Ca Huế - Cung điệu của thời gian

PV |

Huế vốn là vùng dân ca nổi tiếng với những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế.

Ca Huế được phát sinh vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820 -1840) đến thời Tự Đức (1848 -1883).

Ca Huế phát sinh từ trong cung đình, sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc, tạo nên bản sắc mang tính địa phương rõ nét.

 

Ca Huế bao gồm cả hai yếu tố ca Huế và đàn Huế, được dựa trên một hệ thống các thể điệu của trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc nằm trên hai dòng lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Những nhạc khúc thuộc về điệu Bắc mang âm sắc tươi vui, sang trọng và các ca khúc thuộc về điệu Nam nghe man mác, buồn thương. Cũng có những bản nhạc vừa mang âm hưởng của điệu Bắc, vừa pha phách điệu như bài Tứ Đại Cảnh.

Nhạc lễ với tính chất cơ bản là nhạc đàn, xây dựng chính yếu trên hệ thống điệu thức Bắc có nhiều tiêu chuẩn của âm nhạc chuyên nghiệp, “cổ điển” và “dân ca” với tính chất cơ bản là nhạc hát, giọng điệu phát triển do nhiều nguồn tiếp thu, gắn liền với sinh hoạt nghệ thuật không chuyên trong dân gian, các điệu “Ca Huế” có một vị trí riêng cả về nguồn gốc và tính chất. Một số điệu ca Huế như “Phẩm tuyết”, “Long ngâm”, “Ngũ đối”... thực chất là những tiết mục nhạc lễ được đặt lời ca, mang âm hưởng điệu thức Bắc rõ rệt.

Một số điệu như “Nam bình”, “Nam ai”, “Tứ đại cảnh” thì lại gần với một số câu hò, lý về âm điệu và điệu thức, có dấu vết ảnh hưởng của âm nhạc Chăm. Lời ca Huế, nói chung, không xây dựng trên cơ sở thơ 6-8 hoặc vè, mà lại gần như một thứ lời tự do (trong các bài ca gốc nhạc lễ), chứng tỏ phương pháp vận dụng ở đây là lối phổ lời (trên một điệu nhạc có trước), hoặc giống lối sắp đặt của “từ khúc” (một lối thơ tự do theo truyền thống cổ với mục đích để phổ nhạc lên thành bài hát) như các điệu “Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh”.

Về mặt khúc thức, các điệu ca Huế thường có qui mô lớn hơn và phức tạp hơn các điệu dân ca trong hình thức điển hình như bài “Hành vân”, “Lưu thủy”, hay “Tứ đại cảnh”, nó thường gồm một số “sắp” (tức là những đoạn hoàn chỉnh) gắn bó nhau chặt chẽ, rất gần với cấu trúc “khai, thừa, chuyển, hợp” trong luật thơ cổ truyền.

Về mặt trình diễn, ca Huế luôn luôn đòi hỏi phần phụ họa của nhạc khí (ở đây chủ yếu là các đàn nguyệt, tỳ bà, đàn tranh, đàn nhị và sinh tiền; về mặt này, nó giống với hình thức “Ca Trù” ngoài Bắc.

 

Như vậy, có thể nói, ca Huế là một thể loại nhạc hát mang nhiều yếu tố chuyên nghiệp “trí thức” về cấu trúc và phong cách biểu diễn. Nhưng về nội dung âm nhạc của nó thì bộ phận đặc sắc nhất lại chịu ảnh hưởng rõ rệt của hò, lý dân gian. Chính từ sự kết hợp hài hòa của hai luồng giao thoa đó đã làm cho ca Huế có một phong vị đặc biệt.

Chính ca Huế, cùng với các điệu lý, hò đã tạo nên bộ mặt của nhạc Huế được biết đến rộng rãi ở ngoài Bắc cũng như trong Nam. Và cũng vì vậy, nên một thời gian nhạc Huế ở Bắc được gọi là “Ca Lý Huế”.

Bên cạnh những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang. Bên cạnh dòng âm nhạc dân gian, Huế còn một dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc. Ca Huế nằm giữa hai dòng nhạc đó có những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người, chất chứa đủ bao niềm hỷ, nộ, ái, ố như cuộc đời người dân Cố đô.

Ca Huế không phải lối giải trí xô bồ mà nó thường kén người nghe. Một đêm ca Huế có thể được tổ chức trong một thính phòng nho nhỏ song thi vị và hấp dẫn hơn cả là được nghe ca Huế trong một đêm trăng lên trên dòng Hương Giang thơ mộng. Lúc đó tâm hồn của người nghe và cả ca sĩ cùng dàn nhạc dường như được hòa trong một bầu không khí, như được thăng hoa cùng trời, mây, sông, nước. Sau phần đầu của một đêm ca Huế với tiết tấu âm nhạc rộn ràng, vui tươi của điệu Bắc, người ta thường hát những ca khúc trang trọng, uy nghiêm như Long Ngâm, Tứ Đại Cảnh... Đêm càng về khuya, không gian càng yên tĩnh là lúc đó những điệu Nam Ai, Nam Bình, tương tư khúc... cất lên với nỗi buồn thương nhưng cũng rất gợi tình.

Người ta đến với ca Huế là để được đắm chìm trong cảm giác xao xuyến, buồn, vui đến lạ kỳ. Bước chân xuống mạn thuyền Rồng, trong không gian tĩnh mịch giữa trời, mây, sông, nước để cảm nhận hơn nữa cái chất Huế qua những âm điệu trầm bổng, du dương của giọng hát cô ca sĩ Huế hòa quyện với tiếng réo rắt của dàn nhạc đủ cả đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, xênh, phách... bản hòa tấu gồm 4 nhạc khúc Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ đã mở đầu cho một đêm ca Huế.

Ca Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015 và đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ca Huế không phải lối giải trí xô bồ mà thường kén người nghe. Một đêm ca Huế có thể được tổ chức trong một thính phòng nho nhỏ song thi vị và hấp dẫn hơn cả là được nghe ca Huế trong một đêm trăng lên trên dòng Hương Giang thơ mộng.

(Nguồn: Ngày Nay)

Thừa Thiên Huế nghiên cứu xây băng tải vận chuyển than từ Lào

PV |

Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho phép Công ty cổ phần đầu tư PTS Viễn Đông khảo sát, nghiên cứu dự án đầu tư xây băng tải chở than từ Lào qua cửa khẩu Hồng Vân và A Đớt.

Đánh thuế để chống đầu cơ bất động sản

PV |

Về đề chống đầu cơ bất động sản được nhiều ý kiến của doanh nghiệp, nhà quản lý đề cập tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Nhớ ngày nao thầy đưa em vào Huế

Nguyễn Xuân Sang |

Đó là câu thơ trong bài thơ Khóc Nguyễn Tiến Đạt, tôi viết để tưởng nhớ bao kỷ niệm vui buồn giữa tôi và em.

Từ 1/7, giảm thuế giá trị gia tăng 2%

PV |

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội.