Là di tích đặc biệt thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, thế nhưng di tích Cảng quân sự Đông Hà, ở Phường 2, TP. Đông Hà (Quảng Trị) hiện hoang tàn, nhếch nhác, ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Thực tế này cần được các cơ quan chức năng xem xét, sớm có phương án bảo vệ.
Cảng quân sự Đông Hà nằm ở bờ Nam sông Hiếu, cạnh Quốc lộ 1 và cầu Đông Hà, được xây dựng năm 1967 phục vụ cho chiến trường Đường 9, Nam Lào và Bắc Quảng Trị của địch. Sau năm 1972, khi cụm cứ điểm Đông Hà bị tiêu diệt, Cảng quân sự Đông Hà nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng và trở thành một trong những nơi tập kết, giao nhận hàng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, trước khi vận chuyển vào phía Nam.
Từ đầu năm 1973, Cảng quân sự Đông Hà trở thành một cảng sông quan trọng của vùng giải phóng, giữ vai trò trung chuyển hàng hóa từ tuyến đường biển lên đường bộ và tỏa đi khắp các chiến trường qua tuyến đường vận tải Trường Sơn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Sau năm 1975, Cảng quân sự Đông Hà được sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế nhưng ở quy mô nhỏ, chủ yếu là phục vụ về mặt thương mại...
Năm 1986, Cảng quân sự Đông Hà được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt, thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh năm 2013.
Giá trị, tầm quan trọng là vậy nhưng hiện nay di tích này dường như không tồn tại bởi không có bất kỳ tấm biển giới thiệu, chỉ dẫn nào; không có hàng rào cũng như mốc giới trên thực tế; cỏ cây mọc um tùn, có nơi cao quá đầu người; rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng rứt bừa bãi khắp nơi cùng với đó là phân bò bốc mùi hôi nồng nặc.
Một số hạng mục còn lại của di tích xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ không còn trên thực tế... Sự hoang tàn, nhếch nhác này trái ngược với giá trị, tầm vóc của một di tích quốc gia đặc biệt, làm mất mỹ quan đô thị khu vực trung tâm TP. Đông Hà. “Tôi sống lâu năm ở khu vực này.
Trước đây, cảng vẫn còn nhiều dấu tích dễ nhận thấy nhưng nay thì những người không rõ lịch sử hoặc thanh niên, học sinh rất khó biết được đây là một di tích có giá trị quan trọng bởi sự hoang vắng, cỏ cây um tùm, rác thải ở khắp nơi và trở thành nơi chăn thả gia súc.
Nếu không được bảo vệ, tôn tạo kịp thời thì khả năng cao trong nay mai, di tích Cảng quân sự Đông Hà sẽ không còn nữa”, ông Hoàng Văn Ánh, ở Phường 2, TP. Đông Hà cho biết.
“Mong muốn của địa phương là các cấp, các ngành sớm có phương án bảo vệ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư tôn tạo Cảng quân sự Đông Hà để đảm bảo mỹ quan, môi trường đô thị cũng như phát huy tốt giá trị của di tích này trong giới thiệu và giáo dục cho thế hệ mai sau về lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do vẻ vang của dân tộc”, Chủ tịch UBND Phường 2 Nguyễn Duy Đức kiến nghị.
Được biết, thấy rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của di tích Cảng quân sự Đông Hà, thời gian qua, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc để thực hiện công tác đầu tư tôn tạo. Ngày 14/6/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 934/QĐ-TTg về nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích này.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 8,2 ha. Vị trí Cảng quân sự Đông Hà có chức năng là địa điểm đánh dấu di tích, bảo tồn hiện vật gốc, xây dựng công viên cây xanh và bến thuyền phục vụ du lịch; trở thành không gian văn hóa, cảnh quan bên bờ sông, đồng thời là nơi đầu mối giao thông phục vụ cho du lịch...
Giải pháp cơ cấu tổ chức quy hoạch bao gồm: tháo dỡ nhà kho đã có; giữ nguyên các di tích lô cốt, một phần bến nghiêng và phục dựng một đoạn kè. Từ đường Bùi Thị Xuân mở một số đường đi dạo nội bộ; xây dựng hệ thống vườn hoa, các khu chức năng mang tính thẩm mỹ cao...
“Thực hiện Quyết định số 934/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hồ sơ khoa học Nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Cảng quân sự Đông Hà đã được lập gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và bộ đã mời Hội đồng thẩm định quốc gia gồm: các bộ, ngành và các chuyên gia góp ý.
Sau khi Hội đồng thẩm định góp ý, Bộ VH,TT&DL đã có công văn gửi UBND tỉnh và UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH,TT&DL hoàn thiện theo góp ý của bộ. Hồ sơ đã được UBND tỉnh gửi Bộ VH,TT&DL rà soát, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện”, Trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở VH,TT&DL Lê Đình Hào thông tin.
Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi các quy trình, thủ tục để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo di tích Cảng quân sự Đông Hà, các cơ quan chức năng cần có phương án bảo vệ để di tích này không tiếp tục xuống cấp trở thành “điểm đen” về môi trường, cảnh quan giữa đô thị trung tâm tỉnh lỵ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)