Di tích lịch sử Đồi 31 cần sớm được tôn tạo, nâng cấp

Đức Việt |

Sau một thời gian khá dài được đưa vào sử dụng cũng như do ảnh hưởng của trận bão lũ lịch sử năm 2020, Di tích lịch sử Đồi 31 ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nhiều hạng mục.


Đây là di tích lịch sử quan trọng ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng thời là nơi tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh; là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Vì vậy, chính quyền và người dân địa phương luôn mong chờ cấp trên sớm quan tâm đầu tư tôn tạo, nâng cấp công trình ý nghĩa nói trên trước khi công trình tiếp tục bị hư hỏng nghiêm trọng hơn.

Nằm trên một khu vực đồi cát cao ở thôn Nhĩ Thượng, Di tích lịch sử Đồi 31 bao năm nay là niềm tự hào của cán bộ, Nhân dân địa phương. Đồi 31 (còn gọi là cao điểm 31) trong kháng chiến chống Mỹ được xem là “mắt thần” phía Đông trong hệ thống hàng rào điện tử Mc Namara. Do có vị trí chiến lược nên Mỹ đã xây dựng tại cao điểm này căn cứ quân sự khá lớn gồm một tiểu đoàn bộ binh và một đại đội pháo binh.

Một phía góc tường rào và sân của Di tích lịch sử Đồi 31 ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh đã bị sụt lún nghiêm trọng - Ảnh: Đ.V
Một phía góc tường rào và sân của Di tích lịch sử Đồi 31 ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh đã bị sụt lún nghiêm trọng - Ảnh: Đ.V

Tại điểm cao này đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Đặc biệt, từ ngày 10 đến 12/3/1968, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27, Mặt trận B5 đã chiến đấu quyết liệt với 2 tiểu đoàn địch và giành được thắng lợi. Trong trận quyết chiến này có 93 chiến sĩ của Tiểu đoàn 3 anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ những chiến sĩ của Trung đoàn 27 và quân dân huyện Gio Linh đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có ý tưởng tôn tạo, xây dựng Di tích lịch sử đồi 31 trở thành nơi tưởng niệm uy nghi, trang trọng, góp phần làm ấm lòng các gia đình, thân nhân liệt sĩ.

Sau 6 tháng thi công, công trình di tích đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 10/2010. Công trình có tổng diện tích rộng gần 2.000 m2 với các hạng mục như: các gian thờ cúng liệt sĩ, sân hành lễ, cổng, tường rào... cùng với hệ thống 68 bậc thang từ mặt bằng thi công leo lên đến đỉnh đồi. Tổng giá trị đầu tư cho công trình hơn 1,7 tỉ đồng, được ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình ở Hà Nội cùng cán bộ, nhân viên của công ty ủng hộ.

Từ khi khánh thành cho đến nay, Di tích lịch sử Đồi 31 là nơi đi về thăm viếng thường xuyên của các cựu chiến binh (CCB) Tiểu đoàn 3 nói riêng và Trung đoàn 27 nói chung. Đây cũng là địa điểm thiêng liêng, thường xuyên được cán bộ, Nhân dân địa phương đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm vào những dịp lễ, Tết. Công trình này được địa phương quản lý, chăm sóc chu đáo...

Tuy vậy, do ảnh hưởng của trận lũ lịch sử vào năm 2020 nên công trình đã bị hư hại nghiêm trọng tại nhiều hạng mục. Ông Nguyễn Hùng, cán bộ văn hoá xã Gio Mỹ cho biết, mưa lũ lớn đã tạo thành những dòng nước chảy mạnh từ đỉnh đồi 31 xuống làm sụp đổ khu vực chân bậc cấp dưới cùng dẫn lên di tích với diện tích ước khoảng gần 40 m2 ; làm đổ sập một góc tường rào lớn khoảng hơn 50 m2 ở phía trước công trình.

Ngoài ra, toàn bộ hệ thống cửa ra vào, cửa sổ, các bàn thờ, tủ thờ làm bằng gỗ của gian nhà thờ đều đã bị mối mọt ăn mục ruỗng gần như hoàn toàn... “Các điểm sụt lún ở dưới chân bậc cấp và góc tường rào, sân đã bị ăn sâu tạo thành các hàm ếch lớn. Ở những điểm này, đã có hàng trăm mét khối cát bị cuốn trôi xuống dưới đồi và hiện nay cát vẫn tiếp tục bị trôi khi có mưa lớn. Còn hệ thống các hạng mục bằng gỗ thì đã bị mối mọt ăn phá rỗng ruột, có nguy cơ đỗ sập bất cứ lúc nào”, anh Hùng lo lắng nói.

Theo Chủ tịch Hội CCB xã Gio Mỹ Lê Văn Thạnh, công trình bị xuống cấp nên đã ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc, bảo quản và thăm viếng, nếu không được trùng tu sớm thì sẽ tiếp tục bị hư hỏng nghiêm trọng hơn, nhất là những mùa mưa bão.

Ông Thạnh chia sẻ: “Tâm nguyện của toàn thể hội viên CCB, cán bộ và Nhân dân xã Gio Mỹ là mong muốn công trình sớm được sửa chữa, nâng cấp để có nơi tưởng niệm, thăm viếng trang nghiêm, ý nghĩa. Chứng kiến hiện trạng công trình bị xuống cấp như hiện tại, chúng tôi cảm thấy rất xót xa”.

Chủ tịch UBND xã Gio Mỹ Mai Văn Sâm cho biết, ngay khi nắm bắt được thực trạng xuống cấp, hư hỏng ngày càng nặng của công trình, xã đã nhiều lần có báo cáo kiến nghị với cơ quan chức năng cấp trên xem xét, hỗ trợ tu sửa công trình. Tuy nhiên, đến nay tâm nguyện của chính quyền địa phương và người dân vẫn chưa được hồi đáp.

“Trước thực trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng của công trình, địa phương chúng tôi mong muốn lãnh đạo các cấp cần kịp thời quan tâm, tạo điều kiện bố trí kinh phí tôn tạo, nâng cấp Di tích lịch sử Đồi 31 kiên cố và khang trang hơn để xứng đáng với giá trị lịch sử của di tích”, ông Sâm kiến nghị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du - điểm đến hấp dẫn

PV |

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du nằm ở thị trấn Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Chuyển giao điểm di tích Trường Bồ Đề, Ngã ba và Nhà thờ Long Hưng cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý

Thanh Trúc |

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam vừa ký quyết định phân cấp quản lý di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Theo đó, hai điểm di tích: Trường Bồ Đề, Ngã ba và Nhà thờ Long Hưng được giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý từ ngày 7/8/2023, thay thế nội dung Quyết định số 706/QĐ-UB ngày 12/7/1996 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đối với 2 điểm di tích nêu trên.

Đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử lưu niệm danh nhân mộ Tiến sĩ Bùi Dục Tài

Kăn Sương |

Ngày 5/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Thu Hằng chủ trì buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về tờ trình của UBND tỉnh đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử lưu niệm danh nhân mộ Tiến sĩ Bùi Dục Tài”.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa ở Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Với khoảng 180 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, huyện Vĩnh Linh chiếm đến 1/3 số lượng di tích của tỉnh Quảng Trị. Trong đó có 15 di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích cấp quốc gia và trên 160 di tích cấp tỉnh.