Cam Lộ: Nỗ lực xây dựng Đền thờ Vua Hàm Nghi trở thành điểm du lịch

Lê Trường |

Đền thờ vua Hàm Nghi được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 7/2020, song song với đó, huyện Cam Lộ cũng đã tổ chức lễ rước Long vị của Vua Hàm Nghi, Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường về an vị tại đền thờ theo phong tục của địa phương. Công trình nằm trên Di tích căn cứ Thành Tân Sở, ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính (Cam Lộ, Quảng Trị). Đây được xem là điểm đến quan trọng trên chuỗi du lịch tâm linh như: chùa Cam Lộ, Nhà Tằm Tân Tường, Cao điểm 241… mà huyện Cam Lộ đang nỗ lực xây dựng.

  Đền thờ vua Hàm Nghi có phạm vi xây dựng trên diện tích 243m2 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 7 tỷ đồng, bao gồm: một ngôi đền 5 gian, 2 chái, khuôn viên, hàng rào, sân vườn và các hạng mục phụ trợ với trang thiết bị đồng bộ. Các hạng mục công trình được thiết kế theo kiến trúc văn hóa tâm linh truyền thống thời triều Nguyễn, với các vật liệu bền chắc như: gỗ, đá, gạch, ngói..... kết hợp với vật liệu hiện đại bằng bê tông cốt thép giả gỗ. Phần nội thất bên trong như: Án thờ, Long vị, Bài vị cũng được một nghệ nhân ở Huế thi công; bài trí bảo đảm đăng đối, trình tự với các lư hương, bát bửu... Quy mô kiến trúc cùng với hệ thống văn bia, đồ thờ tự đã hòa quyện, hợp thành một chỉnh thể không gian linh thiêng, mạng đậm nét kiến trúc Triều Nguyễn.
Đền thờ vua Hàm Nghi một điểm đến mới, mang nhiều ý nghĩa của huyện Cam Lộ
Đền thờ vua Hàm Nghi một điểm đến mới, mang nhiều ý nghĩa của huyện Cam Lộ

Riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, di tích căn cứ Thành Tân Sở đã đón hơn 2000 lượt khách đến tham quan. Trong đó, ngoài khách địa phương thì khách ở các tỉnh bạn, các nhóm bạn trẻ, qua mạng xã hội cũng tìm đến để hiểu hơn về phong trào Cần Vương và vị vua trẻ yêu nước Hàm Nghi.

“Mặc dù mới đưa vào sử dụng, nhưng lượng khách đến đền thờ để tham quan, dâng hương, tìm hiểu truyền thống lịch sử rất đông. Họ đến đây chủ yếu là để chiêm ngưỡng kiểu kiến trúc được phục dựng mang phong cách kinh thành Huế, tận mắt chứng kiến về không khí của 135 năm trước khi mà vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương kêu gọi văn thân sĩ phu đứng lên phò vua đánh giặc, sau nữa là họ đến để cầu nguyện cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đình ấm no hạnh phúc…”, anh Nguyễn Văn Hiếu, hướng dẫn viên tại Đền thờ vua Hàm Nghi cho biết.

Đến thời điểm này, công trình Đền thờ vua Hàm Nghi cùng một số hạng mục của Di tích căn cứ Thành Tân Sở vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Huyện Cam Lộ đang nỗ lực kêu gọi xã hội hóa, cũng như tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ cho du khách đến đây tham quan. Trong đó, nâng cấp tuyến đường chính vào khu di tích với chiều dài 500m, lắp đặt hệ thống chiếu sáng với tổng kinh phí 2 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 2 của công trình sẽ xây dựng thêm nhà trưng bày, hoàn thiện hệ thống cảnh quan, khuôn viên của Đền thờ với tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng. 
Khách tham quan được tiếp đón, hướng dẫn một cách bài bản, chuyên nghiệp
Khách tham quan được tiếp đón, hướng dẫn một cách bài bản, chuyên nghiệp

“Hiện nay, huyện Cam Lộ đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại trong tổng thể của khu di tích Thành Tân Sở. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch đón tiếp khách đến tham quan một cách bài bản, và trang trọng hơn, trong đó, tập trung vào những đợt đón cao điểm dịp lễ, Tết, các ngày húy kỵ của Hoàng đế Hàm Nghi cũng như các tướng sỹ Cần Vương. Cùng với nỗ lực tập trung nguồn lực hoàn thiện công trình Đền thờ vua Hàm Nghi, cảnh quan xung quanh khu vực Di tích Thành Tân Sở, thì chúng tôi cũng đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng Quảng Trị sưu tầm, tìm hiểu và thu thập thêm nhiều cổ vật, tư liệu về vua Hàm Nghi, các tướng sỹ của phong trào Cần Vương. Phấn đấu sẽ sớm hình thành nên một điểm du lịch mới trong chuỗi du lịch tâm linh như: Nhà Tằm Tân Tường, Cao điểm 241, Chùa Cam Lộ, Khu Chính phủ CMLTCHMNVN…”, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

