Cảm nhận từ Sa Mù

Cẩm Nhung |

Sa Mù là tên một con đèo nằm trong dãy núi Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Trị, giáp biên giới Lào, cách Khe Sanh chừng 40 cây số về phía bắc. Có lần, tôi đứng ở thung lũng Hướng Việt, dưới mái ngôi nhà sàn bản Tà Rùng. Từ đây không một vật cản, tầm mắt tôi rộng mở về phía đèo Sa Mù trong buổi mùa thu thời tiết rất đẹp.

Sa Mù là tên một con đèo nằm trong dãy núi Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Trị, giáp biên giới Lào, cách Khe Sanh chừng 40 cây số về phía bắc. Có lần, tôi đứng ở thung lũng Hướng Việt, dưới mái ngôi nhà sàn bản Tà Rùng. Từ đây không một vật cản, tầm mắt tôi rộng mở về phía đèo Sa Mù trong buổi mùa thu thời tiết rất đẹp. Nhìn thấy dáng đèo cao vời hẳn lên so với xung quanh, sừng sững và uy nghi. Trời trong xanh, mây trắng từng đám dày sà xuống như đang hôn lên đỉnh đèo. Gió lùa biển mây bồng bềnh trôi dạt xuống ngập ngang lưng đèo, đèo được mây ôm vào lòng, mây tô dáng đèo huyền ảo giữa núi non. Từ dưới thung lũng nhìn lên có cảm giác cả đèo và mây cùng mơ màng chốn bồng lai. Nghe nói chính từ sự chuyển động giao thoa của mây trắng lên đèo như thế nên dân gian đã diễn giải tên gọi Sa Mù nghĩa là mây mù sa xuống.

Nhân viên kỹ thuật chăm sóc vườn hoa tại Trạm nghiên cứu ứng dụng Khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa - Ảnh: Thanh Long
Nhân viên kỹ thuật chăm sóc vườn hoa tại Trạm nghiên cứu ứng dụng Khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa - Ảnh: Thanh Long

Ôn đới giữa xứ nóng

Sa Mù quả là xứ sở của mây. Đứng ở đỉnh đèo có cảm tưởng trời gần lắm, ngửa mặt lên thấy mây trắng bồng bềnh trên đầu. Nhưng, ai đã đặt chân đến con đèo này rồi là thấy ngay, sức hấp dẫn của Sa Mù không thuộc về những áng mây trắng quanh năm quần vũ trên đỉnh đèo, mà thuộc về khí hậu. Có lẽ, Sa Mù là một trong những vùng có khí hậu núi dễ chịu nhất của Quảng Trị, của miền Trung bộ. Với độ cao hơn 1.400 mét, lại nằm ở nơi tiếp giáp vùng thời tiết khác nhau của Đông và Tây Trường Sơn, đèo Sa Mù được phú cho khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm. Nền nhiệt dao động trung bình ban ngày từ 18 - 23 độ C, vào ban đêm từ 10 - 15 độ C, đó là nhiệt độ du lịch khá lý tưởng. Ở đồng bằng đang mùa hạ nắng nung khiến thân nhiệt lúc nào cũng nồng nã, chỉ cần ngược theo quốc lộ 9 đến thị trấn Khe Sanh rồi rẽ vào nhánh tây đường Hồ Chí Minh sang vùng bắc Hướng Hóa, sau hai giờ đồng hồ đã có thể thảnh thơi gặp cái mát dịu của miền ôn đới trên đỉnh Sa Mù.

