Cục Di sản văn hóa: Sẽ sớm có kết quả hồi hương ấn 'Hoàng đế chi bảo'

Minh Thu |

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định dù ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" thuộc sở hữu cá nhân thì cũng sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa.

Chuyến hồi hương mang tính lịch sử của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ sớm có kết quả trong giai đoạn tháng 4-6/2023.

Đó là lời khẳng định của ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cung cấp trong cuộc họp báo thường kỳ Quý I/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
 
Ấn vàng của Hoàng đế Minh Mạng. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)  

Trước thông tin một nhà sưu tập người Việt đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", ông Trần Đình Thành cho hay Cục Di sản văn hóa chưa thể công bố thông tin chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng và tiến hành thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra.

“Hiện nay chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin cụ thể vì phải thực hiện cam kết giữa các bên và tiến hành thủ tục để đưa ấn vàng hồi hương theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam và Pháp,” ông Trần Đình Thành cho biết.

Trả lời phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Trần Đình Thành khẳng định dù ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" thuộc sở hữu cá nhân thì cũng sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa.

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trả lời tại họp báo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trả lời tại họp báo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Thông tư số 19 (năm 2012) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định danh mục di vật cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945 trong đó bao gồm ấn tín,” ông Trần Đình Thành nói.

Ở góc độ quản lý nhà nước, đại diện Cục Di sản văn hóa cam kết đảm bảo thực thi đúng quy định pháp luật. Cổ vật có thể đưa ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm để quảng bá văn hóa Việt Nam hoặc nghiên cứu, bảo quản, phục chế do điều kiện công nghệ trong nước chưa đáp ứng được.

Cụ thể, ông Trần Đình Thành dẫn Điều 44 Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009: Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài.

Hai chuyên gia khảo cổ học - tiến sỹ Phạm Quốc Quân và tiến sỹ Nguyễn Văn Cường xem xét ấn vàng Hoàng đế chi bảo. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)
Hai chuyên gia khảo cổ học - tiến sỹ Phạm Quốc Quân và tiến sỹ Nguyễn Văn Cường xem xét ấn vàng Hoàng đế chi bảo. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)

“Di vật, cổ vật thuộc sở hữu tư nhân do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép theo đề nghị bằng văn bản của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở đơn xin phép của chủ sở hữu di vật, cổ vật đó,” ông Trần Đình Thành cho biết.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” mà hãng Millon (Pháp) rao bán được các chuyên gia xác định là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mạng thứ 4 (năm 1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong Biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8/3/1952, hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ “vương” (vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.

Mặt trên của ấn, ở hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 - tức 1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (làm bằng vàng, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân – tức 10,78kg). Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ triện “Hoàng đế chi bảo” (báu vật của hoàng đế).

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định ấn “Hoàng đế chi bảo” do vua Minh Mạng có chức năng đặc biệt quan trọng gắn liền với các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn.

Đây không chỉ là chiếc ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất của triều Nguyễn mà còn là một cổ vật mang những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cận hiện đại./.

 (Nguồn: Vietnam+)

TAGS

Triển lãm ảnh 'Cà phê Việt Nam - hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới'

PV |

Ngày 9/3, Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 khai mạc Triển lãm chuyên đề “Lịch sử cà phê thế giới”; trao giải và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam - hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới”.

Hò giã gạo ở Quảng Trị là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Mai Lâm |

Nghệ thuật trình diễn dân gian Hò giã gạo các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh vừa được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VH,TT&ĐL) ban hành quyết định công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Festival “Về miền Quan họ - 2023”- Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể

PV |

Từ ngày 13/2 đến ngày 28/2, tại thành phố Bắc Ninh và các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh diễn ra khoảng 30 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, trải nghiệm các trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống....trong Chương trình Festival “Về miền Quan họ -2023”.

Tiếp tục hoãn đấu giá Ấn vàng của vua Minh Mạng

PV |

Nhà đấu giá Million đã quyết định hoãn phiên đấu giá Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng đến trưa ngày 18/11, thay vì ngày 10/11 theo dự kiến cũ. Đây là lần thứ hai hãng Million thông báo thay đổi thời gian diễn ra sự kiện quan trọng này, với cùng lý do là "có sự quan tâm mạnh mẽ từ phía Nhà nước Việt Nam".