Gạo Bắc Thơm số 7 mang hương vị đặc trưng của vùng đất lúa Cam Lộ

Đan Tâm |

Cam Lộ (Quảng Trị) là huyện có thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày như cao su, hồ tiêu, lạc, trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc… Địa phương cũng đang chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu, phấn đấu trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh. Bên cạnh đó, những xã thuộc vùng đồng bằng của huyện những năm gần đây cũng đã tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm và đóng góp vào việc đa dạng các sản phẩm OCOP của địa phương. Gạo Bắc Thơm số 7 của Hợp tác xã nông nghiệp Cam An, xã Thanh An là một sản phẩm như thế.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Cam An Hoàng Văn Châu cho biết, HTX được thành lập vào năm 1998 và tiến hành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 vào năm 2014. Toàn HTX có 600 đại diện hộ thành viên. Tổng diện tích đất nông nghiệp do HTX quản lý trên 670 ha; năng suất lúa đạt 54,4 tạ/ha/vụ; sản lượng đạt 3.650 tấn. Diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý hơn 170 ha. Tổng nguồn vốn của HTX hơn 8,2 tỉ đồng. Chức năng, nhiệm vụ của HTX là điều hành sản xuất nông nghiệp; tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống của thành viên; hỗ trợ kinh tế hộ phát triển; tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chuyển giao cho các thành viên áp dụng vào sản xuất. Cùng với đó, HTX quan tâm thực hiện tốt các hoạt động xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp Cam An kiểm tra việc đóng bao gạo Bắc Thơm số 7 trước khi xuất bán ra thị trường - Ảnh: Đ.T
Cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp Cam An kiểm tra việc đóng bao gạo Bắc Thơm số 7 trước khi xuất bán ra thị trường - Ảnh: Đ.T

Để phát huy thế mạnh vùng đất lúa, Hội đồng Quản trị HTX đã tập trung chỉ đạo các thành viên bố trí gieo trồng đúng lịch thời vụ; tích cực đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất; thử nghiệm một số giống lúa mới; triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả; từng bước thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng các loại cây trồng. Bên cạnh đó, HTX tích cực vận động, phối hợp chỉnh trang, quy hoạch lại đồng ruộng, đường giao thông nội đồng, tu sửa một số kênh mương bị hư hỏng do lũ lụt, trong đó chú trọng công tác dồn điền đổi thửa. Những việc làm này đã tạo thuận lợi cho các thành viên trong việc lưu thông nội đồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, đưa cơ giới vào sản xuất lúa. Để tăng cường sự hỗ trợ của HTX đối với các thành viên, HTX đã tổ chức nhiều dịch vụ như chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dịch vụ khuyến nông, vật tư phân bón, dịch vụ làm giống, lâm nghiệp, bảo vệ thực vật, xay xát, thu mua lương thực, thủy lợi, tín dụng nội bộ… được các thành viên đánh giá cao.

Những năm gần đây, nhận thấy lợi thế của HTX là nằm ở trung tâm khu vực Ngã Tư Sòng, có hệ thống giao thông thuận lợi, sát với vùng ven đô thành phố Đông Hà, đất ruộng màu mỡ, người dân có trình độ thâm canh cây lúa khá cao, từ năm 2018, HTX bắt đầu triển khai sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm để cho ra đời sản phẩm gạo Bắc Thơm số 7 với diện tích 10 ha. Trên diện tích 10 ha này mỗi vụ đã thu được 40 tấn lúa, HTX thu mua với giá 7.000 đồng/kg, sau đó xay xát, chế biến, đóng gói và bán ra với giá 14.000 đồng/kg gạo. Diện tích 10 ha sản xuất gạo sạch duy trì từ năm 2018 đến năm 2020, vào năm 2021 - 2022, HTX mở rộng diện tích thâm canh lúa sạch, sản xuất gạo Bắc Thơm số 7 lên 25 ha.