Tôi đã qua lại Sa Mù nhiều lần, bằng ô tô, bằng xe máy, những chỗ đáng đi thì đều đã tới để rồi nhận ra kiểu khí hậu đặc biệt của Sa Mù không phải được nhận diện sau cửa kính kín mít của xe ô tô, mà là sau khi chạy xe máy hay chậm rãi tản bộ hòa mình vào thiên nhiên. Để hít căng lồng ngực cho toàn thân như tan vào sương nghe hơi lạnh se sắt thấm vào da thịt, nghe trong màn sương hơi thở ẩm ướt của đá núi cỏ cây. Nếu dưới chân đèo đang nắng gay gắt, thì đến lưng đèo ánh nắng đã dịu hơn. Lên đỉnh đèo sương giăng kín, nếu có nắng cũng chỉ còn những tia le lói. Sương mù như một “đặc sản” trên đỉnh Sa Mù. Sương phảng phất quấn quanh các sườn đồi, lấp kín tầng cây thấp, thành thảm bồng bềnh trôi trên những con dốc. Nó không quá đặc để người phải ướt lạnh co ro. Nó vừa phải, bảng lảng đủ để miên man da thịt khiến ai nấy đều thích thú. Chiều hôm trước có mưa thể nào hôm sau sương cũng lên dày, và rê ra vài ngày mù sa xứ sở. Sương của mùa khô thoảng chợt còn sương của mùa mưa thì ê hề, người đi đường chỉ cách nhau dăm mét đã không thể nhìn thấy nhau.

Có những ngày thời tiết ở Sa Mù hội đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Vào sớm mai, núi rừng tĩnh lặng và trinh nguyên, mây nhiều vô kể, sương và gió núi se lạnh. Đến trưa, những tia nắng vàng rực rỡ sấy khô những giọt sương, không khí dịu hơn, vòm trời trong xanh thì Sa Mù tươi tắn nồng ấm như mùa hạ. Chiều xuống nhiệt độ giảm dần, sương la đà và trời trở gió lành lạnh như mùa thu. Khi đêm xuống, con đèo bí ẩn và thâm nghiêm, càng về khuya gió càng thổi mạnh, hơi sương dày đặc, khí trời buốt giá như cả một mùa đông vừa trùm xuống Sa Mù.

Yêu thích khí hậu của Sa Mù, nhiều người hoan hỉ xem nó là “tiểu Đà Lạt” của xứ nóng Quảng Trị. Vẫn biết, so với phố núi mộng mơ đã quá nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam, hàng năm thu hút nhiều triệu khách trong nước và quốc tế, thì Sa Mù chỉ là một con đèo bé nhỏ có khí hậu ít nhiều mang sắc thái của xứ ôn đới như ở Đà Lạt, Sa Pa hay Bạch Mã. Nhưng dù sao nó cũng là chút thơm thảo của một vùng đất khắc nghiệt mà người ta gọi là “Ô châu ác địa”. Và với những ai từ lâu nay vẫn sống trong những cơn gió Lào ngùn ngụt nóng rát, có được một nguồn sinh thái mát mẻ xoa dịu, thì như thế đáng để hoan hỉ lắm.

Một thời rất dài, đèo Sa Mù hoàn toàn hoang vu heo hút không có dân cư. Nhắc tới Sa Mù là người ta chỉ biết và chỉ nói tới một vùng rừng thiêng nước độc, đường sá vô cùng hiểm trở nên hầu như chẳng mấy ai đi qua đây dám dừng chân để nhìn ngắm, cảm nhận xem dáng vẻ, khí hậu của nó như thế nào. Chỉ đến khi có con đường Hồ Chí Minh nhánh tây trải nhựa mềm mại vắt qua đèo xóa bỏ những khúc cua tay áo, việc đặt chân đến Sa Mù bỗng trở nên dễ dàng đối với bất kỳ ai thì tiềm năng của miền rừng đèo này mới bắt đầu được chú ý đến. Vấn đề còn lại là khai phá tiềm năng của Sa Mù như thế nào?

