Bảo tồn, kết nối di sản phát triển du lịch

Trà Bình - Hạnh Hưng |

Quan tâm gìn giữ di sản văn hóa, ứng dụng công nghệ nhằm bảo tồn, từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản trên môi trường số để lưu trữ, khai thác phát triển du lịch, Long An đang tích cực xây dựng, định vị hình ảnh điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn ở Đồng bằng sông Cửu Long.


Gìn giữ di sản

Tỉnh Long An có hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Có thể kể đến các di tích lịch sử văn hóa quốc gia như: Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, Khu nhà ông Bộ Thỏ - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn, Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, Khu lăng mộ và đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức…

Vùng đất cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long này còn có các di sản văn hóa phi vật thể nổi bật: Lễ hội Làm Chay, lễ hội Vía bà ngũ hành, đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây, tục cúng việc lề, nghề dệt chiếu lác. Tỉnh có các Bảo vật quốc gia là Tượng thần Vishnu và Bộ sưu tập hiện vật vàng Gò Xoài. Ngoài ra, Long An cùng các tỉnh, thành Nam Bộ còn có nghệ thuật đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Du lịch sông nước là một sản phẩm đặc trưng được ưa chuộng tại Long An. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN
Du lịch sông nước là một sản phẩm đặc trưng được ưa chuộng tại Long An. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Tấn Quốc cho biết, các di sản văn hóa ở Long An đã được bảo tồn, hệ thống hóa các dữ liệu, phục vụ công tác quản lý, đồng thời là tài nguyên phát triển du lịch. Đảm bảo vừa bảo tồn, vừa khai thác các di sản văn hóa gắn phát triển kinh tế du lịch, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng công nghệ, đưa các thông tin liên quan đến di sản lên môi trường số là giải pháp cốt lõi. 126 di tích lịch sử, văn hóa, di chỉ khảo cổ có giá trị cao tại Long An được thống kê, bảo tồn và tổ chức giới thiệu để phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan của người dân và khách du lịch.

Cùng với đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm bảo tồn qua công tác sưu tầm, hệ thống hóa các tài liệu, mở các lớp tập huấn trong cộng đồng để lưu giữ và phát huy giá trị di sản.

Theo Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An Đỗ Thị Kim Dung, đơn vị đã xây dựng cơ sở dữ liệu số về nội dung, hình ảnh tất cả các di tích trên địa bàn và cùng với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh đưa dữ liệu số này lên trang website dulichsolongan.vn, dulichsolongan.com. Tại một số điểm di tích lịch sử văn hóa, việc ứng dụng công nghệ 3D được thể hiện trên nền tảng số với độ phân giải cao, tạo không gian sống động, tăng hiệu quả truyền tải thông tin, thu hút khách tham quan.

Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An cũng tích cực tìm hiểu, ứng dụng nhiều phương pháp bảo quản để gìn giữ trên 23.000 hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật gốc, đồng thời tổ chức trưng bày theo các chuyên đề một cách khoa học, đó là: Khảo cổ học trên đất Long An, Mỹ thuật truyền thống, Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…

Tạo chuỗi sản phẩm thu hút du khách

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa khẳng định, mỗi di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Long An đều mang đậm phong cách của vùng đất, con người địa phương. Đây là tài nguyên để hình thành nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần tăng nét đặc thù, khẳng định hình ảnh du lịch Long An hấp dẫn, an toàn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Long An Nguyễn Văn Hiển, kết hợp khai thác các sản phẩm du lịch trên cơ sở tài nguyên di sản văn hóa với các sản phẩm du lịch khác như trải nghiệm hệ sinh thái, vui chơi, giải trí, thể thao... nhằm tạo chuỗi sản phẩm là rất cần thiết, giúp gia tăng lượng khách và doanh thu cho du lịch Long An. Các doanh nghiệp lữ hành như Rồng Việt Travel, Mice Travel, LA Tourist, Golden Smile Travel đã kết nối với nhiều khu, điểm du lịch ở Long An, các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa để đẩy mạnh các tour, tuyến du lịch học đường, du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên...

Cùng quan điểm cần phát huy lợi thế về vị trí địa lý, giá trị các di sản văn hóa, cảnh quan môi trường để tạo chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Tấn Quốc thông tin, Long An có vị trí đắc địa, là cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có tài nguyên du lịch khá đa dạng, gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Trong đó, tài nguyên du lịch nhân văn, hệ thống các di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng để tỉnh kết nối, tạo các sản phẩm du lịch theo chuyên đề du lịch tìm hiểu di tích, di sản hoặc kết hợp giữa du lịch sinh thái, trải nghiệm cảnh quan với tham quan di tích lịch sử, văn hóa, tìm hiểu các di sản văn hóa phi vật thể ở thành phố Tân An, các huyện như Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Mộc Hóa.

Nhằm tăng hiệu quả bảo tồn di sản gắn với khai thác phát triển du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa được số hóa với đầy đủ dữ liệu, đồng thời đưa hình ảnh lên sách điện tử ảnh đẹp du lịch Long An, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp cùng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức cuộc thi thiết kế “tour số, tuyến ảo”, qua đó giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Long An với các điểm đến gắn với cảnh quan sinh thái, các di sản văn hóa là các di tích, lễ hội, làng nghề...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường kết nối, tạo chuỗi sản phẩm, tour tuyến thu hút du khách từ sản phẩm đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười cùng các di sản văn hóa đặc sắc. Du lịch Long An đang đề cử một số điểm đến, trong đó có điểm đến di tích lịch sử, khu du lịch đậm bản sắc văn hóa vào danh sách bình chọn điểm đến du lịch tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”. Qua đó, tăng cường quảng bá, kết nối các sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, du lịch Long An đón trên 1,1 triệu lượt du khách, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023; tham quan các di sản văn hóa là một trong những điểm nhấn của vùng đất cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long này.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Khai mạc Hội thảo Sản phẩm du lịch gắn kết trải nghiệm cà phê Khe Sanh

Trần Hà |

Ngày 04/10/2024, tại thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị),  Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo tham vấn cộng đồng đề án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch gắn kết trải nghiệm cà phê tại Quảng Trị” và công bố sản phẩm du lịch “Khe Sanh coffee tour”.

Hỗ trợ phục hồi, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

Phương Hà |

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Kế hoạch và dự toán tổ chức Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Tìm hướng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với cây cà phê ở Hướng Hóa

Xanh EWEC |

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, Hội thảo tham vấn cộng đồng đề án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch gắn kết trải nghiệm cà phê tại Quảng Trị” và công bố sản phẩm du lịch “Khe Sanh coffee tour”  sẽ diễn ra vào ngày 04/10/2024 tại thị trấn Khe Sanh.

Hang động Brai bị đập phá, trộm cắp thạch nhũ

Trần Tuyền |

Hang động Brai ở thôn A Xóc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã có từ lâu đời. Dù chưa thể khám phá hết toàn bộ hệ thống hang động nhưng bước đầu xác định động Brai có chiều dài hơn 800 m, độ cao lớn nhất khoảng 17 m. Với hình thái là động khô, bên trong hang động có cấu trúc đá vôi đặc trưng cùng vô vàn khối thạch nhũ đủ hình dáng, kích thước và màu sắc đẹp mắt. Thế nhưng thời gian gần đây, hang động Brai đã bị kẻ xấu xâm hại, đập phá, cắt hàng loạt khối thạch nhũ mang đi.