Bình yên vùng đất Tân Lâm

Đào Tâm Thanh |

Bị chiến tranh tàn phá nặng nề và sau nửa thế kỷ hòa bình đã vươn lên, trở thành “miền quê đáng sống”. Một chỉ dấu của sức sống mãnh liệt như thế, bây giờ có thể thấy rất rõ qua hàng trăm ngôi làng trên đất Quảng Trị. Và Tân Lâm, một địa danh ở phía Tây xã Cam Thành, Cam Lộ cũng là một vùng đất như thế.

Đất hồi sinh

Vào thời điểm năm 1973, một phần của tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng. Khi mà ở phía Nam, tiếng súng truy kích giặc vẫn vọng về thúc giục những bước chân hành quân thần tốc thì từ Nông trường quốc doanh Lệ Ninh (Quảng Bình), bốn mươi mốt chàng trai và một cô gái do ông Lê Mậu Lộ dẫn đầu đã làm một cuộc hồi quê rất cảm động.

Họ cầm trên tay Quyết định do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Anh ký thành lập Nông trường quốc doanh Tân Lâm đúng vào ngày 20/8/1974 và khắc sâu lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Về miền Nam, xây dựng một nông trường tuy nhỏ nhưng tốt thì quý lắm”. Việc thành lập một nông trường quốc doanh nơi vùng mới giải phóng và cũng là nông trường đầu tiên của miền Nam trên đất Cam Lộ là sự kiện không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc.

Tượng đài chiến thắng tại cứ điểm 241, Tân Lâm, Cam Lộ - Ảnh: Đ.T
Tượng đài chiến thắng tại cứ điểm 241, Tân Lâm, Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Tân Lâm, Đầu Mầu, cứ điểm 241... trong suốt thời kỳ chống Mỹ là những địa danh gắn với những trận đánh ác liệt, nơi địch tập trung tất cả phương tiện chiến tranh, khí cụ, vật liệu công trình hiện đại nhất thời bấy giờ để bố phòng, hòng chiếm lĩnh độ cao, dựng “con mắt thần” khống chế một đoạn yết hầu của con đường chiến lược số 9 và cả một vùng rộng lớn từ Đông sang Tây của Cam Lộ, Đông Hà, ra tận Cồn Tiên, Dốc Miếu.

Bị quân giải phóng đánh cho tan tác, trước khi rút chạy, địch đã để lại nơi đây ngỗn ngang những cỗ pháo “Vua chiến trường” chưa kịp khai hỏa. Dưới tầng tầng đất đỏ không biết cơ man nào là bom mìn, đạn dược, bùng nhùng dây kẽm gai và xích xe tăng. Cả một vùng hoang tàn, trơ trọi, đất bị băm nát, tơi ra, cuồn cuộn những cơn lốc bụi đỏ ngút trời khi gió Lào quạt lửa.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà đã ghi lại trong bút ký “Tháp xanh”: “Sau Hiệp định Pa- ri, tôi có dịp đi dọc đường 9 suốt từ cầu Chaky qua Lao Bảo, tới Tân Lâm, về Đông Hà. Như bất cứ ai qua đây, cái cảm giác đầu tiên tôi phải thốt lên: “Không thể tưởng tượng được bom đạn ở đây như thế nào!”. Đất đỏ trên mặt đường vụn nát, mịn như bột rây. Phần cao su của lốp xe ngập kín trong lớp bùn khô ấy, bánh xe lăn đến đâu, bụi tung lên mù mịt đến đấy. Bụi xộc vào mũi, vào miệng cay xè, đắng ngắt mùi thuốc bom đạn. Hàng hóp hoang dại mọc hai bên đường chỉ còn dáng cây, không còn thấy màu xanh của lá vì bụi phủ kín, đỏ lòm. Xe tăng địch lổng chổng, chồng chất đè lên nhau hai bên cầu Chaky. Rải rác suốt dọc đường, chốc chốc lại gặp đôi ba chiếc xe tăng gục mặt, chết rồi vẫn xấu hổ cho số phận đắng cay… Suốt dọc đường 9 chỗ nào cũng đầy dấu tích của kẻ bại trận vội vàng cuốn gói, không kịp phi tang. Tân Lâm cũng chung màu sắc ấy. Mặt đất ngỗn ngang thép gai, mìn, sắt thép và bạt ngàn màu trắng hoa lau hoang vu. Trên trời quạ đen bay từng bầy quang quác, lạnh lùng. Không một bóng cây, không một bóng nhà, không một bóng người. Cây rừng bị chất độc hóa học đốt cháy khô. Sự sống ở đây hầu như bị hủy diệt hoàn toàn. Núi đồi bốn phía xung quanh như những dáng người chết đứng…”.