Khu vườn kỳ hoa dị thảo

Một trong những người tiên phong đánh thức tiềm năng của Sa Mù là ông Trần Ngọc Lân - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị. Một ngày đầu năm 2016, ông Lân mở một cuộc lãm du dọc đường Hồ Chí Minh nhánh tây, vượt đèo vượt núi với khao khát tìm được vùng đất có thể sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ. Đến đỉnh đèo Sa Mù, ông đã tìm thấy. Ngày ấy đỉnh đèo hắt hiu trơ trọi, hầu như không có đời sống dân dã, không có các sản phẩm đặc trưng. Ở đấy chỉ có trụ sở của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa nằm cheo leo hứng gió sương. Thế nhưng giám đốc Trần Ngọc Lân, với nhãn quan của một người làm khoa học đã nhìn thấy rõ đặc trưng tiểu vùng khí hậu ôn đới và độ cao tương đối của Sa Mù rất thích hợp để lập vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Nếu có bàn tay con người tiếp sức với thiên nhiên, lại được khoa học công nghệ tác động vào, tin tưởng Sa Mù sẽ được đánh thức.

Kết quả của chuyến du khảo ấy là Trạm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa ra đời. Buổi đầu gầy dựng cơ ngơi, Trạm phải mượn đất của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa để ươm lên những củ giống hoa ly đầu tiên trên đỉnh đèo heo hút. Để rồi từ đó, vóc dáng của một khu vườn hoa quả miền ôn đới dần dần được hình thành giữa non cao rừng thẳm. Tôi đã nghe người ta kể về những tháng ngày cực kỳ gian khó lăn lộn bám đèo của các cán bộ kỹ thuật Trạm. Sự cố kỹ thuật diễn ra hằng ngày, nhưng với ý chí và nỗ lực của những con người lòng đầy khao khát dấn thân, cùng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, và với cả sự quan tâm vun vén của tỉnh nhà nữa, mỗi ngày diện tích khu nhà kính trồng hoa cứ mở ra từng chút một. Khi ông Trần Ngọc Lân khởi xướng dự án trồng thí điểm các giống loài hoa cao cấp có nguồn gốc nước ngoài ngay trên mảnh đất gió Lào cát trắng thì nhiều người vẫn nghĩ đó chỉ là một mơ ước hão huyền. Đến khi vườn hoa hiện hữu rực rỡ giữa những ngày Quảng Trị nắng nóng gay gắt, du khách bắt đầu đổ xô đến chiêm ngưỡng, thậm chí cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mọi người bắt đầu tin vào giấc mơ “tiểu Đà Lạt” trên Sa Mù mà ông Trần Ngọc Tân phác thảo không phải là giấc mơ xa xôi!

Đến thăm Trạm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa một ngày gần đây, tôi thấy lòng mừng vui và phục cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nơi đây khi biến con đèo heo hút thành điểm sáng của Quảng Trị. Trong ba năm “đi mở cõi” bằng sức mạnh khoa học công nghệ, họ đã quy hoạch khu nhà kính trồng hoa rộng 3 héc-ta; hiện có 15.000 cây hoa lan hồ điệp, 3.000 chậu hoa cát tường, 2.000 chậu hoa hồng môn, 1.000 chậu hoa đồng tiền, 3.000 cây dâu tây, 2.000 cây cà chua bi quả ngọt, và sắp tới xuống giống 25.000 củ hoa ly, 10.000 củ hoa tuylip,... Đó là những con số rạch ròi và khoáng đạt. Tôi tưởng như thế đã là nhiều, song dưới tán rừng xung quanh Sa Mù, Trạm đã đưa các loại dược liệu quý hiếm, điển hình như hoa lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa,... để nhân rộng nguồn dược liệu phù hợp với khí hậu vùng Bắc Hướng Hóa. Từ thành công của vườn hoa trên đỉnh đèo, Trạm đã xây dựng thêm một cơ sở mới ở thôn Hướng Phú xã Hướng Phùng với diện tích rộng 2 héc-ta. Ngoài ra, mô hình trồng hoa ôn đới cũng đang mở ra một hướng đi mới thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Khi người dân các bản lân cận Sa Mù cũng bắt đầu học trồng hoa và được cán bộ Trạm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa chuyển giao công nghệ, cây giống.

