Quảng Trị có một hệ thống di sản văn hóa khá phong phú, đồ sộ và độc đáo với với hơn 500 di tích đã được xếp hạng các cấp, bao gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia và 476 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa được tỉnh chú trọng nhằm phát huy giá trị văn hóa trong đời sống và tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững.
Ngày 7/12/2017, tại Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ UNESCO về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Sau khi được UNESCO ghi danh, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1899/QĐUBND ngày 17/8/2018 về việc ban hành Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2023 với tổng nguồn kinh phí 1,8 tỉ đồng.
Trong thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như: tiến hành kiểm kê, số hóa di sản nghệ thuật Bài chòi; tổ chức truyền dạy, đào tạo cho thế hệ trẻ về kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi.
Nghiên cứu ban hành chính sách tạo điều kiện, môi trường cho các nghệ nhân, câu lạc bộ và cộng đồng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi; tổ chức khai thác di sản Bài chòi phục vụ phát triển văn hóa và du lịch, tuyên truyền, quảng bá di sản nghệ thuật Bài chòi. Trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với công tác bảo vệ, phát huy di sản nghệ thuật Bài chòi ở Quảng Trị được thực hiện và đạt kết quả tốt.
Đến nay ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có các Câu lạc bộ, hội chơi Bài chòi như ở các làng Tùng Luật, làng Cổ Mỹ xã Vĩnh Giang; làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa; xã Trung Nam (huyện Vĩnh Linh); làng Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong); làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh; xã Hải Thái (huyện Gio Linh); xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị)…
Ngoài di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” đã được vinh danh, Quảng Trị còn có nhiều di sản có giá trị đặc sắc như “Nghệ thuật trình diễn dân gian Hò giã gạo tỉnh Quảng Trị” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội cách mạng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như Lễ hội chợ Đình Bích La, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn, Lễ hội A riêu ping của đồng bào Pa Kô…Đây chính là sản phẩm văn hóa tinh thần được kết tinh từ trong quá trình sống, lao động, xây dựng, chiến đấu, bảo vệ và phát triển của con người Quảng Trị, là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ và từng bước trở thành sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương.
Ngoài 4 di tích quốc gia đặc biệt thuộc loại hình di tích lịch sử, tỉnh Quảng Trị còn có 4 bảo vật quốc gia (Hai bức Phù điêu lá nhĩ Trà Liên, Tượng Uma Dương Lệ và Trống đồng Trà Lộc). Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cũng như từ các nguồn xã hội hóa, các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp và phát huy giá trị. HĐND tỉnh cũng đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa.
Xác định công tác bảo tồn, tôn tạo di tích và trên cơ sở lợi thế của hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng mang tính độc đáo, riêng có của tỉnh, Quảng Trị gắn công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích với công tác phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị.
Theo đó, có 3 di tích quốc gia đặc biệt đã được đầu tư với tổng kinh phí hơn 62 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa. Trong đó: Di tích Thành Cổ Quảng Trị đã được đầu tư 24,5 tỉ đồng; Di tích Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh đã được đầu tư hơn 12 tỉ đồng; Di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải đã được đầu tư 26 tỉ đồng.
Trên cơ sở phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc trưng riêng có của mỗi loại hình di sản, những năm gần đây, du lịch di sản đã phát triển mạnh mẽ, lượng khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Trị ngày càng tăng. Trong năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị ước đạt 1.550.000 lượt (tăng 301,5% so với năm 2021).
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 5.400 lượt và khách nội địa đạt 1.544.600 lượt. Tổng doanh thu du lịch xã hội ước đạt 1.475 tỉ đồng. Riêng quý I/2023, tổng lượng khách du lịch ước đạt 457.630 lượt; trong đó khách quốc tế: 9.300 lượt và khách nội địa ước đạt 448.330 lượt. Doanh thu xã hội ước đạt 372,4 tỉ đồng, trong đó doanh thu chuyên ngành ước đạt 125,7 tỉ đồng.Các di tích lịch sử, di sản văn hóa đang ngày càng góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch nói riêng, KT-XH của tỉnh nói chung. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thì việc khai thác, phát huy giá trị di tích, di sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Được biết, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đang tập trung nghiên cứu mở rộng chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị đưa Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh vào danh mục dự kiến trình công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đồng thời triển khai lập quy hoạch Di tích quốc gia hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An; chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị và xem xét trình công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Trên thực tế, giá trị của các di sản không chỉ góp phần làm dày hơn, phong phú, đa dạng hơn kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc, mà còn có thể trở thành một động lực, góp phần vào sự tăng trưởng KTXH của tỉnh. Để di sản văn hóa thực sự trở thành sản phẩm thế mạnh của du lịch địa phương, bên cạnh việc đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh ưu tiên, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, xây dựng được các sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, song song với đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ du lịch.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)