Cả một vùng phía Tây Nam Cam Lộ với diện tích tự nhiên 4.200 ha đã được chọn làm nơi xây dựng nông trường đầu tiên của miền Nam sau ngày giải phóng, trực thuộc Ban Nông nghiệp Trung ương, với chức năng phát triển nông nghiệp theo mô hình kinh tế nông trường.

Nhiệm vụ cũng chỉ rõ: Tập trung trồng hai loại cây (cây hồ tiêu, dứa) và nuôi hai loại con (bò, lợn). Mục tiêu được xác định là từng bước xây dựng nông trường trở thành trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm hạt nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; xây dựng nông trường điểm để nhân rộng khi giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong thời kỳ từ 1974 -1985 là giai đoạn nhà nước bao cấp, vốn hoạt động do ngân sách cấp và giao kế hoạch thực hiện.

Sản phẩm làm ra giao cho đơn vị khác theo kế hoạch phân phối. Nông trường Tân Lâm đã phát triển có hiệu quả mô hình “tập đoàn tiêu- mít- dứa” với 50 ha dứa, 80 ha tiêu, 10 ha lạc, xây dựng trại lợn gần 1.600 con nái hậu bị cấp hai và lợn thịt, 500 con bò. Giai đoạn từ năm 1986-1990, Nông trường Tân Lâm bắt tay thực hiện chương trình hợp tác trồng hồ tiêu theo Hiệp định của hai Chính phủ Việt Nam- CHDC Đức (cũ) ký ngày 24/9/1986. Theo đó, nông trường được bổ sung thêm nhiệm vụ xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu sang CHDC Đức để trả nợ đầu tư.

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh nhiều đau thương, mất mát, khi cầm trên tay quyết định thành lập Nông trường Tân Lâm vào ngày 20/8/1974 với số vốn 26 triệu đồng và luận chứng kinh tế biến vùng đất Tân Lâm, Cam Lộ với 4.200 ha ban đầu thành 2.000 ha hồ tiêu và những trang trại chăn nuôi bò, lợn, một câu hỏi lớn đã đặt ra là liệu màu xanh có trở lại với vùng đất đầy bom đạn cùng với khí hậu vô cùng khắc nghiệt này không? Để trả lời được câu hỏi này, các thế hệ lãnh đạo và công nhân nông trường thời bấy giờ đã hun đúc cho mình một quyết tâm sắt đá là sẽ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, dù khó khăn, gian khó muôn trùng. Thực tế đã chứng minh rằng, quyết tâm đó, nỗ lực đó đã trở thành hiện thực sống động và giờ đây được trao truyền lại cho những thế hệ kế tiếp tiếp tục làm ăn, làm giàu vững vàng từ tiềm năng, lợi thế và điều kiện, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình tạo dựng, phát triển. 

UBND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) phê duyệt mở rộng diện tích bằng cách sáp nhập thêm 3 HTX của xã Cam Nghĩa (Cam Lộ) vào nông trường, nâng tổng diện tích tự nhiên lên 7.000 ha, số lao động là 1.800 người, đồng thời đổi tên thành Xí nghiệp Liên hiệp Hồ tiêu Tân Lâm với 6 đơn vị thành viên. Thời kỳ này, xí nghiệp trồng được 260 ha tiêu, 220 ha cao su, nuôi 1.200 con bò. Nguồn vốn hoạt động chủ yếu từ ngân sách và vốn vay của CHDC Đức. Từ năm 1991, xí nghiệp một lần nữa đổi sang tên gọi mới là Công ty hồ tiêu Tân Lâm. Ngày 29/12/2003, UBND tỉnh ra Quyết định chuyển Công ty hồ tiêu Tân Lâm thành Công ty Cổ phần nông sản Tân Lâm…

Trong thời kỳ đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm thay đổi tận gốc rễ cơ chế hoạt động của nền kinh tế và sự vận động của xã hội. Có người cho rằng, thông thường chúng ta cân nhắc quá nhiều đến cái giá phải trả khi thay đổi mà ít tính đến cái giá phải trả nếu không thay đổi.

Việc hình thành, phát triển và chấm dứt “sứ mệnh” một nông trường quốc doanh Tân Lâm danh tiếng trên đất Cam Lộ cho thấy quy luật khắc nghiệt trong tư duy phát triển kinh tế là cần tiếp tục kiên trì hành trình thay đổi, nếu không thay đổi sẽ phải đánh đổi. Tuy nhiên, “gia tài” mà Nông trường Tân Lâm để lại cho vùng đất phía Tây Cam Lộ là rất đáng ghi nhận.

Đó là hàng nghìn héc ta đất đã được “làm sạch” bom đạn, quy hoạch ngăn nắp; những loại cây công nghiệp chiến lược đã phủ xanh thành vườn đồi, vườn rừng; hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh được xây dựng tương đối đồng bộ. Mục tiêu xây dựng nông trường trở thành trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm hạt nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương đã được hình thành và đem lại kết quả khá rõ nét.

Những công nhân nông trường sau khi trở về địa phương đều có kỹ năng thâm canh cao, áp dụng khoa học kỹ thuật bài bản hơn và thu lại hiệu quả cao hơn từ sản xuất nông nghiệp. Hôm nay, cả một vùng phía Tây xã Cam Thành ngày càng khởi sắc, thu được nhiều thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, không thể phủ nhận những nền tảng được tạo dựng của Nông trường Tân Lâm để lại trong suốt hơn 30 năm hình thành, phát triển.

Miền quả ngọt

Vào những ngày Cam Lộ hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương 2/4 (1972 - 2022), chúng tôi có dịp về lại vùng đất Tân Lâm, nơi từng gắn bó một thời tuổi trẻ. Vẫn còn đây bức tượng đài ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nằm trên cứ điểm 241.

Giữa lòng tượng đài còn ghi rõ: “Cứ điểm 241 Tân Lâm là căn cứ hỏa lực mạnh nhất trong hệ thống phòng thủ đường 9 của địch. Nơi đây, từ ngày 30/3/1972 đến ngày 2/4/1972, trước sức tấn công như vũ bão của E68, E38 pháo binh, E24 bộ binh Sư đoàn 304 của ta đã siết chặt vòng vây buộc Trung đoàn 56 của địch phải đầu hàng và trở về với cách mạng”. Hướng tầm mắt vào vùng Cùa hay dọc theo con đường nhựa quanh co, phẳng lỳ qua Tân Phú, xuống Tân Xuân, Tân Tường, Tân Định, Phan Xá hay lên Thượng Lâm, Cam Phú, đâu đâu, màu xanh của cây trái, hoa trái cũng bạt ngàn, lan tỏa vào từng nếp nhà khang trang, nơi người dân đang tận hưởng sự bình yên, thư thái ở “miền quê đáng sống”.

Từ một vùng chiến địa hoang tàn nửa thế kỷ trước, qua hành trình nỗ lực tạo dựng, phát triển, đến nay xã Cam Thành nói chung, vùng đất Tân Lâm nói riêng đã thay da đổi thịt từng ngày. Trên cơ sở xác định điều kiện tự nhiên, tình hình thực tế của địa phương, những năm gần đây, Đảng bộ xã Cam Thành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo duy trì và phát triển một số cây trồng chủ lực vừa phù hợp với thổ nhưỡng, vừa mang lại giá trị kinh tế cao như cây lạc, cây sắn, cây hồ tiêu, cao su.

Bên cạnh đó, Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế vườn, đề án cải tạo vườn tạp với 3 ha của 22 hộ tại các thôn; chuyển đổi diện tích đất rừng có độ dốc trên 10% sang trang trại, gia trại và kinh tế rừng. Đã có 9,5 ha đất trồng cao su hiệu quả thấp chuyển sang xây dựng trang trại, gia trại có quy mô lớn ở Tân Xuân; chuyển đổi 10 ha cây hồ tiêu sang trồng cây ăn quả; xây dựng 20 ha cánh đồng mẫu ở Quật Xá; xây dựng vùng chuyên canh lạc hữu cơ, lạc giống ở Phan Xá Phường với 2 ha, năng suất lạc phủ bạt nilon đạt 26 - 28 tạ/ ha… nhằm khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng đất đai của địa phương…

Có thể nói, xã Cam Thành là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển một nền nông nghiệp với đa dạng cây trồng, đem lại hiệu quả cao. Tuy là xã vùng gò đồi nhưng diện tích trồng lúa vẫn đạt trên 61 ha, năng suất bình quân đạt 52 tạ/ha vụ đông xuân và 48 tạ/ha vụ hè thu. Cây lạc toàn xã gieo trồng được 272 ha, sản lượng vụ đông xuân đạt 541 tấn.

Cây dược liệu (nghệ và chè vằng) trồng được 9 ha. Duy trì diện tích cây cao su 588 ha, diện tích cây tiêu 30 ha, cây ngô, cây sắn, cây đậu xanh và hoa màu luôn ổn định diện tích thâm canh. Xã cũng đã thưc hiện chuyển đổi 1,7 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu an xoa; chuyển 1,4 ha trồng tiêu sang 1 ha trồng cây sầu riêng và 0,4 ha trồng cây chanh leo. Trồng dặm và chăm sóc 7,6 ha cây sầu riêng ở thôn Tân Phú. Hiện xã đã thành lập đoàn công tác thống kê 29 vườn, vườn mẫu trồng các loại cây có hiệu quả như ổi, bưởi, cam, vải thiều… để đánh giá, nhân rộng. Duy trì tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn đạt 55,6% và phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững, hiệu quả.

