”.
Với số lượng hoa hiện có tại vườn, anh Phong dự định, vào khoảng ngày 20/12 âm lịch sẽ xuất bán 70% cho thương lái trong tỉnh và tỉnh Quảng Bình theo đơn đặt hàng từ trước. 30% còn lại anh vận chuyển về trưng bày, bán lẻ trực tiếp tại Hội chợ hoa xuân huyện Vĩnh Linh.
Theo tính toán của anh Phong, giá bán hoa giao động từ 150 ngàn đồng - 2 triệu đồng/chậu hoa tùy loại, anh thu về trên 500 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, riêng lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng. Vườn sản xuất hoa của anh Phong cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp Lê Đức Quang Huy cho biết: “Xã Vĩnh Chấp vốn không có nhiều lợi thế phát triển các loại cây trồng do điều kiện thổ nhưỡng vùng gò đồi. Mô hình trồng hoa thương phẩm của hộ anh Lê Văn Phong là một hướng đi mới, mang lại thu nhập cao hơn so với canh tác các loại cây trồng khác, quan trọng nữa cho thấy tính ổn định vì đầu ra hoa thương phẩm hầu hết các năm đều khá thuận lợi.
Xét hiệu quả của mô hình, Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp cũng đã tham mưu UBND xã tạo điều kiện cho gia đình anh Phong thuê đất làm mặt bằng nhằm phát triển diện tích trồng hoa. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích để các hộ dân có nhu cầu sẽ học tập, hướng đến nhân rộng mô hình, thúc đẩy chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho lao động vùng nông thôn Vĩnh Chấp”.
Mô hình nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đầu tư trồng hoa thương phẩm quy mô hàng hóa cũng đã góp phần cung ứng nguồn hoa tại chỗ cho thị trường Tết, giảm được phần nào chi phí khi nhập hoa từ các tỉnh, thành phố khác. Từ đó mang thêm niềm vui cho người trồng hoa, thương lái bán hoa và cả người dân mua hoa vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)