Bánh dày và hoạt động giã bánh dày là điều không thể thiếu trong các dịp lễ Tết của đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đối với đồng bào Mông tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) chiếc bánh dày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong những ngày Tết cổ truyền.
Những chiếc bánh dày không chỉ là sản phẩm dâng thờ cúng tổ tiên, mà còn thể hiện mong ước của bà con một năm mới no ấm, bình an và hạnh phúc.
Để có món bánh dày ngon như ý, cần chuẩn bị sẵn cối giã bánh. Cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chày giã bánh cũng được làm bằng các loại gỗ cứng và nặng; vừng rang sẵn và mấy lòng đỏ trứng gà đã được luộc chín để xoa tay và xoa các dụng cụ để nặn bánh không bị dính.
Trong ngày lễ Tết của người Mông, bánh dày còn là món ăn đãi khách, làm quà cho khách đến thăm nhà. Khi ăn, bánh thường nướng trên than hồng hoặc cắt thành từng miếng nhỏ hình chữ nhật rồi rán phồng thật thơm và hấp dẫn.
Hình ảnh giã bánh dày của dân tộc Mông, xã Pò Chài, Mai Châu, tỉnh Hòa Bình:(Nguồn: Báo Tin tức)