Tôi hình tượng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sa Mù vào những năm sau với bạt ngàn những vườn kỳ hoa dị thảo, lúc ấy hương vị miền ôn đới sẽ phong phú thêm biết bao, thừa cung cấp tại chỗ, và còn có thể rải các mặt hàng ấy ở các quầy đại lý suốt dọc đất nước. Mà đâu chỉ có Sa Mù, rồi sẽ có lúc giám đốc Trần Ngọc Lân và đội ngũ đã cùng ông sát cánh kề vai suốt những năm qua cùng nhau tiếp tục “khua dậy” những vùng đất tiềm năng của quê hương đang còn bị lãng quên, mở ra cơ hội chưa từng có về sự phát triển bền vững nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tương lai.

Cho dù ngay bây giờ một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn chưa hình thành nhưng với vườn hoa thí điểm của Trạm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa cũng đã cho thấy hiệu quả. Hoa được trồng ở Sa Mù đã thành thương phẩm, thành sản phẩm du lịch. Du khách từ đồng bằng lên, từ mọi miền đất nước đến Quảng Trị đều muốn tìm đến chỉ vì nghe tiếng vườn hoa ôn đới giữa vùng đất khô cằn nắng nóng. Khi đến đây, du khách được vào vườn thưởng hoa, xem cách chăm sóc và trước khi rời vườn nhiều khách cũng tranh thủ mua các sản phẩm làm quà. Người đến ngắm hoa nhiều, nhộn nhịp và hiệu ứng đám đông kéo người khác đến. Rồi việc gì đến phải đến như cái duyên gắn kết du khách với Sa Mù. Mà ở Sa Mù không chỉ có vườn hoa rực rỡ ngát hương của Trạm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa, còn rất nhiều thắng cảnh hấp dẫn để khám phá. Đặc biệt, những năm gần đây, khi du lịch xanh trở thành xu hướng thì Sa Mù nổi lên như một chấm son trên bản đồ du lịch Quảng Trị.

Điểm nhấn của cung đường du lịch

Tôi đã đọc được một số dòng chia sẻ từ cộng đồng mạng và trên các bài báo về du lịch, thấy dân phượt xếp cung đường qua đèo Sa Mù nằm trong top những cung đường đèo hùng vĩ của Việt Nam, xứng đáng để chinh phục ít nhất một lần trong đời. Có thể nói, đèo Sa Mù nằm ngay vị trí đắc địa khi có đường Hồ Chí Minh nhánh tây vắt qua đèo với chiều dài gần hai chục cây số, cộng thêm là ranh giới tự nhiên giữa hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt hiện tại có rất nhiều địa điểm phát triển được du lịch, đủ để cho người yêu chuộng hệ sinh thái miền sơn cước lập kế hoạch ngao du, có khi mất cả ngày vẫn chưa khám phá hết. Du khách sau khi tham quan vườn hoa của Trạm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa trên đỉnh đèo, rẽ xuống chân đèo mấy cây số có dòng suối Chênh Vênh với thác nước hoang sơ tuyệt đẹp. Vượt khỏi đèo đến địa phận xã Hướng Việt sẽ gặp dòng sông Sê Băng Hiêng cùng hệ thống hang động Tà Puồng, thác nước Tà Puồng, hang động Brai. Bản thân tôi từng có cơ hội khám phá các thắng cảnh kể trên, cảm giác hết sức thú vị. Đó là chưa nói tới sương mù, chưa nói tới những thung lũng mây và cảnh sắc thơ mộng của rừng núi, chưa nói tới những đồi lau trắng mà chỉ cần nhìn thấy thôi đã đủ mê dụ lòng người thưởng ngoạn.