Hiện nay, nhiều trường học trong tỉnh cũng chọn điểm đến Đền thờ vua Hàm Nghi làm nơi dã ngoại, tham quan cho học sinh. Qua đó, sẽ giúp các em có cái nhìn chân thật hơn trong phong trào Cần Vương, hiểu hơn về Hoàng đế Hàm Nghi quyết không chịu đầu hàng địch, đứng lên ra lời kêu gọi văn thân sĩ phu đánh giặc.

“Được đến tham quan Đền thờ vua Hàm Nghi, qua các hiện vật, cũng như tranh ảnh trưng bày tại đây thì em càng hiểu rõ hơn quá trình lịch sử mà cha ông ta đã hi sinh để dựng nước và giữ nước, mà qua sách vở thì chúng em không thể tưởng tượng ra được. Chúng em rất tự hào về điều đó và tự hào hơn là chính nhờ những điểm di tích như này mà chúng em có thêm cơ hội tiếp cận, học hỏi một cách trực quan hơn về lịch sử”, em Hoàng Nguyễn Tâm Đan, học sinh trường hội nhập Quốc tế ischool Quảng Trị chia sẻ.

Để có thể trở thành một điểm du lịch thực sự thu hút khách tham quan gần xa, Đền thờ vua Hàm Nghi, Di tích Thành Tân Sở còn rất nhiều hạng mục cần được đầu tư, và còn không ít vấn đề phải được xây dựng một cách chuyên nghiệp hơn, như: các dịch vụ kèm theo quanh khu vực Di tích; công tác đào tạo đội ngũ phục vụ, hướng dẫn tại đền thờ; cần có hệ thống quảng bá đi kèm, xây dựng các gian hàng trưng bày sản phẩm thế mạnh của vùng Cùa nói riêng và Cam Lộ nói chung… Bên cạnh đó, huyện cũng cần có kế hoạch xây dựng, tạo sự liên hoàn trong chuỗi các điểm tham quan trong toàn huyện. Thêm nữa là việc quảng bá, giới thiệu điểm riêng có của từng điểm để khách du lịch biết đến và trải nghiệm.

Tròn 135 năm, kể từ ngày vua Hàm Nghi đặt chân đến Tân Sở. Dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng hình ảnh của vua Hàm Nghi được lịch sử ghi lại và sống mãi trong lòng người dân nơi đây. Công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sỹ Cần Vương là lời tri ân sâu sắc đến anh linh các bậc tiền nhân của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Cam Lộ hôm nay và mai sau. Và cũng chính tình cảm đó, hiện nay, Cam Lộ đang nỗ lực hết mình, bằng nhiều cách làm để xây dựng, thổi một “làn gió mới” vào các di tích, trong đó có căn cứ Thành Tân Sở, Đền thờ vua Hàm Nghi để nó sớm trở thành một điểm đến hấp dẫn và ý nghĩa.

(Nguồn: quangtritv)

TAGS

Nông dân Cam Lộ nỗ lực vì quê hương giàu đẹp

Thanh Hải |

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tích cực, chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả các đề án về sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững an ninh chính trị ở nông thôn.

Du lịch Cam Lộ qua góc nhìn Flycam

Thiên Sơn |

Cam Lộ là một huyện ở trung du của tỉnh Quảng Trị, nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC). Ở đây có những điểm tham quan, du lịch thú vị như chùa Cam Lộ, chợ Phiên, di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, sông Hiếu… cùng hòa vào khung cảnh bình yên ở chốn vùng quê khiến du khách phải ngỡ ngàng.

Lung linh lễ hội Quán Thế Âm tại chùa Cam Lộ

Nguyên Hiếu |

Ngày 31-3 nhân khánh đản Bồ-tát Quán Thế Âm 19-2 ÂL, chùa Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) trang nghiêm thành kính tổ chức lễ hoa đăng cúng dường.

Huyện Cam Lộ cần chọn cái riêng có để tập trung đầu tư phát triển

Thanh Hải |

Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lộ (Quảng Trị) về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh và công tác xây dựng Đảng năm 2021 tổ chức chiều nay 31/3/2021. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cùng dự buổi làm việc.