Để sản phẩm gạo Bắc Thơm số 7 đứng vững trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận, HTX NN Cam An đã thực hành nghiêm túc quy trình kỹ thuật tạm thời sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm áp dụng trên địa bàn xã Thanh An, huyện Cam Lộ do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh ban hành. Tất cả các khâu trong thâm canh lúa, từ đánh giá và lựa chọn vùng đất sản xuất, quản lý đất, giống lúa, phân bón, bảo vệ thực vật đến thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm... được nghiêm túc thực hiện. Đặc biệt, người lao động phải được tập huấn quy trình sản xuất lúa đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi sản xuất. Nâng cao năng lực quản lý của người được giao nhiệm vụ quản lý để tổ chức sản xuất an toàn, hiệu quả. Hiện sản phẩm gạo Bắc Thơm số 7 đã được đóng gói, gắn nhãn mác và cung cấp cho các trường học, doanh nghiệp, đại lý trong tỉnh.

Trong thời gian tới, với việc mở rộng diện tích lên 25 ha, sản lượng sẽ tăng cao hơn và một lượng khá lớn gạo sạch mang thương hiệu gạo Bắc Thơm số 7 sẽ có mặt rộng rãi hơn trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Vào năm 2021, sản phẩm gạo Bắc Thơm số 7 của HTX NN Cam An đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Quảng Trị và đã đạt hạng sản phẩm 3 sao.

Giám đốc HTX NN Cam An Hoàng Văn Châu chia sẻ: “Nghề trồng lúa của người dân xã Thanh An đã có từ lâu đời. Nhưng làm ra được hạt lúa sạch trên đất này cũng lắm công phu. Từ khi làm đất, đến gieo sạ, chăm sóc, ròng rã gần 5 tháng trời mới gặt được hạt lúa. Những năm gần đây, nhờ từng bước hiện đại hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, chế biến nên nhà nông cũng đỡ đi bao vất vả. Lúa được gặt xong, phơi khô, làm sạch hết tạp chất mới chuyển vào máy xay xát. Lại phải trải qua nhiều cung đoạn chăm chút công phu mới thu được hạt gạo trắng thơm. Với tâm nguyện góp phần tạo nên sản phẩm nông nghiệp mang hương vị đặc trưng của vùng đất đầy nắng gió Cam Lộ, chúng tôi quyết tâm đưa sản phẩm gạo sạch Cam An đến với thị trường gần xa. Qua đó, vừa quảng bá hình ảnh quê hương, vừa tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương…”.

Có thể khẳng định trong những năm qua, hiệu quả từ các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ về phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có thế mạnh của địa phương đã tạo điều kiện quan trọng làm thay đổi hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn của huyện từ tư duy sản xuất theo lối tiểu nông sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh sản phẩm nông sản hàng hóa của địa phương trên thị trường, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đáng kể đời sống Nhân dân. Việc chuyển đổi sang sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm ở HTX NN Cam An đang là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế của nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững đang diễn ra hiện nay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị được hỗ trợ 1.064,73 tấn gạo dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần

B.A |

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 133/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 7.820,76 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bình Định, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Kon Tum, Lạng Sơn, Lai Châu để hỗ trợ cho nhân dân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.

Bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Diên Sanh” nhằm nâng cao giá trị và chất lượng hạt gạo

Thục Quyên |

Từ năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) xây dựng Dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Diên Sanh” theo hướng sản xuất hữu cơ. Dự án này nhằm gắn sản xuất gạo sạch với xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Để hiểu rõ hơn về những lợi ích mang lại từ dự án, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với bà THÁI THỊ NGA, Chủ nhiệm Dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Diên Sanh”.

600 hộ dân khó khăn ở tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ gạo

Nguyên Đồng |

Ngày 23/11, Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cấp phát 2,5 tấn gạo cho 250 gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh thuộc 2 xã Vĩnh Giang và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh.

Trao gạo của bạn đọc cho người dân nhiễm COVID-19 ở huyện Đakrông

Thiên Sơn |

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi hỗ trợ lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi này.