Thác nước Tà Puồng hoang sơ, hùng vĩ giữa đại ngàn - Ảnh: Thanh Long
Thác nước Tà Puồng hoang sơ, hùng vĩ giữa đại ngàn - Ảnh: Thanh Long

Thời gian qua, tỉnh và huyện đã có những chủ trương rất thoáng để kêu gọi đầu tư vào du lịch ở Hướng Hóa, góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị. Bước đầu đã có một số đơn vị đến khảo sát để lập đề án phát triển du lịch ở khu vực Sa Mù. Đấy là Công ty TNHH xây dựng Thống Nhất khảo sát tại khu sinh thái Tà Puồng, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Sa Mù Hill khảo sát tại hai thác nước Tà Puồng và Chênh Vênh...

Mùa đông năm ngoái, hoa dã quỳ - loài hoa đã trở thành một biểu tượng của Tây Nguyên thật bất ngờ cũng đồng loạt khoe sắc vàng vô cùng quyến rũ ở Hướng Phùng, thu hút dòng người khắp nơi đổ về thưởng lãm. Một ban vận động trồng hoa đã được thành lập bởi những người yêu hoa, yêu du lịch và mong muốn nâng cao đời sống của người dân nơi này thông qua dịch vụ du lịch. Bước đầu các thành viên trong ban tự bỏ kinh phí để ươm giống hoa. Sau đó cuộc vận động lan tỏa, nhận được sự đóng góp, tham gia nhiệt tình của các mạnh thường quân, các cơ quan, trường học và người dân địa phương. Để hiện thực giấc mơ 60 vạn bước đường hoa, đã có hàng vạn bầu hoa dã quỳ được ươm trồng tại một số điểm ở Hướng Phùng và khu vực chân đèo Sa Mù đến lối vào thác Chênh Vênh hứa hẹn mùa đông đến sẽ nở rộ đón khách.

Cũng trong thời gian gần đây, ở bản Xa Ry xã Hướng Phùng không ngờ cũng có cái đang khiến dân du lịch khát khao tìm đến. Ấy là khu nhà vườn nghỉ dưỡng Bungalow 5 Mùa. Nói một chút về Bungalow, đây là một loại hình nhà nghỉ lưu trú loại nhỏ dành cho du khách, đi kèm các tiện nghi sân vườn rộng rãi thoáng mát. Nghe nói chủ nhân của Bungalow 5 Mùa ở bản Xa Ry là một doanh nhân người Huế. Ấn tượng với nền khí hậu mát mẻ và cảnh sắc thiên nhiên trong trẻo hoang sơ của vùng đồi dưới chân đèo Sa Mù, doanh nhân này đã quyết định xây dựng ở đây một khu du lịch sinh thái nhà vườn đầu tiên ở huyện Hướng Hóa. Trên diện tích hơn hai héc-ta đất đồi, chủ nhân quy hoạch thành vườn cà phê, vườn cây ăn trái, vườn hoa phong lan, hoa hồng… và xây dựng các ngôi nhà lưu trú nhỏ nhắn nhưng đầy đủ tiện nghi dành cho khách du lịch. Bungalow tuy là mô hình kinh doanh còn rất mới mẻ, nhưng mở ra nhiều triển vọng cho loại hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Hướng Hoá. Đây được coi là một hướng đi phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương cũng như xu thế du lịch hiện nay.