Một lợi thế của xã Cam Thành là hiện có cụm công nghiệp với quy mô 25,5 ha tại khu vực Tân Định và Tân Trang, thu hút hơn 17 doanh nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 650 người. Với vị trí trải dài trên tuyến Quốc lộ 9, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện nên nhiều hộ gia đình đã đầu tư mở mang các loại hình dịch vụ như mua bán, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, sửa chữa cơ khí, gò hàn, may mặc, dịch vụ vận tải, điện tử, dịch vụ ăn uống với trên 423 hộ tham gia.

Từ một vùng đất chồng chất khó khăn trong một thời kỳ dài, xã Cam Thành đã nỗ lực vươn lên, thu được nhiều thành tựu nổi bật. Đến cuối năm 2021 xã đã đạt 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 2 khu dân cư kiểu mẫu được huyện công nhận là Tân Xuân 1 và Tân Xuân 2. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 51 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 1,72% cuối năm 2020 xuống còn 1,61 % vào cuối năm 2021. Hộ cận nghèo chỉ còn chiếm 3,01%.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nguyễn Thị Hảo chia sẻ: “Trong những năm qua, hội viên nông dân của xã đã đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Năm 2021 đã có 1.342 hộ hội viên đăng ký, có 636 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở, cấp huyện 122 hộ, cấp tỉnh 45 hộ và cấp trung ương 3 hộ. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đang được triển khai, nhân rộng như mô hình nuôi bò nhốt, nuôi gà an toàn sinh học, chăn nuôi lợn thịt ở Tân Xuân 1, chăn nuôi lợn rừng ở Thượng Lâm, thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê ở Cam Phú… Có thể kể đến những nông dân năng động dám nghĩ, dám làm như hộ anh Lê Văn Huy (Cam Phú) với mô hình chăn nuôi tổng hợp; chị Lê Thị Lợi (Tân Xuân 1) trồng cây ăn quả, nuôi cá, nuôi gà an toàn sinh học; anh Nguyễn Duy Long (Thượng Lâm) trồng cây ăn quả; chị Nguyễn Thị Bích Hằng với mô hình kinh doanh dịch vụ… Tất cả đang nỗ lực để làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương”...

Bình yên vùng đất Tân Lâm cũng là sự bình yên của quê nhà Quảng Trị qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, thăng trầm lịch sử. Sự bình yên được đánh đổi bằng máu, mồ hôi, công sức của nhiều thế hệ đi trước đã hy sinh, tạo dựng. Đó cũng chính là sự tiếp nối mạch nguồn và truyền thống tốt đẹp của bao thế hệ người Quảng Trị luôn đoàn kết đánh giặc, giữ làng và chung tay đắp xây cuộc sống vì sự hồi sinh, phát triển của những vùng đất quê hương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hơn 35 tỉ đồng xây dựng các công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Cam Lộ

Anh Vũ |

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Cam Lộ (Quảng Trị) 2/4 (1972-2022), trong những ngày qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Cam Lộ đã khởi công, khánh thành nhiều công trình phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Cam Lộ: Thu hút 8 dự án mới đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp

Anh Vũ |

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Trần Hoài Linh cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, huyện đã kêu gọi, thu hút được 8 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Cam Lộ: Tổ chức giải bóng chuyền nữ năm 2022

Lê Trường |

Ngày 4/3, Hội LHPN huyện Cam Lộ (Quảng Trị) phối hợp Trung tâm VHTT-TDTT huyện tổ chức giải bóng chuyền nữ năm 2022 chào mừng kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; 1982 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (diễn ra từ 9/3 đến 11/3 tại Thủ đô Hà Nội) và hướng tới kỷ niệm 50 ngày giải phóng huyện Cam Lộ 2/4 (1972 - 2022).

Gạo Bắc Thơm số 7 mang hương vị đặc trưng của vùng đất lúa Cam Lộ

Đan Tâm |

Cam Lộ (Quảng Trị) là huyện có thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày như cao su, hồ tiêu, lạc, trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc… Địa phương cũng đang chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu, phấn đấu trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh. Bên cạnh đó, những xã thuộc vùng đồng bằng của huyện những năm gần đây cũng đã tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm và đóng góp vào việc đa dạng các sản phẩm OCOP của địa phương. Gạo Bắc Thơm số 7 của Hợp tác xã nông nghiệp Cam An, xã Thanh An là một sản phẩm như thế.