Điều tôi lấy làm thích thú ở dự án Bungalow này là thái độ tôn trọng đối với thiên nhiên của chủ dự án. Người ta đã không bạt đồi san cây rừng để làm du lịch, mà chỉ giúp cải tạo chúng trở nên đẹp mắt, ấn tượng hơn. Những ngôi nhà lưu trú Bungalow được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ, tre nứa, màu sơn bằng nhựa thông rừng và được bao bọc bởi rẫy cây phê, những khu vườn thơm nồng nàn hoa trái đã tạo ra một không gian mang đậm bản sắc núi rừng. Có nghĩa là du lịch theo kiểu công nghiệp hóa không thuộc về nơi này. Lịch sử cũng cho thấy xu hướng phát triển kinh tế bằng cách can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, khiến thiên nhiên ngày càng mất cân bằng sinh thái chỉ đem lại những lợi nhuận vật chất trước mắt, còn về tương lai lâu dài sẽ sinh ra những hệ lụy. Làm du lịch mộc mạc, dân dã theo hướng sinh thái bản nguyên hoang sơ của núi rừng sẽ bền lâu hơn. Với Sa Mù, cái mát mẻ thanh khiết quanh năm của khí hậu giao hoà với cái tươi mát của cây xanh đã tạo nên một bầu sinh quyển trong lành là ưu thế. Nhờ sinh thái ấy mà một cơ sở lưu trú dù chỉ bình dân cũng có thể trở nên sang trọng.

Rất mừng vì các tổ chức, cá nhân bắt đầu nhận ra sức hấp dẫn của Sa Mù và đầu tư vào để đánh thức một miền rừng núi nhiều tiềm năng. Thực tế mấy năm qua, Sa Mù cũng đã thu hút được một lượng du khách khá lớn. Vốn dĩ địa chỉ xanh cho ngày nóng ở Quảng Trị rất hiếm hoi nên Sa Mù là một lựa chọn lý tưởng để ngao du. Còn gì tuyệt vời hơn khi rời xa phố phường đang ngày một ô nhiễm đến những chốn như thế để con người được hòa mình vào với thiên nhiên, và thiên nhiên che chở cho con người trong một môi trường sinh thái tuyệt vời. Những đường hoa dã quỳ, vườn hoa quả ôn đới, thác nước Chênh Vênh, thác nước Tà Puồng, hang động Brai, Bungalow 5 Mùa... đã tạo thành một tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn. Chưa hết, khi Sa Mù đã làm du khách thỏa mãn, trên đường trở lại thị trấn Khe Sanh, cánh đồng điện gió Hướng Linh, lòng hồ Rào Quán, đỉnh Cu Vơ cũng sẽ là những địa chỉ dân tình tha hồ “sống ảo” và dã ngoại ngắm cảnh. Trên cung đường du lịch này, Sa Mù là điểm nhấn trong kết nối và phát triển các điểm du lịch kể trên.

*

Có bàn tay con người tiếp sức, Sa Mù đã bớt hoang vu. Giờ thì nó đang dần chứng tỏ bản thân là một đền bồi xứng đáng của tự nhiên dành cho mảnh đất bỏng rát gió Lào. Hi vọng và mong chờ những năm sau này, Sa Mù ngày xưa đã trở mình như hôm nay, lại sẽ thay thêm diện mạo mới đẹp đẽ và rực rỡ hơn, thật sự hài hòa với thiên nhiên…

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Lãng du cùng mây trời Sa Mù

Xanh EWEC |

Mùa này thời tiết bắt đầu chuyển mùa, núi rừng Hướng Hoá (Quảng Trị) chìm trong mây mờ lãng đãng.

Đêm Sa Mù

Yên Mã Sơn- Minh Hiển |

Cắm trại qua đêm trên đỉnh Sa Mù (Hướng Phùng, Hướng Hoá, Quảng Trị) là một trải nghiệm rất nhiều nhóm phượt muốn thử một lần.

Khám phá Sa Mù bằng xe máy

Thành Công |

Leo lên đỉnh Trường Sơn khám phá Sa Mù, nơi được xem là tiểu Đà Lạt của Quảng Trị.

Khai mạc hội trại trên đỉnh Sa Mù

YMS |

Sáng 04/7/2020, trên đỉnh đèo cao 1.400 mét, Hội trại Sa Mù (Hướng Phùng, Hướng Hoá, Quảng Trị) mừng kỷ niệm 10 năm thành lập BQL khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hoá chính thức khai mạc.